1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Hai thái cực của trung tâm đào tạo trẻ HA Gia Lai và SL Nghệ An

(Dân trí) - SL Nghệ An nhiều năm nay nổi tiếng ở khâu đào tạo trẻ. Đội bóng xứ Nghệ cũng nhiều năm bị chảy máu nhân tài, nhưng năm này qua năm khác vẫn đứng vững. Trong khi đó, HA Gia Lai là trung tâm mới nổi, nhưng bước đi đầu tiên lại chưa thuyết phục.

Hầu hết những cầu thủ nổi tiếng nhất của SL Nghệ An giờ đã không còn ở xứ Nghệ. Từ thế hệ của Văn Sỹ Hùng, Phi Hùng khi đó khoác áo HA Gia Lai, đến Dương Hồng Sơn về Hà Nội T&T, và giờ là những Công Vinh, Trọng Hoàng trở thành trụ cột của B.Bình Dương.

SL Nghệ An có lẽ là một trong những đội bóng đối diện với cảnh “chảy máu nhân tài” nhiều nhất của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng bất chấp những sự chia tay, đội bóng xứ Nghệ năm này qua năm khác vẫn sống khỏe.

Tre già thì măng mọc, sóng sau xô sóng trước, hàng loạt thế hệ mới của SL Nghệ An vươn lên thế chỗ các đàn anh. Mới nhất là những cái tên như Ngọc Hải, Mạnh Hùng, Phi Sơn…

Để có được điều ấy, đội bóng xứ Nghệ dĩ nhiên đã làm rất tốt khâu đào tạo, có tính kế thừa cao. Bên cạnh đó còn là cách sử dụng con người hợp lý. SL Nghệ An đã chuẩn bị cho Ngọc Hải trở thành trung vệ hàng đầu Việt Nam hiện nay từ thời Huy Hoàng còn thi đấu, để Ngọc Hải trưởng thành dần dần, chứ không vội vã đẩy cầu thủ này lên hàng trụ cột, ngay từ khi Ngọc Hải mới chân ướt chân ráo lên đỉnh cao.

Chất lượng giữa 2 lò đào tạo SL Nghệ An và HA Gia Lai đang được thẩm định thông qua V-League
Chất lượng giữa 2 lò đào tạo SL Nghệ An và HA Gia Lai đang được thẩm định thông qua V-League

Phi Sơn cũng là một trường hợp tương tự. Người ta đã biết đến cái tên Phi Sơn từ khi Trọng Hoàng còn chơi ở sân Vinh. Phi Sơn chính là sự kế thừa của Trọng Hoàng, chứ người xứ Nghệ không vội vã đưa Phi Sơn từ vị trí cầu thủ trẻ triển vọng lên hẳn hàng trụ cột, không vội vã đốt giai đoạn.

HA Gia Lai lại trái ngược. Đội bóng phố núi tự huyễn hoặc về sức mạnh về dàn cầu thủ trẻ mà họ vừa cho ra lò, mà không đánh giá hết trình độ chuyên môn lứa Công Phượng và các đồng đội, cũng không đánh giá đúng chuyên môn của làng cầu Việt Nam.

Lứa U19 năm ngoái vừa ra lò, Gỗ đã loại hết tất cả những công thần cũ. Loại gần 30 cầu thủ dĩ nhiên là quyền của bầu Đức và của Gỗ, nhưng kỳ thực đấy là tiền lệ chưa hề có trên bình diện bóng đá thế giới.

Ngay cả những ông chủ cực kỳ giàu có, quyền lực và cực kỳ thành công trong thế giới bóng đá như Berlusconi (AC Milan), Abramovich (Chelsea), hay Florentino Perez (Real Madrid) còn không dám làm như vậy, dù họ cũng nổi tiếng thay nhân sự như thay áo.

Họ không làm đơn giản vì họ biết đấy không phải là lĩnh vực dành cho họ. Đấy là lĩnh vực dành cho dân chuyên môn, mà nói về chuyên môn thì cầu thủ trẻ chỉ trưởng thành nhanh khi có đàn anh đi trước dìu dắt, đồng thời chống chịu bớt sức ép cho các cầu thủ trẻ.

HA Gia Lai đi sai ngay từ bước khởi đầu trong cách trẻ hóa đội hình, bởi có quá nhiều người không am tường về chuyên môn lại nhún tay quá sâu vào chuyên môn ở đội này.

Đấy cũng là cái thiếu lớn nhất của Gỗ so với SL Nghệ An, khiến cho quá trình trẻ hóa của Gỗ đang chịu tác dụng ngược. Thậm chí một vài cầu thủ của Gỗ còn có khả năng sớm thui chột, vì bắt đầu mất tự tin do thua nhiều quá và càng lúc càng lạc lỏng trong môi trường bóng đá đỉnh cao.

Khác biệt lớn nữa giữa HA Gia Lai so với SL Nghệ An còn nằm ở chỗ tính kế thừa của 2 lò đào tạo. SL Nghệ An năm nào cũng chảy máu nhân tài, năm nào cũng phải đôn hàng loạt gương mặt trẻ lên đội một, nhưng các tuyến trẻ của họ vẫn dự đủ các giải trẻ thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, và vẫn mạnh.

Ngược lại, HA Gia Lai chỉ đôn mỗi lứa Công Phượng và các đồng đội lên đá V-League đã than thiếu người dự giải U19 quốc gia, rồi vắng mặt tiếp ở giải U17. Thành ra, đến giờ thì rất khó nói mô hình đào tạo của HA Gia Lai là mô hình chuẩn như nhiều người từng lầm tưởng!

Kim Điền