HA Gia Lai: Cựu vô địch đang tầm thường hóa

(Dân trí) - Nếu như cách nay 8 năm, người ta gọi HA Gia Lai với cái tên “Dream team”, thì giờ đây đội bóng Phố núi đang phải vật lộn ở sân chơi VĐQG, cùng việc loay hoay định hình lối chơi, phong cách…

HA Gia Lai vẫn là đội bóng đầu tiên và duy nhất tính cho đến thời điểm này VĐQG ngay sau khi vừa lên hạng. Thế nhưng, lần gần đây nhất mà HA Gia Lai có danh hiệu đã cách nay 8 năm.

 

Trong vòng 8 mùa giải dài lê thê ấy, đội bóng Phố núi loay hoay tuyển mộ HLV, từ Kiatisuk, Anan Amornkiat, Chatchai, quay lại với Kiatisuk, rồi Dusit, chưa kể mấy bận HLV Huỳnh Văn Ảnh phải làm “Cascadeur”, đóng thế vai thuyền trưởng trong những thời điểm mà HA Gia Lai cần người nhất, nhưng không thể tìm ra người.

 

Hệ quả của việc thay đổi HLV quá nhiều và quá nhanh của HA Gia Lai là chưa có nhà chuyên môn nào trong những cái tên kể trên kịp để lại dấu ấn nơi đội bóng phố núi. Cũng chưa có HLV nào kịp định hình cho “Gỗ” một lối chơi đặc trưng mang tính kế thừa.
 
HA Gia Lai: Cựu vô địch đang tầm thường hóa
 HA Gia Lai (bên phải) không còn khiến các đối thủ e ngại - Ảnh: Sơn Dũng
 

Đấy cũng là điều dễ hiểu, bởi người hâm mộ bóng đá Việt Nam không lạ với phương châm không cần HLV giỏi, chỉ cần cầu thủ giỏi và chịu đá mà “bầu” Đức luôn tâm niệm. Thực tế là trong thời kỳ đỉnh cao, HA Gia Lai nhiều khi chẳng cần đến dấu ấn HLV, do khi đó dàn sao của họ quá tinh nhuệ, cũng như túi tiền thưởng của “bầu” Đức quá dày, đủ để khích lệ các ngôi sao ra sân trong trạng thái hưng phấn nhất.

 

Nhưng giờ thì mọi chuyện đã thay đổi, ngoại trừ Evaldo đáng gọi là sao trên hàng tiền đạo, các vị trí còn lại của HA Gia Lai chỉ thuộc dạng tầm thường, trong khi những gương mặt trẻ như Tuấn Mạnh, Hoàng Thiên… chỉ mới ở dạng tiềm năng.

 

Mặt khác, HA Gia Lai cũng chẳng còn là mảnh đất màu mỡ cho những khoản lương, thưởng cao như họ từng nổi tiếng nhiều năm trước. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, “bầu” Đức cũng đã không còn chi thưởng không tiếc tay để khích lệ đội bóng như cách ông vẫn quen làm.

 

HA Gia Lai của mùa giải 2012 không còn khả năng vừa đá vừa tự điều tiết giống HA Gia Lai của những năm 2003 – 2004, khi mà những Kiatisuk, Dusit, Hữu Đang, Phi Hùng, Sỹ Hùng, Mạnh Dũng… quá giỏi để đè bẹp mọi đối thủ.

 

Dấu ấn từ HLV người Hàn Quốc Choi Yoon Gyum cũng khá nhạt nhòa. Thậm chí, chuyện HLV này được chọn để dẫn dắt “Gỗ” trong bối cảnh mà làng cầu Việt Nam giờ thích dùng thầy nội hơn thầy ngoại cũng gây ra không ít bất ngờ.

 

Có thể HLV Choi Yoon Gyum được HA Gia Lai đưa về phố núi bởi họ hy vọng vào khả năng cải thiện thể lực mà ông sẽ truyền đến các cầu thủ. Tuy nhiên, quá giai đoạn đầu giải VĐQG năm nay, vấn đề thể lực của “Gỗ” vẫn chưa biến chuyển đáng kể.

 

Dĩ nhiên, việc HA Gia Lai có 10 điểm sau 7 vòng đấu, cũng như đang đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng không phải là thành tích quá tệ. Tuy nhiên, đấy cũng chẳng thể gọi là thành tích quá tốt. Trong cả 3 trận thắng của HA Gia Lai từ đầu mùa đến giờ, các đối thủ họ vượt qua đều có vấn đề.

 

Đó là V.Hải Phòng rối ren nội bộ ngay ngày khai mạc, là CLB Hà Nội lúc gặp khủng hoảng ít tuần sau đó, và đó là một Kiên Giang vốn bị đánh giá yếu nhất giải ở vòng 7. Nói tóm lại, HA Gia Lai thắng những trận vừa nêu nhờ biết cách tận dụng tốt cơ hội, dựa vào kinh nghiệm già dặn của một cựu binh có gần chục năm chinh chiến ở giải đấu hàng đầu Việt Nam. Nhưng để trụ lại ở đỉnh cao, người ta không thể trông chờ mãi ở yếu tố kinh nghiệm.

 

HLV Choi Yoon Gyum tiếp tục được tin tưởng nhờ “Gỗ” chưa đến nỗi rớt lại quá xa trên đoàn đua, cũng bởi giờ này đội bóng phố núi khó tìm người khác thật sự thích hợp trong bối cảnh con người của “Gỗ” thiếu trước hụt sau.

 

Tuy nhiên, nhìn cách HA Gia Lai loay hoay định hình phong cách, cũng như vất vả trong từng trận đấu mà họ tham gia, không khỏi tránh được cảm giác “Gỗ” giờ này đã tầm thường hẳn so với chính họ thời vàng son.

 

Kim Điền