1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

HA Gia Lai: Bậc thầy hay cậu học trò trong khâu đào tạo trẻ?

(Dân trí) - Khi lứa Công Phượng và các đồng đội tung hoành ở các giải U19 Đông Nam Á 2013 và 2014, người ta bảo lò HA Gia Lai là mô hình chuẩn. Nhưng thực tế thì càng đến lứa tuổi lớn hơn, cũng chính những sản phẩm từ lò ấy tỏ ra đuối khi tham dự các giải đấu.

Đội U21 HA Gia Lai đứng trước nguy cơ bị loại cực cao, chỉ sau vòng bảng giải U21 quốc gia đang diễn ra. Đội bóng ấy thậm chí còn không thắng nổi Huế và TPHCM, vốn cũng chẳng phải là những trung tâm đào tạo trẻ sáng giá của cả nước.

Nhiều người cho rằng U21 Gia Lai không thi đấu tốt tại VCK U21 quốc gia 2015 vì vắng 3 cầu thủ quan trọng nhất trong lứa U19 từng nổi đình nổi đám 1 – 2 năm trước gồm Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường.

Dù vậy, với một đội bóng đã sở hữu những Đông Triều, thủ môn Văn Tiến, hay Ksor Úc đá hết giải quốc tế này đến giải quốc tế khác, có Minh Vương là cầu thủ trẻ hay nhất V-League 2014 mà vẫn không thắng nổi 2 trung tâm đào tạo trẻ thuộc vào loại yếu của cả nước như TPHCM và Huế thì chắc cũng không phải chuyện vặt.

 

Gia Lai (áo xanh) còn không thể vượt qua nổi Huế ở lứa U21 (ảnh: Nguyễn Đình)
Gia Lai (áo xanh) còn không thể vượt qua nổi Huế ở lứa U21 (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Người ta cũng có thể có cái nhìn khác khi xét đến ngôi vô địch của đội U21 HA Gia Lai ở giải U21 quốc tế 2014, khi đội bóng thuộc học viện của bầu Đức lên ngôi vô địch, bằng cách đánh bại U21 Thái Lan đến 3-0 trong trận chung kết. Nhưng cũng với một số người khác, chiến thắng ấy không được đánh giá quá cao, vì U21 Thái Lan vốn chỉ mang thành phần phụ sang dự giải năm ngoái.

Nhìn rộng ra nữa, các đội bóng trẻ của Gia Lai, những đội bóng trẻ của bầu Đức cũng hầu như không gây được tiếng vang đáng kể ở các giải đấu chính thức cấp quốc gia suốt nhiều năm qua. Riêng trong năm 2015, CLB HA Gia Lai bỏ đến 3 giải trẻ cấp quốc gia, vì không đủ người để thành lập đội, hoặc không hợp với quan điểm đào tạo của CLB này (như chuyện không mang giày khi tập luyện ở các lứa tuổi nhỏ ở học viện và việc phải mang giày khi đá giải, đấy cũng đã là sự khác biệt lớn).

Lên đến V-League 2015, trong khi một đội bóng cũng sử dụng rất nhiều cầu thủ lứa U19 của năm trước là Khánh Hòa thi đấu rất tốt, gây được tiếng vang ở V-League, giành thứ hạng đáng khích lệ, cùng một lối chơi và một sự trưởng khiến làng cầu cả nước phải ngưỡng mộ, thì lứa U19 của HA Gia Lai năm vừa rồi lại cực kỳ vất vả ở đấu trường chuyên nghiệp.

 

Gia Lai chưa bao gjờ được đánh giá cao ở các sân chơi trẻ cấp quốc gia (ảnh: Nguyễn Đình)
Gia Lai chưa bao gjờ được đánh giá cao ở các sân chơi trẻ cấp quốc gia (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Đội bóng của Công Phượng và các đồng đội phải rất vất vả để trụ hạng, trong đó có nhiều trận đấu để lại điều tiếng không hay, riêng một số cầu thủ nổi tiếng nhất như Công Phượng và Xuân Trường thường xuyên gây thất vọng.

Dĩ nhiên, chuyện những sản phẩm nói chung từ lò đào tạo trẻ của HA Gia Lai xuất sắc hay không xuất sắc, hay ai xuất sắc ai không xuất sắc trong từng lứa của lò ấy vẫn là đề tài còn gây tranh cãi. Nhận xét ra sao về chất lượng của từng lứa cầu thủ, từng lò đào tạo ít nhiều phục thuộc vào quan điểm riêng của từng người.

Duy có một quan điểm cần được xem xét thấu đáo nằm ở chỗ, những sản phẩm từ lò đào tạo của bầu Đức có đáng được nghiễm nhiên trở thành nòng cốt cho các đội tuyển, thuộc các lứa tuổi của bóng đá Việt Nam hay không như một số người từng muốn thế là điều cần xem xét kỹ. Bởi, lò ấy chưa hề chứng minh được năng lực so với phần còn lại của bóng đá nội thông qua thực tế sân cỏ, từ cấp độ các giải trẻ cho đến sân chơi chuyên nghiệp!

Kim Điền

 

HA Gia Lai: Bậc thầy hay cậu học trò trong khâu đào tạo trẻ? - 3