(Dân trí) - Bản chất của Champions League là đẳng cấp và bất ngờ. Một đội bóng không đủ sức mạnh không thể tiến xa tại đấu trường danh giá này.
Bản chất của Champions League là đẳng cấp và bất ngờ. Một đội bóng không đủ sức mạnh không thể tiến xa tại đấu trường danh giá này. Tuy nhiên, bất cứ đội bóng hùng cường nào, dù nắm 99% cơ hội chiến thắng vẫn có thể bị loại chỉ trong tích tắc. Đó là những điều mà Man City cần phải tính toán và có phương án phù hợp khi tái ngộ Real Madrid ở bán kết lượt về Champions League, sau khi hai đội hòa 1-1 ở lượt đi tại Bernabeu.
Hành quân đến Santiago Bernabeu, thầy trò Pep Guardiola thêm lần gây thất vọng, như cái cách gã phóng viên của beIN Sports mở màn buổi họp báo sau trận hòa 1-1 giữa Real Madrid đấu với Man City trong khuôn khổ lượt đi bán kết Champions League: "Mọi người đều nghĩ Man City sẽ hủy diệt Real Madrid?".
Tại Madrid, hình ảnh cỗ máy hủy diệt cuốn phăng mọi chướng ngại hoàn toàn biến mất. Các pha dàn xếp uyển chuyển bỗng dưng bị gãy đổ dễ dàng. Những chuyên gia phối bóng và điều tiết nhịp độ trận đấu như John Stones, Rodri hay Gundogan đều có nhiều tình huống lóng ngóng rồi để mất bóng ngay bên phần sân nhà.
Kyle Walker và Bernardo Silva, hai cầu thủ án ngữ bên hành lang phải Man City trải qua 90 phút ác mộng khi phải đối mặt với tốc độ, sự dẻo dai và lắt léo từ Camavinga và Vinicius.
Cỗ máy săn bàn Erling Haaland, tác giả của 51 bàn thắng trên mọi đấu trường ở mùa giải này, mất dạng trước cặp trung vệ tuổi "băm" David Alaba và Antonio Rudiger. Vỏn vẹn 21 lần chạm bóng và 3 pha dứt điểm không nguy hiểm là minh chứng cho sự bất lực của trung phong người Na Uy.
Nhưng, "Mọi người là ai thế?!", Guardiola đáp trả gay gắt. "Cậu có biết chúng tôi đối đầu với đội bóng nào không? Cậu có biết Real Madrid vô địch Champions League bao nhiêu lần không? Tôi chẳng liên quan gì nếu cậu nghĩ Man City sẽ thắng 6-0".
Không phải lần đầu tiên trong mùa giải này, vị chiến lược gia người Catalonia lại nổi đóa trước những câu hỏi "đâm chọc" như vậy của cánh phóng viên. Hồi cuối tháng 2, trong trận lượt đi vòng 1/8, khi Man City chật vật hòa trên sân RB Leipzig, Guardiola cũng bực bội đáp trả: "Các anh mong chờ điều gì chăng? Man City đâu đến để đá giao hữu. Các anh đã xem RB Leipzig đá bao nhiêu trận rồi? Đừng mong chờ chúng tôi đến đây để thắng 5-0. Điều đó thật viển vông!".
"Nhiều đội bóng xuất sắc còn bị loại ngay từ vòng bảng ở đấu trường khốc liệt này", Pep lý giải. "Man City vừa phải đá 4 trận đều trên sân đối phương chỉ trong 10 ngày. Vậy còn kỳ vọng điều gì nữa? Chúng tôi là đội bóng giỏi và đạt được nhiều thành tích. Nhưng nếu kỳ vọng Man City đến để giành chiến thắng 4-0 thì xin lỗi, tôi chịu!".
Bây giờ hãy thử đặt lên bàn cân: Vòng 1/8 chẳng thể căng thẳng như vòng bán kết; Real Madrid đáng sợ gấp nhiều lần RB Leipzig; nếu cuối tháng 2, Man City trải qua 4 chuyến làm khách trong 10 ngày thì trong vòng 12 ngày qua, thầy trò Pep Guardiola đã thi đấu 5 trận và đội bóng này đang phải căng sức đua nước rút tại Premier League.
Thế nên, trận hòa tại Bernabeu rõ ràng nhiều giá trị hơn trận hòa tại Red Bull Arena. Sau trận lượt đi, ưu thế đang thuộc về Man City với trận lượt về trên sân nhà Etihad.
Không thể đòi hỏi hơn về mặt kết quả khi phải làm khách của đội bóng thành công nhất lịch sử cúp châu Âu và gieo rắc vào tâm trí mọi đối thủ về nổi ám ảnh mang tên "DNA vô địch Champions League" hay "chân mệnh đế vương".
Có chăng, "lỗi" của thầy trò Pep Guardiola đã đẩy tiêu chuẩn lên quá cao. Ông và các học trò tạo ra thứ bóng đá biến hóa và tinh kỳ để liên tục thống trị Premier League bằng điểm số trên dưới 90 mỗi mùa. Trước kỷ nguyên Guardiola, Ngoại hạng Anh luôn tự hào là giải vô địch quốc gia (VĐQG) giàu tính cạnh tranh nhất châu Âu và ngay cả thế hệ đội hình vĩ đại của Arsenal cũng "chỉ" giành 90 điểm trong mùa giải đăng quang với kỳ tích bất bại.
Real Madrid là đội bóng vĩ đại nhất lịch sử Cúp châu Âu với 14 lần vô địch C1/Champions League, gấp đôi số lần đăng quang của đội giàu thành tích thứ hai (AC Milan - 7 lần). Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha được ví von như thể mang trong mình "chân mệnh đế vương", bởi bằng cách huyền bí nào đó luôn thoát ra khỏi mọi hiểm cảnh ngặt nghèo để bước tới đỉnh vinh quang.
Tuy nhiên, lịch sử Real Madrid không chỉ có màu hồng. Nhiều giai đoạn đội bóng Hoàng gia mất dạng tại đấu trường danh giá nhất châu Âu. Cách nay không lâu, trước bình minh kỷ nguyên thống trị Champions League hiện tại, Los Blancos còn bị chế giễu kém bản lĩnh vì 6 mùa liên tiếp bị loại ngay từ vòng 1/8 ở sân chơi đẳng cấp này, từ mùa 2004/05 đến 2010/11.
Giai đoạn đen tối này là gạch nối giữa cuối nhiệm kỳ thứ nhất đến đầu nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Florentino Perez. Nếu năm đầu tiên trong chu kỳ khủng hoảng tại Champions League, hiện diện trong đội hình Real Madrid là dàn Galacticos gồm Ronaldo, Raul, Zidane, Figo, Beckham thì năm cuối chu kỳ khủng hoảng, Los Blancos được Perez tái thiết bằng Galacticos 2.0, với những Cristiano Ronaldo, Kaka hay Karim Benzema.
Trở lại mùa giải cuối chu kỳ khủng hoảng này, Real Madrid chi rất nhiều tiền để tăng cường lực lượng. Đội bóng Hoàng gia đã 2 lần phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới trong một mùa hè để ký hợp đồng với Kaka và C.Ronaldo, lần lượt là Quả bóng vàng 2007 và 2008.
Cho dù đầu tư mạnh tay, Los Blancos vẫn để thua đại kình địch Barcelona trong cuộc đua vô địch tại La Liga và bị loại ở vòng 1/8 Champions League. Vì thế, Real Madrid vẫn bị chế giễu là đội bóng lắm tiền nhiều của nhưng kém bản lĩnh. Những luận điểm chỉ trích cách tiêu tiền kiểu "trọc phú" không khác nhiều với Man City hiện nay.
Phân tích sâu hơn, sau nhiều năm khủng hoảng, chất lượng đội hình Real Madrid lung lay đến tận gốc. Những công thần như Raul Gonzalez hay Guti đều đã bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp nhưng ảnh hưởng trong phòng thay đồ lại quá lớn. Lối chơi của đội bóng Hoàng gia cũng lạc hậu bởi nhiều năm loay hoay với những nhà cầm quân lỗi thời.
Florentino Perez đi đến 2 quyết định quan trọng. Thứ nhất, chia tay 2 "lão thần" Raul và Guti. Thứ hai, bổ nhiệm Jose Mourinho, người vừa đánh bại Barcelona hùng mạnh và giành "cú ăn ba" vĩ đại cùng Inter Milan.
Những quyết định này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều bởi Raul và Guti là biểu tượng của đội bóng Hoàng gia, trong khi sự thực dụng của Mourinho cũng trái ngược với phong thái hào hoa Perez cố công theo đuổi cùng danh xưng Galacticos.
Rốt cuộc, Mourinho cũng không thể giúp Real Madrid vô địch Champions League. Sự độc đoán của Người đặc biệt gây nên sóng ngầm trong phòng thay đồ luôn hiện diện nhiều cá tính lớn của Santiago Bernabeu.
Dù vậy, Người đặc biệt để lại dấu ấn lớn trong việc nâng tầm đẳng cấp Los Blancos, để đội bóng này trở lại với tiêu chuẩn của gã khổng lồ bóng đá châu Âu. Real Madrid biết cách tổ chức phòng ngự kín kẽ và không còn sợ sệt khi phải đương đầu lối đá kiểm soát bóng ma mị của Barcelona.
Real Madrid trở thành đội bóng chuyển trạng thái lợi hại nhất châu Âu, với những pha tấn công nhanh như điện giật là thương hiệu. Real Madrid vô địch La Liga với điểm số kỷ lục 100. Và Real Madrid phá dớp dừng chân vòng 1/8 để 3 lần liên tiếp lọt vào bán kết Champions League, cho dù giống như những người bi quan nhìn vào nửa ly nước, thành tích lọt vào 4 đội mạnh nhất châu Âu 3 mùa liên tiếp là chưa đủ.
Với kỳ vọng lớn lao dành cho tên tuổi và số tiền Real Madrid đầu tư, không vô địch Champions League luôn là thất bại. Vì vậy, chưa thể đánh giá Mourinho thành công mỹ mãn ở Bernabeu. Song, thành tích 3 lần tiến tới bán kết, lần lượt thua Barcelona, Bayern Munich và Dortmund, đã trui rèn bản lĩnh cho các cầu thủ đội bóng Hoàng gia.
Để rồi một năm sau, khi thay thế Mourinho dẫn dắt Real Madrid, Carlo Ancelotti, vị chiến lược gia bậc thầy trong tùy cơ ứng biến và quản trị nhân sự đã biến giấc mơ La Decima (vô địch châu Âu lần thứ 10) trở thành hiện thực.
Biểu tượng cho cột mốc vĩ đại ấy là cú đánh đầu quân bình tỷ số 1-1 ở phút 90+3 của Sergio Ramos.
Trở lại với cuộc phỏng vấn sau trận bán kết lượt đi Champions League giữa Real Madrid và Man City, sau khi nổi đóa với câu hỏi vô duyên của tay phóng viên, Guardiola đưa ra đúc kết: "Bóng đá không thể lý giải. Khi chúng tôi chơi tốt, họ ghi bàn. Khi họ chơi tốt, chúng tôi lại ghi bàn".
Thật vậy, trong hiệp 1, Man City kiểm soát bóng 68%, tung ra 6 pha dứt điểm nhưng Real Madrid mới là đội ghi bàn mở tỷ số. Bước sang hiệp 2, Real Madrid lấn lướt với 57% thời gian cầm bóng thì Man City lại tìm được bàn gỡ hòa.
Sống động hơn nữa cho bản chất bất ngờ của Champions League chính là trận bán kết giữa hai đội mùa trước. Phút 89 trận bán kết lượt về Champions League 2021/22 giữa Real Madrid và Manchester City trên sân Santiago Bernabeu, đội chủ nhà bị đội khách dẫn trước 1-0 và chỉ có một pha dứt điểm trúng đích. Tổng tỷ số hai lượt trận là 3-5 nghiêng về phía Man City. Man Xanh cũng thao túng hoàn toàn thế trận từ trận lượt đi đến trận lượt về.
Máy tính đưa ra đánh giá xác suất vào chung kết của Real Madrid chỉ còn 1%, con số nhỏ nhoi tới mức tạo cảm giác chỉ cái chớp mắt là mọi hy vọng tan vào hư vô. Man City đã kiểm soát cục diện suốt 90 phút lượt đi và 89 phút lượt về.
Tuy nhiên, chỉ trong ít phút cuối cùng, thầy trò Pep Guardiola lại để mất kiểm soát hoàn toàn. Real Madrid san bằng tỷ số bằng cú đúp của Rodrygo rồi Benzema tung đòn kết liễu trong thời gian thi đấu hiệp phụ. Thất bại theo kịch bản như vậy thật khó tin và cay đắng nhưng theo chiều ngược lại cũng đem đến cho thầy trò Guardiola bài học quý báu để trưởng thành.
Trình độ, đẳng cấp của đội bóng đang hướng tới chức vô địch Premier League thứ 5 trong 6 mùa qua là điều miễn bàn. Đáng nói, giống như Mourinho và Real Madrid, Pep đang dẫn dắt Man City trải qua mùa giải thứ ba liên tiếp có mặt tại bán kết Champions League, từ đó trưởng thành vượt bậc về mặt bản lĩnh.
Trong cả 3 vòng đấu loại trực tiếp Champions League mùa này, Man City không phải lúc nào cũng chơi thứ bóng đá kiểm soát triệt để. The Citizens đã hòa cả 3 trận lần lượt trên sân RB Leipzig, Bayern Munich, Real Madrid cùng với tỷ số 1-1 và tiếp cận trận đấu theo kiểu nhường thế trận cho đối phương.
Điều đáng nói, nhiều thời điểm Guardiola còn chỉ đạo học trò lùi sâu đội hình phòng ngự và ưu tiên sử dụng sức mạnh thể chất để ngăn cản đối phương, chiến thuật đối nghịch hoàn toàn triết lý vị chiến lược gia người Catalonia theo đuổi.
Minh chứng sống động nhất là trận tứ kết lượt về với Bayern Munich. Thống kê chỉ ra Man City chỉ cầm bóng vỏn vẹn 42% và chấp nhận để đối phương bắn phá miễn đảm bảo lợi thế dẫn bàn có được từ trận lượt đi. Tiền vệ Bernardo Silva thừa nhận sau trận: "Chúng tôi đã học được từ những sai lầm trong quá khứ. Trước đây, chúng tôi từng nghĩ cần phải thống trị cục diện trong suốt 90 phút, kiểm soát hoàn toàn 1/3 cuối sân.
Nhưng khi đương đầu với những Bayern Munich, PSG, Real Madrid, Barcelona hay Liverpool, bạn cần chấp nhận thực tế rằng đôi khi bạn phải phòng ngự và kiên nhẫn. Bạn phải cần mẫn và nỗ lực để không cho đối phương cơ hội dễ dàng để ghi bàn".
Phân tích thêm về mặt kỹ thuật, Guardiola nhồi tới 5 cầu thủ có kỹ năng đá trung vệ tại Allianz Arena. Ruben Dias là trung vệ thuần túy nhất Guardiola từng có, một chốt chặn thuần túy và không đóng thêm vai trò nào khác.
Manuel Akanji là trung vệ thi thoảng chơi hậu vệ cánh tại Dortmund, nhưng hiện tại vị trí thường xuyên của cầu thủ này là chơi lệch phải trong 3 trung vệ. Nathan Ake được chiêu mộ để sử dụng ở vị trí trung vệ lệch trái, nhưng sau thời gian thử nghiệm ở vị trí tiền vệ trung tâm, cầu thủ này được Guardiola biến đổi thành hậu vệ cánh trái, một cầu thủ chơi ở vị trí hậu vệ cánh trái nhưng với vai trò trung vệ.
John Stones di chuyển linh hoạt để Man City chuyển sang sơ đồ 3-2-2-3 khi có bóng, bằng cách dâng từ vị trí trung vệ lên tiền vệ trung tâm, nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều nhãn quan chiến thuật, sự tự tin và bản lĩnh. Còn Rodri, dù thường xuyên chơi ở vị trí tiền vệ mỏ neo nhưng từng được Guardiola sử dụng nơi hàng thủ.
Về mặt thể chất, cậu học trò cũ của Diego Simeone tại Atletico Madrid này giống trung vệ hơn, tương tự Javier Mascherano, cầu thủ cũng được Pep "chuyển vị trí công tác" từ tiền vệ đánh chặn thành trung vệ ở Barcelona trước đây.
Tại Santiago Bernabeu, vì Nathan Ake dính chấn thương nên Kyle Walker đá thay nhưng về bản chất ý đồ "dựng xe buýt 2 tầng" bằng 5 trung vệ của Pep không hề thay đổi.
Ngược dòng thời gian trở về 9 năm trước, mùa giải Real Madrid chinh phục La Decima, một trong những bại tướng của Carlo Ancelotti chính là Pep Guardiola, khi ấy đang còn dẫn dắt Bayern Munich tại bán kết.
Trận lượt đi, Bayern thua 0-1 trên sân Bernabeu. Trận lượt về, các học trò của Guardiola thua tới 4 bàn không gỡ. Pep gọi thất bại này là sai lầm chiến thuật lớn nhất sự nghiệp vì đã sử dụng sơ đồ 4-2-4 thay cho kế hoạch được nghiên cứu tỉ mỉ từ trên máy bay trở về Munich.
"Đây là mớ hỗn độn tồi tệ nhất sự nghiệp của tôi. Cả mùa giải tôi không dùng sơ đồ 4-2-4. Suốt cả mùa! Và rồi tôi lại quyết định dùng sơ đồ này trong đêm nay, đêm quan trọng nhất. Như một trò đùa", Guardiola than vãn sau trận thua tan tác và ông bị đánh giá là "suy nghĩ quá nhiều".
Bây giờ, sau trận hòa tại Bernabeu, Guardiola không say sưa nói về chiến thuật nữa, kiểm soát bóng hay thao túng thế trận không còn ám ảnh vị chiến lược gia này. Ông nói về sự vô thường trên sân cỏ.
Với 99% cơ hội chiến thắng, đội bóng của Pep vẫn thua. Thế nên không gì là không thể xảy ra cùng trái bóng. Và sau bao giông bão sự nghiệp, với 6 lần bị loại tại bán kết Champions League và đã không đăng quang từ năm 2011 đến nay, dường như vị chiến lược gia tài ba người Catalonia đã cảm nhận hết bản chất của bóng đá lẫn đấu trường danh giá nhất châu Âu.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên