Đừng để các tài năng như Lý Hoàng Nam bị thui chột
(Dân trí) - 15 tuổi, Hoàng Nam đã cao 1m75, với sải tay dài và sức rướn tốt. Cộng với sự đầu tư và niềm đam mê, Hoàng Nam đang có đầy đủ các yếu tố để trở thành một tay vợt có đẳng cấp trong tương lai gần...
Lý Hoàng Nam thực sự là tài năng hiếm của thể thao Việt Nam
Tất nhiên, ước mơ hay mục tiêu sẽ là động lực để Hoàng Nam phấn đấu, nhưng thực tế với quần vợt Việt Nam, để có thể trở thành tay vợt đỉnh cao, lại không hề đơn giản.
Cùng lứa với Hoàng Nam, Huỳnh Hồ Đan Mạch từng nổi tiếng sớm hơn và được xem là một “hiện tượng mới” của quần vợt Việt Nam. Tuy nhiên, sau năm 2010 thi đấu thành công, Đan Mạch bị đơn vị Bình Dương cấm thi đấu vì vô kỷ luật, tài năng cũng thui chột từ đó. Trước Đan Mạch, Hoàng Thiên nổi đình nổi đám ở các giải trẻ, nhưng sau khi qua ngưỡng 18 tuổi để bắt đầu bước vào con đường chuyên nghiệp, cũng đã cho thấy sự đi xuống rõ rệt.
Để phát triển quần vợt đỉnh cao, không còn cách nào khác là phải sớm triển khai chủ trương xã hội hóa đối với môn thể thao này để khơi dậy sự ủng hộ và đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp, bên cạnh sự đóng góp của gia đình. Việc phát hiện tài năng mới chỉ là bắt đầu, còn bài toán đầu tư mới thực sự là yếu tố quyết định tới sự phát triển của tài năng đó.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) Nguyễn Quốc Kỳ cho biết trong bối cảnh thể thao Việt Nam chưa chuyên nghiệp như hiện nay thì vai trò đầu tư từ phía nhà nước phải là chủ yếu để ươm mầm tài năng, giúp họ yên tâm rèn luyện theo đuổi sự nghiệp. Với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp, VTF chỉ có thể giúp tổ chức giải đấu, tìm kiếm tài trợ thêm cho VĐV… chứ không thể lo tất tần tật cho một cá nhân tay vợt nào. Ngoài ra, theo ông Kỳ yếu tố khác khiến các tay vợt Việt Nam khi còn nhỏ là thần đồng nhưng càng lớn càng chững lại là vì không đi đúng lộ trình chuyên nghiệp.
Trong khi đó, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng nhấn mạnh: “Tiềm năng của Việt Nam ở cấp độ trẻ là có tuy chưa phải thực sự dồi dào, nhưng dứt khoát phải có cách làm chặt chẽ để họ không bị mai một. Trước mắt, chúng tôi sẽ đề xuất tập trung hơn nữa nguồn lực giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa ở một số môn”.
Để có thêm nhiều Hoàng Nam hay những tài năng trẻ khác, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: dinh dưỡng, khoa học công nghệ, trang thiết bị, chế độ đãi ngộ, điều kiện tập luyện… Đó là những vấn đề được tất cả nhìn thấy rất rõ, nhưng để đi đến một sự đầu tư đặc biệt mang tính thực tế, rõ ràng là thể thao Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm.
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục thể thao, quý độc giả có thể gửi đến ban Thể thao báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thethao@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn! |