Dortmund: Câu chuyện cổ tích thời hiện đại
(Dân trí) - Như một phép màu, Dortmund, từ đội bóng không được đánh giá cao, bỗng vươn mình tạo nên câu chuyện cổ tích ở Champions League năm nay. Đã 18 năm qua, trái tim của những người dân vùng Rurh mới lại rộn ràng đến vậy.
Giá trị đội hình Dortmund chỉ bằng 1/10 so với Real Madrid
Trong khi đó, số tiền mà Dortmund bỏ ra để chiêu mộ chân sút Lewandowski, người đã ghi tới 4 bàn thắng vào lưới Real Madrid cũng chỉ bằng 1/20 so với C.Ronaldo, ngôi sao đắt giá nhất thế giới (4,75 triệu euro so với 96 triệu euro).
Trong thời đại kim tiền, sự vươn lên mạnh mẽ của Dortmund là cái tát thực sự cho những đội bóng “dùng tiền mua danh hiệu”, mà Real Madrid nằm trong số đó. Cần phải nhấn mạnh rằng, trước khi giải đấu diễn ra, khi đội bóng vùng Rurh nằm cùng bảng đấu với những thế lực của “đồng tiền” như Real Madrid hay Man City, không nhiều người nghĩ họ sẽ vượt qua (chứ đừng nói là lọt vào Bán kết).
Sau trận đấu, HLV Jurgen Klopp đã dùng hình ảnh Robin Hood để nói về Dortmund. Đó là sự so sánh rất tinh tế giữa vị anh hùng, luôn trong thế chống đối với những kẻ giàu (cướp của kẻ giàu chia cho người nghèo) với Dortmund, đội bóng trên đường chống lại những đội bóng giàu có.
Đặt Dortmund cạnh những “gã nhà giàu” càng khiến câu chuyện cổ tích của “đội bóng 40 triệu euro” trở nên lung linh hơn. Đã 18 năm trôi qua, kể từ ngày thế hệ của Sammer, Andreas Möller, Lars Ricken, Jürgen Kohler…lên đỉnh châu Âu, những người dân vùng Rurh mới lại được sống trong không khí cổ tích rộn ràng đến vậy.
Thế nhưng, khác với thời đó, thế hệ của Mario Gotze, Weidenfeller, Lewandowski, Blaszczykowski…ngày hôm nay được sinh ra từ “đống đổ nát”, của thời kỳ khắc khổ sau những năm hoang tàn vì phá sản (Dortmund từng bán sạch cầu thủ để tồn tại ở Bundesliga).
Những cầu thủ Dortmund, dù nhận mức lương “công nhân” nhưng lại thi đấu như những “chiến binh”
Chính những gian khổ ấy đã tôi luyện cho Dortmund trở nên mạnh mẽ, kiên cường đến vậy. Những cầu thủ với mức lương “công nhân” ấy (trung bình chỉ khoảng trên dưới 2 triệu euro/năm) lại chiến đấu như những chiến binh thực sự.
Họ khiến “nhà giàu” Man City phải hồn xiêu phách lạc, khiến Shakhtar Donetsk, đội bóng từng gây ra khó khăn Chelsea, Juventus, phải quỳ gối, khiến Malaga ôm hận chỉ trong vòng vài phút cuối hay khiến Mourinho cùng học trò phải “tâm phục khẩu phục” khi quyết tâm chinh phục giấc mơ Decima trào dâng…
Kỳ diệu thay, trong chất “chiến binh” của những người Dortmund lại toát lên vẻ “nghệ sĩ”. Chứng kiến những pha đan bóng, phối hợp dồn ép đối phương, nhiều người liên tưởng tới hình ảnh của MU đầy dũng mạnh năm 1999. Trong bóng đá hiện đại, khi mà lối chơi thực dụng đang lên ngôi, việc Dortmund “dám” đá đẹp (trái với truyền thống) và thành công, đó thực sự là điều đáng quý.
Sân nhà Signal-Iduna-Park luôn được xem là yếu tố quan trọng mang tới thành công cho Dortmund trong những năm qua (đặc biệt mùa này). Mỗi trận đấu tại Signal-Iduna-Park tựa như một ngày hội, trong đó, khán đài đứng phía Nam Südtribüne, nơi dành cho những CĐV trung thành Dortmund luôn được nhuộm vàng và “cháy” cũng những tiếng hò reo không ngớt trong mọi trận đấu.
Jurgen Kloop, tác giả viết nên câu chuyện cổ tích kỳ vỹ mang tên Dortmund
Sự cổ vũ ấy không chỉ tiếp thêm tinh thần cho những cầu thủ Dortmund vùng lên chiến đấu mà nó còn góp phần “bóp nghẹt” đối phương. Điều đó giải thích tại sao, CLB vùng Rurh đang là đội bóng duy nhất vẫn giữ được thành tích toàn thắng trên sân nhà kể từ đầu mùa giải.
Sẽ thật đáng tiếc nếu bỏ qua Jurgen Kloop trong câu chuyện của Dortmund. Hay nói đúng hơn, Jurgen Klopp chính là tác giả của câu chuyện vĩ đại ấy. Ông đại diện cho thế hệ đầy HLV trẻ đầy tài năng, cá tính trong làng túc cầu. Jurgen Kloop không chỉ cho thấy chất “đặc biệt” của mình qua cách chỉ đạo, đối diện với báo giới…mà trên hết, ông còn là “nuôi dạy trẻ” tài ba.
Dưới bàn tay tài hoa của “tướng” Klopp, một thế hệ vàng mới của Dortmund như Mario Gotze, Weidenfeller, Lewandowski, Blaszczykowski…đã vươn mình ra ánh sáng. Thậm chí, họ trưởng thành từ khá sớm. Nhìn những màn trình diễn của Mario Gotze không ai nghĩ rằng, cầu thủ này năm nay mới bước sang tuổi…21.
Câu chuyện cổ tích của Dortmund chắc chắn sẽ không dừng lại. Sau Signal-Iduna-Park là Bernabeu, nơi họ sẽ chạm trán với Real Madrid trong trận chung kết. Sau đó, rất có thể là Wembley. Chưa bao giờ, trong nhịp đập của những trái tim vùng Rurh lại rộn ràng không khí Champions League đến vậy.
Dù kết quả của Dortmund trong thời gian tới có ra sao (kể cả việc họ bị lội ngược dòng ở Bernabeu), chẳng ai có thể quên được “chàng Robin Hood” Dortmund với những chiến tích kỳ vĩ trong mùa giải này.
H.Long