Đội tuyển Việt Nam trên tầm Đông Nam Á, nhưng chưa đến trình độ châu Á

Kim Điền

(Dân trí) - Bất bại liên tục trước các đội bóng Đông Nam Á, tuyển Việt Nam đã trên tầm khu vực, nhưng chúng ta vẫn chưa bắt kịp trình độ châu Á, nên cần phải cố gắng nhiều ở vòng loại thứ ba World Cup.

Hành trình đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2022

Theo thống kê, đội tuyển Việt Nam đã có 29 trận bất bại liên tục trước các đội bóng ở Đông Nam Á, tại các giải đấu khác nhau. 

Dưới thời HLV Park Hang Seo, các đội tuyển Việt Nam cũng hầu như giành được mọi thứ hạng cao nhất của bóng đá Đông Nam Á, ở mọi cấp độ, gồm ngôi vô địch AFF Cup 2018, vô địch SEA Games 2019, là đội bóng Đông Nam Á tiến xa nhất tại Asian Cup 2019 (tứ kết) và Asiad (bán kết).

Thậm chí, với dàn cầu thủ tài năng hiện có, sự thống trị của bóng đá Việt Nam ở Đông Nam Á được dự báo sẽ còn kéo dài.

Đội tuyển Việt Nam trên tầm Đông Nam Á, nhưng chưa đến trình độ châu Á - 1

Đội tuyển Việt Nam đã vượt lên trên trình độ Đông Nam Á, nhưng vẫn chưa bắt kịp các đội bóng có trình độ châu Á (Ảnh: Anh Tuấn).

Những thành tích này khẳng định bóng đá Việt Nam đã ở trên trình độ của bóng đá khu vực, trình độ mà Thái Lan hay Malaysia dù rất muốn cản bước đội tuyển Việt Nam, nhưng đều bất thành.

Mặc dù vậy, thực tế cũng đã chỉ ra, đội tuyển Việt Nam vẫn còn khoảng cách với nhóm các đội có trình độ châu Á. Điều này thể hiện qua trận thua trong thế hầu như không thể ngăn chặn của đội tuyển Việt Nam trước UAE ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, vừa kết thúc.

Trong khi đó, UAE vẫn chưa phải là đội thuộc vào hàng đỉnh nhất của bóng đá châu lục. 5 đội tuyển Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia và Australia có đẳng cấp cao hơn hẳn châu lục. UAE được đánh giá ngang tầm Qatar, Iraq, Uzbekistan và nhỉnh hơn một chút so với Trung Quốc.

Chính vì thế, vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á, diễn ra từ tháng 9 tới đây, hứa hẹn sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn cho đội tuyển Việt Nam. Nhìn theo bảng xếp hạng FIFA thì đoàn quân HLV Park Hang Seo ở gần trình độ các đội Syria, Oman, Lebanon, Jordan, Bahrain trong top 16 châu Á.

Trường hợp của đội tuyển Thái Lan ở kỳ vòng loại World Cup gần nhất cách nay hơn 4 năm cũng tương tự. Khi đó, bóng đá Thái Lan có vị trí khá giống với bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại. 

Thái Lan khi đó dưới thời HLV Kiatisuk Senamuang, không có đối thủ tại Đông Nam Á, nhưng họ cũng cực kỳ vất vả tại vòng loại thứ ba World Cup 2018 (hòa 2 và thua 8 trận), trong bảng đấu có sự hiện diện của Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, UAE và Iraq.

Đội tuyển Việt Nam trên tầm Đông Nam Á, nhưng chưa đến trình độ châu Á - 2

Bảng xếp hạng khu vực châu Á của 12 đội tuyển lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Qatar xếp thứ 5, Uzbekistan xếp thứ 12, còn các vị trí thứ 14, 15 thuộc về Jordan, Bahrain.

Điều này cũng không khó giải thích, ở chỗ các nền bóng đá hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia… họ đã chuẩn bị nền tảng từ rất nhiều thập niên qua, với lớp lớp các thế hệ cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản rồi thành tài. 

Với bóng đá Thái Lan và bóng đá Việt Nam, chúng ta phát triển sau họ. Riêng bóng đá Việt Nam thực tế chỉ phát triển các lò đào tạo bóng đá trẻ trên dưới khoảng chục năm qua, nên vẫn còn ở khoảng cách khá xa với các nền bóng đá hàng đầu châu lục. 

Cựu HLV Đoàn Minh Xương phân tích: "Để tiến lên thêm nữa, thu ngắn thêm cách biệt về mặt trình độ với các đội mạnh ở châu Á, bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều học viện bóng đá trẻ, chứ hiện tại chỉ mới có HA Gia Lai, CLB Hà Nội hay trung tâm bóng đá Viettel làm thật sự tốt mô hình học viện kiểu hiện đại".

"Còn để thi đấu xem được trước các đội bóng trình độ châu Á ở vòng loại thứ ba World Cup, vốn còn mạnh hơn cả UAE, đội tuyển Việt Nam cần lựa chọn những con người phù hợp, cũng như có lối chơi hợp lý và tích lũy thể lực tốt hơn" - ông Xương nói thêm.

Dĩ nhiên, mục tiêu hiện tại của đội tuyển Việt Nam chưa phải là giành vé dự VCK World Cup ngay ở vòng loại thứ ba sắp diễn ra vào tháng 9, mà thông qua đợt vòng loại này, chúng ta đánh giá rõ hơn khoảng cách thực tế giữa đội tuyển Việt Nam so với trình độ châu Á, rồi có hướng điều chỉnh chiến lược phát triển bóng đá trẻ phù hợp hơn!