1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Đội tuyển Việt Nam thua đậm Thái Lan: Lỗi không của riêng HLV Miura

(Dân trí) - Đội tuyển Việt Nam thua đậm Thái Lan, đấy đúng là nỗi đau của người hâm mộ. Nhưng nếu chỉ xem đấy là lỗi của riêng HLV Miura thì không đúng và không đủ. Cơ bản, nền tảng của 2 nền bóng đá bây giờ đã khác nhau xa quá!

Đội tuyển nói cho cùng là nơi phản ánh bộ mặt của toàn bộ nền bóng đá, vì đội tuyển chính là sản phẩm của nền bóng đá ấy. Và chúng ta thật sự đang có gì về mặt nền tảng?

Giải quốc nội của bóng đá Việt Nam càng ngày càng kém sức hút, không được đánh giá cao về mặt chất lượng. Đồng thời giải quốc nội ấy rất khó so sánh với giải vô địch quốc gia Thái Lan. So với V-League, Thai-League hấp dẫn hơn, giàu tính cạnh tranh hơn.

 

Bóng đá Việt Nam nhận được nhiều bài học từ trận thua Thái Lan - Ảnh: Gia Hưng
Bóng đá Việt Nam nhận được nhiều bài học từ trận thua Thái Lan - Ảnh: Gia Hưng

 

Mà một giải đấu giàu tính cạnh tranh dễ sản sinh ra những cầu thủ giàu bản lĩnh, so với một giải đấu có tính cạnh tranh không cao, tính sàng lọc cũng thấp như V-League.

Cũng từ nền tảng, bóng đá Thái Lan có công tác đào tạo tốt hơn hẳn bóng đá Việt Nam. Câu chuyện hơn cả ngàn đơn đăng ký dự tuyển vào đội tuyển U19 Thái Lan, trước thềm giải U19 Đông Nam Á 2015 khác xa với cảnh thiếu hụt nhân tố của đội tuyển U19 Việt Nam cũng trước thềm giải đấu vừa nêu.

Đến độ HLV Hoàng Anh Tuấn của đội tuyển U19 Việt Nam từng cảm thán thốt lên rằng: “Người ta chọn lọc đội tuyển từ hơn cả ngàn cầu thủ trong lứa tuổi, trong khi tôi tìm 2 gương mặt có thể chạy biên tốt mà tìm hoài không ra!”.

Khâu đào tạo cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam cũng là một trong những khâu gây nhức nhối nhất. Ở nơi ấy, năm này qua năm khác, người ta thấy cảnh nhiều CLB cứ đến các giải trẻ lại đi mượn quân tứ tung theo kiểu đối phó.

Cũng ở nơi ấy, những người điều hành bóng đá nội sẵn sàng sửa quy chế bóng đá chuyên nghiệp để giúp CLB này, CLB kia né quy định ở các giải đấu trẻ. Đấy là nơi mà một vài đội bóng thích thì tham gia, không thích thì tuyên bố bỏ nhiều giải trẻ, dù ngoài miệng luôn nói là vì tương lai của bóng đá Việt Nam.

Một nền bóng đá có nền tảng mạng cũng không phải là nền bóng đá mà ở đấy, có ông quan chức cao cấp của bộ máy điều hành, thay vì chung sức vạch định hướng cho đội tuyển, thì suốt ngày chỉ thấy lên báo phát biểu văng mạng về chuyện “quân anh – quân tôi”.

Hóa ra, ngay cả khi đã ngồi vào vị trí điều hành cả nền bóng đá, người ta vẫn cứ lẫn lộn về chuyện chung – chuyện riêng?

Một nền bóng đá mà vẫn còn người ngồi ở vị trí quan lý cao cấp lẫn lộn vai trò như thế thì làm sao đủ sức vạch chiến lược, làm sao còn đủ tỉnh táo để định hướng đúng cho cả làng cầu?HLV Miura đến đây để nâng chất đội tuyển Việt Nam, nhưng ông ấy đâu thể bê nguyên cả nước Nhật sang giúp chúng ta được?!

Bản thân chúng ta phải giải quyết những vấn đề nội tại của chính chúng ta, về vai trò và nhiệm vụ thực chất của những người đang điều hành nền bóng đá, về chiến lược của cả làng cầu, về chất lượng con người mà chúng ta đang có, về khâu đào tạo cần được giải quyết triệt để, hay về một giải quốc nội cần nhiều tính cạnh tranh hơn, trung thực hơn…

Những chuyện đấy, một mình ông Miura đâu giải quyết được, và ông ấy cũng không có chức năng giải quyết.

Những vấn đề đấy lại là nền tảng để hình thành nên một đội tuyển mạnh, mà chính đội tuyển Thái Lan hiện rất mạnh nhờ đã giải quyết tốt các vấn đề vừa nêu trong nhiều năm trời trước đây.

Trọng Vũ