1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Đội tuyển Việt Nam đang chịu hiệu ứng xấu từ V-League

(Dân trí) - Không thể có một đội tuyển mạnh từ một nền bóng đá yếu, càng không thể có một đội tuyển mạnh từ một giải quốc nội èo uột, lại thiếu trung thực và thiếu tính cạnh tranh.

V-League 2015 về đến đích với tiếng thở phào của những nhà tổ chức. Giải đấu mà giai đoạn cuối giải dường như chỉ là cuộc đua của một số nhỏ các đội bóng muốn giành quyền trụ hạng, trong khi có quá nhiều đội hết mục tiêu và quá nhiều trận đấu thiếu niềm tin.

Điều đáng buồn nằm ở chỗ ngay chính những nhà tổ chức và những nhà quản lý V-League chưa nhìn thẳng vào bất cập của giải đấu này, thậm chí có lúc chính họ còn đổ lỗi cho truyền thông viết không tốt về giải đấu, khiến cho nhà tổ chức khó tìm tài trợ, trong khi không xem lại chất lượng sản phẩm của chính mình, cái sản phẩm mà họ dùng để kêu gọi tài trợ.

Điều đáng buồn khác là những nhà tổ chức cũng không nói thẳng hay giải thích thấu đáo nguyên nhân vì sao nhiều đội bóng cứ hết động lực là làm nẩy sinh những trận cầu “có mùi”, hoặc không giải thích thấu đáo nhiều trận đấu bị dư luận đặt nghi vấn hợp logic hay không, và cơ sở nào bảo rằng đấy là những trận cầu trung thực?

 

Đội tuyển chính là sản phẩm của nền bóng đá, với phần gốc là giải quốc nội (ảnh: Gia Hưng)
Đội tuyển chính là sản phẩm của nền bóng đá, với phần gốc là giải quốc nội (ảnh: Gia Hưng)

 

Vì những trận đấu như thế và vì tính chất của giải đấu như thế mà V-League mỗi lúc một kém hấp dẫn và kém về mặt chất lượng. Làm sao giải đấu có chất lượng cao khi tính cạnh tranh không cao? Làm sao V-League có thể sản sinh ra các sản phẩm tốt một khi những nhà tổ chức không có biện pháp để buộc các đội phải hướng đến giải với thái độ và tinh thần tốt?

Cải tổ V-League là yêu cầu quá cấp bách ở thời điểm hiện tại. V-League có hấp dẫn thì chất lượng của bóng đá nội mới được nâng lên, V-League giàu tính cạnh tranh thì cầu thủ nội mới giàu bản lĩnh.

Và V-League phải xem trọng tính chuyên nghiệp, tính nghiêm túc trong việc xây dựng các CLB, trong việc thay đổi cái nhìn của các CLB về thứ hạng thì mới mong tạo ra các đội bóng tốt, từ những đội bóng tốt mới có thể cho ra lò những thế hệ cầu thủ có chất lượng.

Một giải đấu không thể có cảnh tồn tại suy nghĩ giữa vị trí thứ nhì và vị trí xếp áp chót bảng xếp hạng có khi chẳng khác gì nhau về mặt tính chất, bởi cuối cùng cũng chỉ là trụ hạng, trong khi khác biệt về mặt tiền thưởng giữa các thứ hạng hầu như không đáng kể.

Không thể trông chờ theo kiểu lý thuyết suông về tính tự giác của tất cả các đội bóng tham dự V-League, phải kích thích các đội hướng đến thứ hạng cao bằng những mức tiền thưởng đáng để gây chú ý, phải buộc các đội cạnh tranh bằng việc tăng số lượng đội rớt hạng, thay cho cảnh có khi cả mùa giải chỉ cần đá một vài vòng cuối là đảm bảo suất trụ hạng.

Rồi cũng không thể có chuyện các CLB V-League bất chấp nhiều quy định về đào tạo trẻ, thậm chí bỏ rất nhiều giải trẻ mà vẫn không nhận những mức phạt đủ tính răn đe. Đấy đều là những vấn đề mang tính nền tảng để thay đổi bộ mặt của nền bóng đá, trước khi thay đổi bản chất của đội tuyển.

Đừng điều hành V-League theo kiểu “vụng chèo, khéo chống”, cũng đừng làm bóng đá theo kiểu cứ đi rồi hy vọng sẽ thấy đường, theo vì phải vạch lộ trình ngay từ đầu và làm từ xa. Chẳng thể nào có một nền bóng đá tốt, càng không thể có một đội tuyển tốt, một khi nền tảng của đội tuyển đấy, tương lai của đội tuyển đấy là chất lượng giải quốc nội không cao!

Kim Điền

 

Đội tuyển Việt Nam đang chịu hiệu ứng xấu từ V-League - 2