Đội tuyển Việt Nam có “thay máu” khi vào tay bầu Đức?

(Dân trí) - Bầu Đức muốn đầu tư vào đội tuyển, điều này ông Đức nên làm, vì bầu Đức là phó chủ tịch VFF, và ông đương nhiên có trách nhiệm. Tuy nhiên, đầu tư cho đội tuyển không phải là giao riêng cho ông Đức, vì đội tuyển chẳng phải là tài sản riêng của bất cứ ai.

Đội tuyển không thể là tài sản riêng của bất cứ ai

Bầu Đức cho rằng nếu ông đầu tư cho đội tuyển, bóng đá Việt Nam trong tương lai gần sẽ thắng Thái Lan. Tuy nhiên, không rõ là khi phát biểu như thế, ông bầu nổi tiếng giàu cá tính này muốn điều hành đội tuyển theo cách nào?

Đầu tư cho đội tuyển đương nhiên là trách nhiệm của ông Đức, vì nói cho cùng bầu Đức là phó chủ tịch VFF, mà còn là phó chủ tịch phụ trách tài chính, tức là một trong những nhiệm vụ của bầu Đức khi ngồi ở vị trí ấy là tìm nguồn tiền cho đội tuyển, chăm lo những điều kiện tốt nhất cho đội tuyển trong khả năng và quyền hạn mà bầu Đức có thể.

Phát biểu của bầu Đức mới đây cho thấy ông đang mất niềm tin vào đội tuyển, sau thất bại đậm trước Thái Lan. Đấy là điều dễ hiểu xét trên góc độ của một người hâm mộ thông thường, vì có mấy ai không nản khi nhìn vào thực trạng của tốc độ phát triển mà bóng đá Việt Nam đang có, so với tốc độ phát triển của bóng đá Thái Lan?

Nhưng hỡi ôi, bầu Đức bây giờ đâu còn là một người hâm mộ thông thường, cũng đâu thể phát biểu như một người hâm mộ thông thường, hay với tư cách của một khán giả. Dù muốn dù không, bầu Đức vẫn mang danh là phó chủ tịch VFF, ông không được phép nản, vì nếu người đang nắm vận mệnh của bóng đá nước nhà, đang nắm định hướng cho bóng đá nước nhà như ông mà còn nói nản thì ai làm?

 

Từ khi ngồi vào ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF cho đến giờ, vai trò của bầu Đức không rõ rệt, trong việc cải thiện nguồn tài chính cho các đội tuyển (ảnh: Trọng Vũ)
Từ khi ngồi vào ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF cho đến giờ, vai trò của bầu Đức không rõ rệt, trong việc cải thiện nguồn tài chính cho các đội tuyển (ảnh: Trọng Vũ)

 

Hoặc giả, nếu bầu Đức không phải là chủ tịch VFF, hay ông không còn nắm giữ bất cương vị nào của nền bóng đá, nếu bầu Đức đã rút khỏi VFF, ông muốn phát biểu sao cũng được, không ai quan tâm. Đằng này với cương vị phó chủ tịch cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá nội, mỗi lời phát biểu của bầu Đức chẳng khác nào một định hướng, nên điều rất cần là tránh định hướng sai.

Riêng chuyện bầu Đức có muốn đầu tư cho đội tuyển hay không lại là chuyện khác, và đầu tư theo cách nào, phương pháp ra sao lại càng quan trọng. Đội tuyển dĩ nhiên không phải là tài sản riêng của bất cứ ai, bất cứ ông bầu nào nên dứt khoát không thể có chuyện giao riêng cho ai được.

Thẩm định nhà đầu tư

Càng không thể có chuyện một ông bầu quyết định toàn bộ về mặt nhân sự từ HLV cho đến cầu thủ ở đội tuyển như những gì mà người ta thấy nơi đội tuyển U19 Việt Nam trước đây, khi đội bóng ấy gần như trở thành sản phẩm của một HA Gia Lai mở rộng, chứ không giống tính chất của một đội tuyển cấp quốc gia đúng nghĩa.

Sẽ là rất nguy hiểm nếu hướng đội tuyển quốc gia đi theo mô típ của đội tuyển U19 Việt Nam trước đây. Tính chất của đội tuyển quốc gia khác hẳn với một đội tuyển trẻ, bởi đội tuyển quốc gia là bộ mặt của toàn bộ nền bóng đá.

Với cương vị phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, bầu Đức không thiếu gì cách đầu tư cho nền bóng đá, cho các đội tuyển, như chăm lo cho các đội bóng có những chuyến tập huấn tốt hơn, có chất lượng hơn, như đầu tư cho những trận giao hữu có giá trị cho đội tuyển trước các giải đấu quan trọng…

Đằng này, VFF mang tiếng có doanh nhân ngàn tỷ ngồi trong bộ máy lãnh đạo nền bóng đá mà đội tuyển U19 của năm 2015 không có nổi chuyến tập huấn trong nước (hụt kế hoạch đi Nhật, xin đi Nha Trang mà cũng lo không đủ kinh phí), đội tuyển quốc gia không thể liên hệ với các đội tuyển mạnh để đá giao hữu vì lo thiếu tiền… thì nghịch lý thật.

Bóng đá Việt Nam, đội tuyển Việt Nam đúng là cần tiền thật, cần nhà đầu tư thật. Nhưng trước khi tìm đến những nhà đầu tư đấy, bản thân VFF cần trả lời cho xong câu hỏi, rằng đội tuyển là tài sản chung của cả nền bóng đá, hay chỉ là tài sản riêng của cá nhân một ông bầu nào đó?

Bóng đá Việt Nam, đội tuyển quốc gia dù cần nhà đầu tư cách mấy cũng phải trả lời được câu hỏi rằng những người muốn đổ tiền vào đội tuyển đang vì cái chung hay vì chuyện riêng, hoặc đang giải quyết cho chuyện “quân anh – quân tôi”? Điều đấy thuộc về khâu thẩm định nhà đầu tư mà những người quản lý cần làm trong tất cả mọi lĩnh vực, chứ không riêng gì trong bóng đá!

Trọng Vũ

 

Đội tuyển Việt Nam có “thay máu” khi vào tay bầu Đức? - 2