Thạch Bảo Khanh:

Đôi khi phải cho người yêu cái… thẻ vàng

(Dân trí) - Những nỗi buồn trong cuộc đời, những ước mơ trong sự nghiệp, những “thẻ vàng - thẻ đỏ” trong tình yêu, đó là ba câu hỏi mà tôi đặt ra khi trò chuyện với Thạch Bảo Khanh.

Và nguyên tắc của cuộc nói chuyện đã được thỏa thuận trước: Bảo Khanh có thể không trả lời, nhưng đã trả lời thì phải nói thật. Vì thế sự trung thực của những thông tin mà bạn sắp đọc dưới đây nếu không được 100% thì cũng phải được khoảng 99,99%

 

1. Ba dấu chấm buồn

 

Bảo Khanh này, một cuộc đời sẽ không bao giờ là một cuộc đời đúng nghĩa nếu không có những dấu chấm buồn. Thế nên chúng ta chẳng có gì phải ngại khi nói về những chấm buồn của mình đúng không?

 

Đúng thế!

 

Vậy thì xin được bắt đầu với dấu chấm đầu tiên. Tôi nhớ mãi buổi chiều ngày 21/8/1998 trên sân Hàng Đẫy, lúc mà ông Riedl gọi riêng Bảo Khanh ra để thông báo quyết định loại khỏi ĐTVN. Lúc ấy Khanh lụp sụp bước đi, có cảm giác là bầu trời trong anh như đổ vỡ?

 

(Im lặng). Thực sự là khi ấy tôi không nghĩ là lại bị loại. Vì vậy khi ông Riedl gọi ra thì quá sửng sốt. Với một cầu thủ 19 tuổi, lần đầu tiên được gọi lên ĐTQG, mang theo không biết bao nhiêu hy vọng thì đó quả là một cú sốc.

 

Ba năm sau cú sốc ấy Khanh được gọi vào ĐT lần thứ hai. Lần này thì ĐT dưới trướng ông Dido đã thất bại tại SEA Games 21.

 

Vâng, khi ấy chúng tôi thua U23 Indonesia một cách đầy tức tưởi.

 

Và lại là Indonesia, nhưng là ở Tiger Cup 2004 đã khiến sự tức tưởi trong Khanh lên đến tột đỉnh?

 

Trước Tiger Cup năm đó, bản thân tôi cũng như rất nhiều anh em trong đội tin là chúng ta sẽ vô địch, vì khi ấy chúng ta có đầy đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Thế mà rốt cuộc lại thua, mà thua tới 0-3 ngay tại sân Mỹ Đình. Cả đêm hôm đó tôi không chợp mắt  

 

Nỗi đau của cái đêm không chợp mắt và nỗi đau của cái ngày 21/8/1998 có gì khác nhau?

 

Năm 1998 là đau vì cá nhân mình bị loại, còn năm 2004 là đau vì cả một ĐT bị loại. Năm 1998, ở tuổi 19 dẫu sao tôi vẫn còn những suy nghĩ rất trẻ con và đau theo một cách gì đó cũng rất trẻ con. Năm 2004, ở tuổi 25, suy nghĩ  chín chắn rồi, đặt ra  những mục tiêu vững vàng rồi. Thế mà rốt cuộc mọi thứ lại tan tành…

 

Năm 1998 Bảo Khanh mang trong mình nỗi đau của một trái tim riêng lẻ. Nhưng đến năm 2004 thì đó lại là nỗi đau của một trái tim công dân. Một trái tim buốt nhói, dằn vặt, quặn thắt… vì đã không hoàn thành nhiệm vụ mà quốc gia, dân tộc đặt lên vai. Nói vậy có quá lời không?

 

Không! Tôi nghĩ là đúng như thế!

 

Trong đời cầu thủ của mình Bảo Khanh còn gặp phải những nỗi đau nào khác?

 

Năm 2003, Thể Công xuống hạng. Chẳng những tôi mà cả đội ai cũng mang cảm giác mình là người mắc tội.

 

Tội với sự đầu tư của lãnh đạo? Tội với truyền thống hào hùng của Thể Công? Hay là  tội với niềm tin của đông đảo người  hâm mộ?

 

Với tất cả, tất cả những điều đó!

 

2. Nếu được ra nước ngoài…

 

Nghe nói là cựu HLV ĐT bóng đá nữ VN Steve Darby từng có ý định giới thiệu Bảo Khanh qua Singapore chơi bóng?

 

Đúng là có chuyện đó. Nhưng tôi cho rằng đó là một kế hoạch không thực tế. Vì để có thể ra nước ngoài chơi bóng thì phải vượt qua rất nhiều “rào cản”. Hơn thế, tôi nghĩ là Thể Công đã cho mình tất cả, đã giúp mình có được ngày hôm nay, thế nên đi hay không cũng phải cân nhắc lắm.

 

Nếu (xin nhắc lại là “nếu”) Ban lãnh đạo Thể Công cho phép thì Khanh có đi không?

 

Khi Ban lãnh đạo đã cho phép cũng có nghĩa là họ đã cân nhắc được mọi sự lợi hại. Vậy thì tôi sẵn sàng  đi.

 

Phải chăng bóng đá Việt Nam đã đến lúc nghĩ tới chuyện “xuất khẩu” cầu thủ bên cạnh việc “nhập khẩu” cầu thủ?

 

Đúng thế! Các cầu thủ Việt Nam khi ra nước ngoài chơi bóng, học được phong cách tập luyện và sinh hoạt chuyên nghiệp của họ, rồi đem nó  về Việt Nam thì chắc chắn sẽ có nhiều cái lợi!

 

Trong sinh hoạt bóng đá hiện tại, Bảo Khanh bây giờ mong mỏi điều gì nhất?

 

Năm tới Thể công được giao chỉ tiêu lên hạng. Và chúng tôi tin là sẽ lên hạng. Cũng trong năm tới, ĐTQG sẽ tham dự giải VĐ ĐNA, tại sao lại không không nghĩ đến một kết quả tốt đẹp?

 

Cup vàng chăng?

 

Có thể!

 

Muốn đoạt Cup vàng thì phải vượt qua được cái xác của người Thái. Mà cầu thủ VN lâu nay cứ hễ gặp Thái là… run…

 

Tôi mới chỉ đá với Thái Lan 2 lần ở các giải phụ, nhưng cả hai lần ấy đều không run. Mà với ai không biết, chứ với riêng mình tôi chưa bao giờ run mỗi khi bước ra sân cả.

 

3. Thẻ vàng - thẻ đỏ - tình yêu…

 

Tính đến nay Bảo Khanh đã phải nhận tổng cộng bao nhiêu chiếc thẻ rồi?

 

Khoảng 6 - 7 chiếc thẻ vàng gì đó!

 

Cái nào làm Khanh thấy bứt rứt nhất?

 

Năm 2002, Thể Công đá trận bán kết giải bóng đá Đại hội TDTT với Công An Hà Nội. Tôi bị nhận một chiếc thẻ vàng sau pha cản phá Lưu Thanh Châu. Đấy là chiếc thẻ vàng thứ hai trong giải, vì thế tôi đã không được tham dự trận chung kết. Mà đấy lại là trận đấu có ông Calisto - HLV trưởng ĐTVN dự khán.

 

Và năm ấy khanh  đã không được vào ĐTQG?

 

Đúng vậy!

 

Nhưng Khanh này, dẫu sao thì thẻ vàng trên sân cỏ còn có thể sửa chữa được, chứ thẻ vàng trong cuộc sống thì e là không thể sửa chữa được!

 

Tôi không nghĩ thế! Chẳng có cái gì là không thể cả. Vấn đề là chúng ta có đủ nghị lực cùng  khả năng phấn đấu hay không. Và tất nhiên, trong quá trình phấn đấu ấy, nếu có thêm sự phù trợ của thần may mắn nữa thì càng tốt.

 

Vậy còn trong tình yêu, thẻ vàng trong tình yêu có khó sửa lắm không nhỉ?

 

(Cười lớn). Khó đấy! Nhưng nếu chỉ dừng ở mức độ thẻ vàng thì vẫn còn cơ hội để sửa chữa. Chỉ khi nào bị thẻ đỏ thì mới hết cơ hội thôi.

 

Khanh đã từng bị người yêu rút thẻ vàng?

 

Có chứ!

 

Và ngược lại, Khanh đã từng rút thẻ vàng “tặng” người yêu?

 

Khoảng 4 - 5 lần gì đấy!

 

Trên sân cỏ, trọng tài rút thẻ vàng bằng cách cho tay vào túi. Còn trong tình yêu, Khanh rút thẻ vàng bằng cách nào?

 

Bằng sự  im lặng! Khi mình ghen, giận hay cáu gì đó với người yêu thì mình thường chẳng nói gì cả. Bởi vì cái mặt đỏ gay đỏ gắt của mình đã nói lên tất cả rồi. Khi ấy, người yêu phải hiểu là: Hãy làm một cái gì đấy để cho “thẻ đỏ” không “bị” rút ra!

 

Cuộc đời giống sân cỏ ở chỗ: những chiếc thẻ vàng - thẻ đỏ dường như lúc nào cũng “rình rập” ta. Vì thế, vấn đề đặt ra là: hãy biết sửa chữa sau khi nhận thẻ vàng và hãy cố gắng đừng bao giờ rơi vào tình trạng bị “truất quyền thi đấu”. Xin chúc Bảo Khanh thực hiện được cái điều tưởng dễ nhưng thực ra lại vô cùng gian khó ấy. Cảm ơn Khanh vì cuộc trao đổi này.

Trịnh Phan Phan