1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Đội bóng dự V-League phải có vốn tối thiểu 40 tỷ đồng

(Dân trí) - Trước khi V-League 2012 trở lại guồng quay, Tổng cục TDTT đã phê chuẩn quy chế bóng đá chuyên nghiệp theo đề nghị của VFF - VPF. Từ năm 2013, các đại diện V-League cần có tối thiểu 40 tỷ/mùa giải, các CLB phải xây dựng học viện bóng đá để duy trì “nội lực”.

Sau hơn 4 tháng chờ đợi, cuối cùng Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) cũng được cơ quan quản lý là Tổng cục TDTT thừa nhận sự tồn tại thông qua việc ban hành Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi. Trong khoản 3 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp ghi rõ: Từ mùa giải 2012, LĐBĐVN trao quyền tổ chức các giải VĐQG, hạng Nhất QG, Cúp QG, trận Siêu Cúp cho Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trên cơ sở hợp đồng được ký kết giữa LĐBĐVN và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
 
Đội bóng dự V-League phải có vốn tối thiểu 40 tỷ đồng
Số vốn hoạt động áp dụng với các đội V-League kể từ năm 2013 là 40 tỷ đồng/năm - Ảnh: Gia Hưng
 

 

Với tư cách là đơn vị quản lý và trực tiếp điều hành giải đấu, VPF có quyền khai thác thương quyền hình ảnh các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp, cụ thể là bản quyền truyền hình mà AVG vừa chuyển giao. Tuy nhiên, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp vừa được phê duyệt cũng nhấn mạnh, VPF phải có trách nhiệm tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng mà LĐBĐVN đã ký kết với các đối tác có liên quan đến các giải bóng đá chuyên nghiệp trước khi trao quyền tổ chức cho VPF.

 

Trong nỗ lực duy trì nguồn lực cho các CLB và ĐTQG, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định rõ tất cả các đội bóng V-League - hạng Nhất phải xây dựng học viện bóng đá phục vụ cho công tác đào tạo trẻ. Khoản 5 Điều 11 quy định: “Kể từ mùa giải 2014, các CLB tham dự giải VĐQG (V-League), hạng Nhất phải có Trung tâm đào tạo trẻ hoặc Học viện bóng đá gồm các lứa tuổi từ U11, U13, U15, U17, U19.

 

Liên quan đến việc ưu tiên tạo cơ hội thi đấu cho cầu thủ trẻ, Khoản 10 Điều 38 quy định từ mùa giải 2013, trong danh sách đăng ký của CLB tham dự giải VĐQG, hạng Nhất và Cúp QG phải có tối thiểu 3 cầu thủ dưới 21 tuổi. Với những quy định khắt khe về hạn mức số lượng các cầu thủ trẻ trong danh sách đăng ký đã được các CLB chấp thuận, giới chuyên môn tin tưởng sẽ tạo ra bước phát triển bền vững và ổn định cho cả CLB, lẫn ĐTQG.

 

Đánh giá về quy định tăng cường đào tạo trẻ và số lượng cầu thủ trẻ được đăng ký vừa được ban hành trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Phó Chủ tịch VFF – Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn phát biểu:

“Trong thời gian qua thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội luôn ở tình trạng náo loạn, việc này chủ yếu là do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu. Để giải quyết triệt để vấn đề này, chúng tôi buộc phải quy định rõ ràng các CLB phải sớm xây dựng  hệ thống đào tạo trẻ từ U11 đến U19 và tất cả phải hoàn thành trong 2 năm tới.

Nếu chúng ta  không đặt ra mốc thời gian cụ thể với các CLB, bóng đá Việt Nam sẽ khó mà phát triển được. Kể từ năm 2014, các CLB không cử lực lượng tham gia giải đấu từ U15 đến U21 thì sẽ bị phạt 200 triệu đồng đối với V-League, 100 triệu với giải hạng Nhất”.

 

Trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi gửi lên VFF và Tổng cục TDTT, lãnh đạo VPF có đưa ra đề xuất công nhận các cầu thủ Việt kiều như là nội binh tại các CLB. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Tổng cục TDTT phê duyệt trong Quy chế sửa đổi.

Đối với vấn đề tài chính, mức kinh phí hoạt động tối thiểu hàng năm của các CLB V-League và hạng Nhất sẽ phải điều chỉnh từ năm 2013 theo Điều 12 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi. Cụ thể,  từ mùa giải 2013, các câu lạc bộ phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu 40 tỷ đồng/năm đối với câu lạc bộ tham gia giải VĐQG (V-League). Ở giải hạng Nhất là 25 tỷ đồng/năm.

Quang Vinh