Quan điểm:
“Đồ đần” và “Đồ đầu lợn”
(Dân trí) - Trước thềm BV Cup, một lần nữa HLV Riedl bị một bộ phận dư luận lên án kịch liệt vì bị cho là chửi bới PV và cầu thủ bằng những ngôn từ chợ búa.
“Cuộc chiến” giữa ông và một vài tờ báo bắt đầu sau “cuộc gặp gỡ định mệnh” hôm 17/10 với 5 PV ở Nhổn, và được đẩy lên đỉnh cao sau “Cuộc họp báo nóng” cuối trận đấu mở màn Agribank Cup 2006 với Olympic New Zealand. Và từ đó đến nay, những câu chuyện quanh nhà cầm quân người Áo luôn là một đề tài sốt dẻo trên các tờ báo thể thao.
Có vẻ như ông Riedl đang bị stress nặng với những gì đã xảy ra giữa ông và báo chí, với câu nói nước đôi của ông “Tổng” VFF (về khả năng xem xét lại hợp đồng) trong buổi họp kỹ thuật trước Agribank Cup, với quả thận đau và cái đầu gối ngày càng yếu.
Thậm chí, một đồng nghiệp còn phát hiện ra sự thay đổi tâm tính mang tính chu kỳ của ông: sau mỗi lần đi kiểm tra y tế, ông lại hay cau có, dễ nổi nóng với những người xung quanh. Tuy nhiên, khi ông Riedl liên tục cáu bẳn, phát hiện này có nguy cơ… phá sản.
Xét về khía cạnh tâm lý học, một con người đang chịu áp lực và mệt mỏi sẽ dễ nổi nóng, cáu gắt. Và cũng dưới khía cạnh đó, một con người bị người khác đặt điều cũng không dễ giữ được sự tỉnh táo trong lời nói và hành vi.
Tất nhiên, không thể bám vào lý luận đó để xuề xòa cho qua, bởi nhiều câu phát ngôn của HLV Riedl trong thời gian qua có phần không đúng mực. Nói đúng hơn, trong mối quan hệ nhạy cảm với báo chí - đại diện của công chúng, một ông HLV ĐTQG không nên và không có quyền nói những lời như vậy.
Báo chí phê bình ông điều này là đúng, và ông cũng nên điều chỉnh lời ăn tiếng nói của mình trước khi những hành vi đó trở thành một thói quen xấu. Là người phương Tây, chắc ông biết câu ngạn ngữ Pháp: “Gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”.
Nhưng bên cạnh đó, trong bài viết của mình người viết cũng mong được góp ý đôi lời về những gì mà nhiều tờ báo có viết trong thời gian qua, mà người viết tạm gọi trong tựa đề bài báo của mình là “Đồ đần” và “Đồ đầu lợn”.
Đúng là HLV Riedl đã dùng những từ ngữ như “Stupid” (tạm dịch: ngu xuẩn), “Crazy” (tạm dịch: điên rồ, đần độn), “Silly” (tạm dịch: ngớ ngẩn) với một tần suất rất cao kể từ cuộc nói chuyện hôm 17/10.
Và cũng đúng là HLV Riedl đã thường xuyên mắng mỏ các cầu thủ trong thời gian qua, với đỉnh điểm là tính thành ngữ “Pig-headed” (xin chưa dịch) dành cho trung vệ Huy Hoàng. Đó là những từ ngữ không nên dùng trong ngôn ngữ trang trọng, có tính nghi thức cao (trong tiếng Anh gọi là formal English).
Tuy nhiên, cũng cần có cái nhìn chuẩn xác hơn về những tính từ này, xét về mặt ngôn ngữ cũng như đối tượng mà nó bổ ngữ.
Thứ nhất, xét về khía cạnh ngữ nghĩa (Semantics), từ “stupid”, “crazy” hay “silly” không hoàn toàn mang ý nghĩa quá cực đoan như cách mà nhiều người Việt vẫn hiểu. Stupid ngoài nghĩa ngu xuẩn (như tạm dịch) còn có thể được hiểu là “chậm hiểu” hay “ngờ nghệch”.
Và HLV Riedl dùng tính từ này đi kèm với các danh từ chỉ vật như comment (bình luận) hay question (câu hỏi), criticism (sự chỉ trích) chứ không hề chửi thẳng vào mặt PV là “Đồ đần” như nhiều người vẫn nghĩ và viết sau cuộc đối thoại ở Nhổn.
Tương tự, từ crazy và silly cũng có nhiều nghĩa khá nhẹ nhàng và không nặng tính chì chiết xét về nghĩa sở thị (denotation) và sẽ giảm bớt “sức nặng” nếu được dùng với các danh từ chỉ vật. Hơn nữa, tất cả các từ ngữ, câu nói chỉ thể hiện được đúng ý diễn đạt khi nó được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể (gọi là context-bound).
Vì vậy, nếu đặt trong những hoàn cảnh giao tiếp thông thường (informal communication) thì những câu nói đó không cần thiết phải soi xét quá nhiều. Và một số lời nói của HLV Riedl xuất phát từ hoàn cảnh như vậy (trao đổi cá nhân, bên cốc bia Hà Nội).
Nếu đáng bị soi xét, thì đó là tính từ “pig-headed” mà ông đã dùng với học trò trong buổi tập cuối cùng trước khi bay vào TPHCM, bởi lúc đó xung quanh ông là đông đảo PV, cả BHL và các cầu thủ dự bị.
Chỉ có điều, “pig-headed” không mang ý nghĩa nguyên bản như hai thành tố cấu thành nó là Pig (= lợn) và Head (= đầu). Đó là một tính từ mang tính thành ngữ (expression) và được hiểu là “Đồ cứng đầu” hoặc “Đồ khó bảo”. Tất nhiên, kể cả khi hiểu là “đồ cứng đầu” thì lời nói của ông thầy người Áo vẫn chưa hẳn đã là đúng mực trong con mắt những người khắt khe. Song nói cho cùng thì ý nghĩa của nó dù sao cũng khác nhiều so với cụm từ mà một số người dịch là “Đồ đầu lợn”.
Cũng cần nói thêm một điều là ông Riedl không quá thông thạo tiếng Anh, thậm chí còn kém hơn rất nhiều người Việt. Nếu ai nói chuyện nhiều với ông, có thể thấy vốn từ (vocabulary) tiếng Anh của ông không nhiều và ông còn mắc rất nhiều lỗi phát âm (pronounciation).
Ví dụ, ông phát âm sai một cách có hệ thống từ “bank” (thay vì đọc là /bæηk/ ông lại đọc thành /ba:ηk/ (có thể thấy điều này khi ông nói về Agribank Cup). Tương tự, tổ hợp âm tr trong từ “strong” thay vì phải được đọc thành một âm ghép (đọc như âm tr của người miền Trung và Nam VN) thì ông lại tách thành s-t-rong (có thể thấy điều này khi ông nói về “đối thủ mạnh”: s-t-rong opponents).
Một lần nữa, xin được khẳng định rằng nói ra điều này không phải để bênh vực cách phát ngôn của ông HLV trưởng ĐTQG với báo giới và những người xung quanh. Mong muốn của người viết chỉ là mang lại một cái nhìn đúng đắn hơn dưới góc độ ngôn từ (vì bản thân việc chuyển ngữ luôn là một vấn đề lớn khi liên quan đến rào cản văn hóa).
Qua đó, mong rằng chúng ta có cái nhìn cảm thông, sâu sắc hơn về những gì ông nói, nhằm đánh giá công bằng hơn về con người của ông. Sẽ thật buồn nếu một số PV - những người có nhiệm vụ đưa đến cho độc giả những thông tin khách quan, chính xác nhất lại vô tình hay hữu ý bóp méo thông tin bằng sự nhầm lẫn về ngôn ngữ và định kiến giữa cá nhân và cá nhân.
Khi một ông HLV ĐTQG đã đôi điểm chưa hay chưa phải, cộng thêm việc bị hiểu nhầm bởi cái rào cản ngôn ngữ, hẳn hình ảnh của ông trong công chúng đã méo mó đi vài phần. Và vì thế nếu chúng ta, những người trực tiếp nhìn nhận sự việc, lại lấy phản ứng của bạn đọc để làm căn cứ cho lập luận của mình thì cũng ít nhiều không hợp lý.
Mong HLV Riedl sớm vượt qua giai đoạn khó khăn về tâm lý và bệnh lý, để đảm đương tốt trọng trách của mình.
Hồng Kỹ