1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Đi tìm phương án phụ cho U23 Việt Nam

(Dân trí) - Không có nhiều điều để bàn về chuyên môn của trận U23 Việt Nam – U23 Myanmar, giữa một bên là đội khách khá non, còn bên kia là đội chủ nhà thi đấu khá tự phát. Đi tìm chi tiết để đề cập, đó có thể là những phương án phụ của U23 Việt Nam.

Trận đấu của những phương án phụ

Khi HLV Miura đã rời Việt Nam, sang Thái Lan trực chiến cùng đội tuyển quốc gia, nhiều người cũng ngầm hiểu rằng khó chờ đợi điều gì đáng xem về mặt chuyên môn của đội tuyển U23 Việt Nam, trong trận giao hữu với U23 Myanmar.

Thực tế trên sân cho thấy, đội chủ nhà có rất nhiều vị trí thi đấu khá tự phát, điều mà nếu có vị HLV trưởng người Nhật ở đấy, chắc chắn các vị trí vừa nêu không dám đá theo lối vậy đâu!

Và cái thông tin cho rằng HLV Miura đã có sẵn danh sách đội tuyển U23 Việt Nam sang Singapore dự SEA Games trước khi trận đấu này khởi tranh có lẽ không phải không có cơ sở. Do không trực tiếp quan sát trận đấu này, cũng như không trực tiếp nắn các cầu thủ thi đấu theo ý mình, nên HLV Miura cũng không nhất thiết phải dùng trận đấu với U23 Myanmar đã mà đánh giá các cầu thủ vốn ông đã thuộc nằm lòng trong khoảng thời gian tập trung vừa qua.

Thực tế trên sân cho thấy, U23 Myanmar khá non, hoặc đặt giả thuyết khác là đội khách không sử dụng lực lượng tốt nhất, hay chưa bung hết sức cho một trận giao hữu. Về phía đội chủ nhà, khi không có vị HLV người Nhật đứng trong khu kỹ thuật, nhiều vị trí của chúng ta cũng non không kém.

Văn Toàn vẫn chưa biết ghi bàn, dù đá ở vị trí tiền đạo (ảnh: Gia Hưng)
Văn Toàn vẫn chưa biết ghi bàn, dù đá ở vị trí tiền đạo (ảnh: Gia Hưng)

Ngay cả với người được nói nhiều nhất trong trận đấu này là Công Phượng cũng thể hiện nhiều sự non nớt. Không có HLV Miura, Công Phượng trở lại hình ảnh giống chính Công Phượng ở đội tuyển U19 năm ngoái.

Còn hình ảnh này hợp với đấu trường đỉnh cao hay không có lẽ cần thời gian trả lời, rồi sân chơi SEA Games có giống sân chơi U19 hay không lại là một phạm trù khác.

Điều đáng bàn nhất trong trận đấu với U23 Myanmar là những phương án phụ của đội tuyển U23 Việt Nam. Và ban đầu có thể nói không phải phương án phụ nào của chúng ta cũng thành công.

Những thử nghiệm chưa như ý

Nếu bảo nhóm 7 cầu thủ thuộc đội tuyển U23 đã được đôn lên đội tuyển quốc gia, làm nhiệm vụ trong trận đấu vòng loại World Cup 2018 – khu vực châu Á, với Thái Lan, là thành phần trụ cột, thì những người vừa ra sân trong trận đấu với U23 Myanmar chính là phương án 2 của đội tuyển U23 Việt Nam.

Trong thành phần còn ở lại Cẩm Phả dự trận đấu vừa rồi, ngoài Ngọc Thắng, Huỳnh Tấn Tài, Tiến Dũng, Phi Sơn và phần nào là Công Phượng, không có nhiều cầu thủ có khả năng khoác áo đội hình chính thức của đội tuyển U23 Việt Nam trong những ngày tới, tại SEA Games.

Họ đã có cơ hội được ra sân, được làm nóng trước khi đá giải chính thức. Đấy đôi khi là điều quan trọng nhất đối với họ vào lúc này.

Xét riêng về một số cá nhân được kỳ vọng, nếu như Thanh Bình vừa chứng minh mình đang sẵn sàng để thay Hồng Quân sắm vai trung phong khi cần, thì Văn Toàn lại tiếp tục hình ảnh “tịt ngòi” quen thuộc.

Đúng như HLV Miura nhận xét, Văn Toàn di chuyển không bóng rất thông minh. Dù vậy, ngoài khả năng di chuyển không bóng, tiền đạo đang khoác áo HA Gia Lai không mạnh rõ rệt ở điểm nào cả. Kỹ thuật của Văn Toàn cũng chỉ ở dạng bình thường, nếu không muốn nói riêng về kỹ thuật dứt điểm, Văn Toàn thuộc loại kém.

Thể lực của cầu thủ này cũng không có gì nổi trội, anh quá dễ mất thăng bằng khi bị đối phương áp sát. Khả năng không chiến của Văn Toàn càng không đáng để chờ đợi.

Vấn đề nằm ở chỗ Văn Toàn được chờ đợi sẽ là phương án phụ của đội tuyển U23 Việt Nam, sẽ là mũi nhọn thứ 3 của đội, khi chúng ta cần bàn thắng. Nhưng người ta không thể trông chờ mãi vào một tiền đạo đang có thói quen chạy nhanh, sút… bậy.

Phương án phụ trong một trận đấu thiếu vắng nhân vật quan trọng nhất là HLV Miura vì thế cũng không rõ rệt!

Kim Điền