Đào tạo tài năng dưới... gầm khán đài!
Câu chuyện đau lòng này đã xảy ra suốt hơn 15 năm nay. Nếu Ban văn hóa - xã hội của HĐND tỉnh Tiền Giang không nêu ra tại kỳ họp ngày 19/7 vừa qua thì có lẽ đó vẫn còn là chuyện... “bình thường” đối với những người có trách nhiệm!
Đi xem “trụ sở” Trường Năng khiếu thể thao dưới gầm khán đài A và B sân vận động (SVĐ) Tiền Giang, ông Nguyễn Nam Hùng - giám đốc Sở TDTT - cho biết: “Phòng ốc dưới gầm khán đài lẽ ra chỉ để chứa dụng cụ tập luyện, phòng họp báo... chứ đâu phải là phòng nghỉ như thế này. Chúng tôi xót lắm nhưng chẳng làm gì được”.
Gần văn phòng làm việc của Sở TDTT (dưới gầm khán đài A) là gian phòng rộng 32m2 kê giường tầng chật kín chỉ chừa lối đi. Đây là phòng nghỉ của 28 VĐV năng khiếu bóng đá U-15. Không gian dành cho mỗi VĐV chỉ có 1,14m2. Khủng khiếp chẳng khác gì hộp cá mòi!
Tuy nhiên, gầm khán đài B mới là “trụ sở” chính của Trường Năng khiếu thể thao. Gần chục gian phòng chật hẹp, thấp lè tè dưới gầm khán đài đều được tận dụng làm văn phòng ban giám hiệu, phòng học văn hóa, phòng nghỉ của hơn 100 VĐV năng khiếu thuộc các bộ môn: điền kinh, cầu lông, bóng bàn, taekwondo, pencat silat.
Ở đây, các VĐV cũng phải chen chúc nghỉ trong các phòng diện tích 32m2 và 16m2 với không gian dành cho mỗi VĐV không quá 1,3m2.
Hiệu trưởng Trường Năng khiếu Nguyễn Hữu Ái cho biết trường được thành lập năm 1989 và hằng năm đào tạo trên 100 VĐV năng khiếu. Riêng năm 2005 có đến 200 VĐV. Trụ sở và “ký túc xá” của trường chính thức dời về gầm khán đài được gần năm năm nay sau nhiều năm lay lắt khắp nơi.
Năm đầu, nhờ khán đài mới xây nên chẳng có chuyện gì. Từ năm thứ hai tới nay gầm khán đài chẳng khác gì một cái hộp dùng để hành hạ bọn trẻ. Có bữa trần nhà bị sập vì nước mưa.
Một VĐV năng khiếu điền kinh tâm sự: “Vào mùa khô phòng tụi em nóng hầm hập như lò bánh mì. Còn mùa mưa, đêm nào trời mưa to coi như khỏi ngủ. Nước mưa dột từ khán đài xuống ướt hết mùng mền...”.
Do trường nằm dưới gầm khán đài nên không ít phụ huynh dưới quê lên thăm con từ sáng sớm mà mãi tới xế chiều mới gặp, bởi chẳng ông xe ôm nào biết trường này ở đâu nên cứ chạy lòng vòng thành phố hỏi thăm. Nhiều người tới đây thấy con mình ăn ở nhếch nhác đã một mực xin... ra trường sớm!” - ông Nguyễn Nam Hùng trăn trở.
UBND tỉnh cũng đã xem xét đề án xây dựng Trường Năng khiếu thể thao (kinh phí khoảng 15 tỉ đồng) nhưng chẳng ai biết bao giờ mới được xây dựng.
Một đại biểu HĐND, sau khi nghe Ban văn hóa - xã hội báo cáo chuyện VĐV năng khiếu sống dưới gầm khán đài, đã nói: “Tôi thật sự bị sốc và cảm thấy rất buồn. Tại sao mấy năm qua chúng ta cứ thi nhau xây dựng trụ sở cho to, cho đẹp mà lại không lo nổi chỗ ăn ở, học hành cho mầm non tài năng thể thao của tỉnh nhà...?!”.
Theo Vân Trường
Tuổi trẻ