1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Tiền thưởng hậu Agribank Cup 2005:

Của chia không bằng cách chia

"Một đội tuyển mạnh không hẳn là một đội tuyển có nhiều tiền thưởng. Có khi một đội mạnh lại trở nên một đội yếu chỉ vì… cách chia", một nhà báo thể thao lão làng đã nhận xét về chuyện tiền thưởng trong bóng đá nước nhà như vậy. Và việc "luận công, ban thưởng" của đội tuyển U23 sau thành công của Agribank Cup 2005, cũng không là ngoại lệ…

"Ngôi vua" Agribank Cup 2005 đã đem đến cho thầy trò ông A.Riedl một khoản "lộc" kha khá: 40.000 USD của chức vô địch; 200 triệu đồng tiền thưởng của LĐBĐVN cho 2 trận thắng trước Malaysia và Thái Lan; Ủy ban Thể dục - Thể thao (UBTDTT) cũng thưởng cho đội 50 triệu đồng sau chiến thắng Thái Lan.

 

Bên cạnh đó, đội còn được hưởng thêm những khoản "lá" từ các phần thưởng phụ mà nhà tài trợ dành cho cá nhân cầu thủ xuất sắc. Với 2 lần mở tỷ số cho đội ở trận gặp Malaysia và Nhật, cộng thêm danh hiệu Vua phá lưới của giải, Thanh Bình mang về 2 chiếc xe máy Detech và 1.000 USD.

 

Tương tự như vậy, bàn mở điểm trong trận thắng Thái Lan và danh hiệu Cầu thủ Việt Nam xuất sắc nhất giải, Quốc Vượng cũng được tặng 1 xe máy Detech và 2 lượng vàng "3 chữ A". Theo "thông lệ", những khoản thưởng cá nhân này cầu thủ sẽ chỉ được nhận 50%, còn lại "sung công" đội tuyển.

 

Tổng cộng cả "lộc" và "lá" thì đội tuyển nhận được gần 1 tỷ đồng tiền thưởng sau Agribank Cup 2005. Nghĩa là bằng đúng 1/6 số tiền thưởng đã được Liên đoàn treo cao cho chiếc HCV SEA Games 23.

 

Ngay trong chuyến "đổi gió" của đội tuyển tại Hạ Long, số tiền này đã được BHLV đội chia cho các cầu thủ. Theo đó, có 2 mức thưởng: Loại 1 là 22 triệu đồng; loại 2 là 20 triệu đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có 40.000 USD của ngôi vô địch được chia "nóng". Còn các khoản thưởng của UBTDTT và LĐBĐ VN thì đội tuyển vẫn phải "đợi".

 

So với 2 năm về trước tại SEA Games 22, việc chia tiền thưởng này đã có sự thay đổi. Cụ thể là "hậu SEA Games 22", tiền thưởng của đội tuyển U23 được chia theo 3 mức A, B, C đối với cả BHL đội và các cầu thủ. Loại A là dành cho các cầu thủ xuất sắc trong trận đấu; loại B là các cầu thủ có tham gia trận đấu nhưng chưa đạt mức xuất sắc; loại C là cho các cầu thủ dự bị.

 

Nay từ 3 mức chuyển còn 2, phải chăng việc "chia tiền" đã có sự cào bằng, nhất là khi "độ vênh" giữa hai mức không lớn, chỉ là 2 triệu đồng? 

 

Hơn thế, tại Agribank Cup 2005, người ta không khó để nhận ra rằng việc xếp người đá chính của HLV A.Riedl có vẻ như "cố định" trong bộ khung 11 người, số lượng cầu thủ vào sân thay người khá ít.

 

Người "làm nhiều", kẻ "làm ít" (dù chẳng ai muốn thế) là điều rõ ràng, vậy tại sao lúc "được mùa", "lúa" lại chia một cách tương đối đánh đồng như thế? Liệu có công bằng với sự đóng góp của các thành viên vào thành công chung của đội hay không?

 

Tất nhiên, việc phân chia như vậy cũng có lý lẽ riêng của nó, nhất là khi hơi thở SEA Games đang tới gần. Bấy lâu nay ở đội tuyển việc "ma cũ bắt nạt ma mới" hoặc chuyện dây cầu thủ địa phương này, dây cầu thủ địa phương nọ, không phải là hiếm. Bài học Tấn Tài tìm mọi cách để xin rời khỏi đội tuyển dưới thời Tavares là một quá khứ còn rất tươi mới.

 

Hẳn dưới "triều đại" của mình, Riedl muốn xoá đi tất cả những khoảng cách đó để xây dựng một đội tuyển trên nền tảng tinh thần đoàn kết. Và ông có điều kiện để làm được điều này khi mà ở đội tuyển U23 hiện tại các cầu thủ đều có độ tuổi sàn sàn nhau và không thực sự có những cá nhân cầu thủ mang tư chất "thủ lĩnh", có nhiều ảnh hưởng.

 

Bởi lẽ đó mà việc chia thưởng Agribank Cup 2005 phải đảm bảo sự "bình đẳng" tương đối giữa các thành viên trong đội tuyển, tránh sự "phân hoá" rõ rệt giữa các nhóm cầu thủ đá chính và dự bị.

 

Theo Bảo Hân

Công an nhân dân