Công Vinh đứng đầu danh sách cầu thủ kiếm tiền giỏi tại V-League
(Dân trí) - Theo thống kê, chỉ 6 năm qua, Công Vinh đã bỏ túi khoảng 30 tỷ đồng từ những hợp đồng chuyển nhượng kỷ lục của bóng đá Việt Nam. Chưa bước qua thời đỉnh cao, chắc chắn cầu thủ này còn phá vỡ nhiều kỷ lục về mức thu nhập cầu thủ Việt.
Sau khi hết hạn hợp đồng với SL Nghệ An vào tháng 8/2014, Công Vinh đầu quân cho đội bóng B.Bình Dương, với số tiền chuyển nhượng được cho là gần 10 tỷ đồng/3 năm. Giải thích lý do chiêu mộ Công Vinh, lãnh đạo CLB B.Bình Dương cho biết Công Vinh là trụ cột của ĐTQG, có năng lực chuyên môn tốt và có tác phong sinh hoạt chuyên nghiệp. Ngoài ra, cầu thủ này cũng từng có quãng thời gian thi đấu thành công tại Nhật theo dạng cho mượn.
Tiền đạo xứ Nghệ hội tụ đầy đủ yếu tố để trở thành “thương hiệu hot” trên sàn chuyển nhượng, nên không có gì ngạc nhiên khi anh tiếp tục là cầu thủ phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng ở mùa giải 2015, tính đến thời điểm hiện tại.
Cách đây 6 năm, Công Vinh lần đầu tiên rời SL Nghệ An gia nhập Hà Nội T&T với giá chuyển nhượng hơn 7 tỷ đồng/3 năm khiến nhiều người bất ngờ. 3 năm sau, anh “kết duyên” với bầu Kiên năm 2011 với giá 13 tỷ đồng (mẹ Công Vinh thừa nhận trên một tờ báo).
Sau khi CLB bóng đá Hà Nội giải thể, Công Vinh chấp nhận chuyển về chơi cho SL Nghệ An không cần phí lót tay. Nhưng chỉ sau nửa mùa 2013, một cơ hội khác lại đến với anh từ Nhật Bản với lời đề nghị của CLB J-League 2 Consadole Sapporo, mức lương là 7.000 USD/tháng. Ngoài tiền lót tay, tiền lương của Lê Công Vinh cũng rất cao. Ở các CLB trong nước mà anh đầu quân, mức lương luôn ở mức trên 40 triệu/tháng, chưa kể thưởng.
Như vậy, chỉ tính riêng tiền chuyển nhượng, trong 6 năm qua, Công Vinh đã bỏ túi khoảng 30 tỷ đồng. Số tiến là niềm mơ ước với bất cứ ai, nhưng nó cũng không phải ngẫu nhiên đổ vào két sắt của tiền đạo xứ Nghệ.
Tiền không tự dưng mà đến
14 tuổi, Công Vinh đến với bóng đá. Cũng như bao đứa trẻ ở xứ Nghệ hồi đó, bóng đá luôn là khát khao, là niềm tự hào và là nơi mà Công Vinh có nhiều mơ ước. So với bạn bè cùng trang lứa, hoàn cảnh gia đình Công Vinh rất đặc biệt, khi bố phải tù tội, một mình mẹ vất vả mưu sinh nuôi 4 chị em.
Một chuyên gia lão làng của bóng đá Việt Nam đã nhận xét rằng, Công Vinh không có năng khiếu bóng đá, nhưng ý chiến vươn lên thì chẳng thua kém ai. Quả đúng như vậy, sự khởi đầu của Vinh rất chậm, thậm chí anh còn bị “đội sổ” ở đội trẻ, khi bị đánh giá là cầu thủ không có nhiều triển vọng.
Cùng thời đó, Văn Quyến dù hơn Công Vinh 1 tuổi, đã nổi đình nổi đám với giải Cầu thủ xuất sắc nhất giải vô địch U16 châu Á. Sự đối lập, tương phản của hai cầu thủ xứ Nghệ đã xuất hiện từ khi đó. Sự thật là khi Quyến đã sớm trở thành ngôi sao, là thần đồng của bóng đá Việt Nam, thì Vinh hoàn toàn vô danh.
Thế nhưng, như lời nhận xét của vị chuyên gia ở trên, chính sự cần cù, chăm chỉ đã giúp Vinh tiến bộ, chậm nhưng rất chắc. Quan trọng hơn, việc không nổi tiếng sớm như Văn Quyến, đã giúp Vinh tránh khỏi những thói hư, tật xấu, vồn luôn “bủa vây” giới cầu thủ.
Năm 2002, Công Vinh lần đầu được gọi vào đội U18 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Văn Thịnh. Cũng trong năm đó, anh được triệu tập vào đội U20 và còn được đeo băng đội trưởng. Năm 2003, thành công đến với Vinh khi anh được huấn luyện viên Alfred Riedl gọi bổ sung vào danh sách đội tuyển U23 tham dự SEA Games 22 mặc dù phần nhiều chỉ được ngồi trên băng ghế dự bị.
Năm 2004, Công Vinh được đôn lên thi đấu ở đội 1 SL Nghệ An. Tại AFF Suzuki Cup 2008, Công Vinh được HLV Henrique Calisto triệu tập vào danh sách đội tuyển. Trong trận chung kết lượt về, Công Vinh có cú đánh đầu ngược đẹp mắt ở những giây bù giờ cuối cùng giúp ĐTVN vượt qua Thái Lan với tỷ số chung cuộc 3-2 và lần đầu tiên vô địch AFF Cup. Ngoài ra, Công Vinh ba lần giành quả bóng vàng, là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử V-League với hơn 100 bàn.
Công Vinh cũng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở một trong những giải đấu mạnh ở châu Âu là Giải vô địch bóng đá Bồ Đào Nha, cho CLB Leixoes. Năm 2013, anh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại Nhật Bản, cho đội bóng Sapporo.
Ở thành Vinh, người ta hay nói: “Quyến bẩm sinh, vinh khổ luyện”. Chính sự chăm chỉ, cần cù, đã tạo ra một Công Vinh đầy bản lĩnh và cũng không thiếu độ tinh quái như ngày hôm nay.
Kiếm bộn tiền, nhưng đó đều là tiền của mồ hôi, nước mắt của chân sút người xứ Nghệ.
Ngô Linh