1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Công Phượng, Tuấn Anh và bài toán đầu ra của các học viện

(Dân trí) - Khi lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… bước ra khỏi học viện HAGL-Arsenal.JMG và thi đấu trong môi trường đỉnh cao, người ta thấy ngay sự khác biệt. Điều đó cũng đặt ra thách thức cho các học viện bóng đá giữa chuyện “học” và “hành”.

Khác biệt ở môi trường

Thực tế, chuyện những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy… giờ thi đấu tại V-League đã là một việc chẳng đặng đừng, bởi 7 năm trước, khi lập nên học viện HAGL-Arsenal.JMG, mục tiêu của bầu Đức lúc đó là xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài.

Thực tế là nhóm 4 người Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường và Đông Triều cũng đã sang Arsenal thử việc theo đúng chu trình huấn luyện của hệ thống học viện JMG, có liên kết với CLB Arsenal, trước khi nhóm cầu thủ này ra trường. Dù vậy, nhóm 4 cầu thủ trên dĩ nhiên không tạo được mấy ấn tượng với “Pháo thủ” thành London.

Ngay tại sân chơi trong nước, HA Gia Lai với nòng cốt là lứa đầu của học viện JMG tại phố núi cũng đang đuối. Trong khi ở cấp độ đội tuyển U23 Việt Nam, những Tuấn Anh, Xuân Trường, hay Văn Toàn đang có dấu hiệu không theo kịp các đồng đội từ những CLB khác (riêng những người hiện thuộc HA Gia Lai có khả năng đứng trong đội hình chính của đội tuyển U23 như Tiến Dũng và thủ môn Văn Tiến lại xuất thân từ bên ngoài lò JMG ở phố núi).

Rõ ràng đang có độ “vênh” không nhỏ giữa khâu đào tạo của học viện HAGL-Arsenal.JMG với thực tế sân cỏ đỉnh cao, đang có độ “vênh” khá lớn giữa quá trình học lý thuyết của các cầu thủ so với việc áp dụng những điều đã được học này vào những sân đấu thực thụ.

Công Phượng, Tuấn Anh và bài toán đầu ra của các học viện
Tuấn Anh là sản phẩm loại 1 của lứa đầu học viện HAGL-Arsenal.JMG, nhưng vẫn đang chật vật khẳng định chỗ đứng trong môi trường đỉnh cao (ảnh: Gia Hưng)

Rồi người ta cũng giật mình nhìn lại, không chỉ ở Việt Nam, không phải bất cứ học viện JMG nào ở quy mô toàn cầu cũng thành công. JMG ở Thái Lan phải đóng cửa năm 2012, chỉ đào tạo được 2 lứa sau 2 khóa tuyển sinh vào các năm 2005 và 2007, học viện JMG ở Madagasca cũng lâm vào cảnh tương tự năm 2012.

Ngoài JMG Bờ Biển Ngà cực kỳ thành công với lứa đầu của Yaya (Man City) và Kolo Toure (Liverpool), Eboue (Galatasaray), Gervinho (AS Roma)..., không còn nhiều ngôi sao đẳng cấp thế giới xuất hiện từ hệ thống học viện này.

“Cây nhà lá vườn” có khi vẫn xài tốt

Ở khả năng thích nghi với môi trường đỉnh cao, những cầu thủ xuất thân từ lò SL Nghệ An hay SHB Đà Nẵng có vẻ như đang thích ứng nhanh hơn với lứa cầu thủ xuất thân từ đào tạo của bầu Đức.

Nếu như những Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… đang chật vật tìm chỗ chính thức ở cấp độ đội tuyển, thì hầu hết các trụ cột của đội tuyển U23 Việt Nam bây giờ đều xuất thân từ những lò đào tạo thuần nội, đặc biệt là từ SL Nghệ An và SHB Đà Nẵng.

Những Ngọc Hải, Mạnh Hùng, Phi Sơn, Hoàng Thịnh (nếu không chấn thương chắc chắn đá chính ở đội tuyển U23 Việt Nam) đều đang là trụ cột của đội tuyển U23 hiện nay, đều đang khoác áo đội bóng xứ Nghệ. Rồi những Huy Toàn, Ngọc Thắng đến từ SHB Đà Nẵng cũng đang là những nhân tố quan trọng với đội bóng trong tay HLV Miura.

Có thể có người lý giải một phần nguyên nhân nằm ở chỗ lứa cầu thủ của bầu Đức còn trẻ và có chỗ còn bỡ ngỡ với môi trường đỉnh cao, nhưng nếu nói như thế thì giải thích ra sao với hiện tượng Khánh Hòa ở V-League?

Đội bóng của HLV Võ Đình Tân cũng đa phần ở vào tuổi đôi mươi tương tự như HA Gia Lai, nhưng thay cho chuỗi trận bất khả chiến thắng của đội bóng phố núi tại V-League, Khánh Hòa là đội duy nhất bất khả chiến bại trong 11 vòng đấu gần nhất của giải vô địch quốc gia. Riêng chuyện cầu thủ Khánh Hòa không được gọi lên đội tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 28 lại là một bí ẩn đối với người hâm mộ.

Cầu thủ SL Nghệ An, SHB Đà Nẵng hay Khánh Hòa dễ thành công khi bước chân từ các đội trẻ lên chuyên nghiệp nhờ ở từng lò đào tạo, các đội bóng đã biết hướng cầu thủ của mình đi theo bản sắc chung của CLB, cách họ được đào tạo ở các đội trẻ cũng không quá xa thực tế nơi sân cỏ đỉnh cao.

Đấy lại là một thực tế không thể bỏ qua, về chuyện chưa chắc phương pháp đào tạo nào tối ưu hơn phương pháp nào, cũng chưa chắc một học viện tối ưu hơn tất cả các học viện còn lại ở sân cỏ trong nước, như một số người làm công tác điều hành nền bóng đá từng ngộ nhận như thế.

Điều quan trọng là phải phù hợp, phải không xa rời thực tế. Và bóng đá đỉnh cao chắc chắn không chỉ gói gọn trong 2 từ “kỹ thuật”, mà còn là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố khác!

Trọng Vũ