Công Phượng, Tuấn Anh có dễ tìm được suất đá chính tại Nhật?
(Dân trí) - Chỉ 1 trận thua đội bóng bán chuyên JFL Selection của Nhật có thể vỡ ra nhiều điều về bóng đá Việt Nam, trong đó có liên quan đến câu chuyện của một số cầu thủ nổi tiếng như Công Phượng, Tuấn Anh sắp được xuất khẩu sang Nhật.
Trong bóng đá Nhật Bản, 3 hạng đầu gồm J-League, J-League 2 và J-League 3 là các hạng đấu chuyên nghiệp, dưới nữa là giải hạng 4 được xếp vào hàng bán chuyên. Còn cái đội JFL Selection vừa đá giao hữu với đội tuyển U23 Việt Nam là đội bóng tập hợp từ những CLB của giải bán chuyên nọ, thường đến khoảng giữa các mùa bóng tập hợp lại, đi du đấu “chào hàng”, nhằm tìm cơ hội tìm bến đỗ mới.
Thật ra tỷ số bao nhiêu trong trận đấu giữa JFL Selection với đội tuyển U23 Việt Nam mới đây ra sao không quan trọng, bởi nói cho cùng đấy chỉ là trận đấu tập, mang nhiều tính chất thử nghiệm.
Tuy nhiên, có một vấn đề không thể không đề cập đến, đó là ngay cả các cầu thủ bán chuyên của Nhật vẫn đủ tầm thi đấu đường hoàng với đội tuyển U23 Việt Nam, trong đó bao gồm cả 3 cầu thủ sắp sang Nhật và Hàn Quốc thi đấu chuyên nghiệp là Tuấn Anh (sang Yokohama FC thuộc J-League 2), Công Phượng (dến Mito Hollyhock thuộc J-League 2) và Xuân Trường (có thể chuyển đến Incheon của Hàn Quốc), thì quả chất lượng của bóng đá Nhật và bóng đá Việt Nam cách nhau hiện rất xa.
Bầu Đức hy vọng Tuấn Anh có thể chơi khoảng 70% số trận của CLB Yokohama FC trong mùa tới, nhưng qua trận đấu giữa đội tuyển U23 Việt Nam với JFL Selection mới thấy hy vọng này rất khó thực hiện, nếu chỉ tính đơn thuần về mặt chuyên môn.
Tuấn Anh sẽ khoác áo một đội bóng thuộc J-League 2, tức là đẳng cấp chuyên nghiệp, trong khi vẫn chưa chứng minh được mình hơn về đẳng cấp so với các cầu thủ bán chuyên của Nhật, thì quả là còn nhiều khó khăn trước mắt cầu thủ này.
Cũng không thể dựa vào các trận đấu giữa đội tuyển U19 Việt Nam của những Tuấn Anh, Công Phượng cách nay 1 – 2 năm để đánh giá rằng những cầu thủ đang nổi tiếng ở bóng đá Việt Nam gây được ấn tượng với các đội bóng Nhật Bản, thông qua những trận đấu ấy.
Thực tế là cũng chưa có cầu thủ nào thuộc đội U19 Nhật Bản thuộc thế hệ ấy tạo được chỗ đứng vững chắc ở các CLB chuyên nghiệp Nhật Bản, tức là U19 Nhật cũng chưa thể gây ấn tượng với giới bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản, huống hồ là các bại tướng của họ.
Thành ra, cần tỉnh táo ở chỗ xác định ngay từ đầu HA Gia Lai đưa những cầu thủ triển vọng của họ sang Nhật để học hỏi, để được sống trong môi trường chuyên nghiệp thực thụ, hơn là vội vã đặt những kỳ vọng quá cao về một sự thoát xác về mặt chuyên môn, nhanh chóng đuổi kịp trình độ của cầu thủ xứ Phù Tang, bóng đá xứ Phù Tang, mà dễ vỡ mộng nếu không chuẩn bị trước tâm lý cho quy trình bắt buộc của sự đào thải.
Kim Điền