Từ trường hợp tai nạn thảm khốc của Thể thao VN:

Còn ai thương phận Huệ

Huệ ở đây là cựu đô vật Lê Thị Huệ, từng gặp chấn thương thảm khốc trên thảm tập trước thềm SEA Games 22 cách đây tròn 10 năm đang sống lặng lẽ, khổ sở trong cảnh tàn phế.

Cựu đô vật Lê Thị Huệ

Cựu đô vật Lê Thị Huệ

Người ta đã lãng quên Huệ, quên cả cái trách nhiệm tối thiểu đối với một tuyển thủ Quốc gia “mất” tất cả vì nghiệp thể thao.

 

10 năm xe lăn và đôi nạng

 

Tận bây giờ, nhiều khi Huệ vẫn không tin mình lại dính chấn thương khủng khiếp đến vậy. Một cú ngã tưởng như rất bình thường, nhưng đã khiến cô gái 18 tuổi ngày ấy gãy tới 3 đốt sống cổ, giập tủy sống, liệt tức thời tứ chi.

 

Phải có một sức vóc cùng một ý chí hiếm có của một đô vật, Huệ mới vượt qua được ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Chỉ có điều, nội lực phi thường vẫn không đủ giúp chị tránh tàn phế, nhất là sự chữa trị khi ấy chỉ dừng lại ở mức cấp cứu, ứng phó.

 

Tròn 10 năm, ngày nào Huệ cũng cặm cụi, trầy trật tập đi cùng với đôi nạng mà vẫn bất lực. Ngày nào thời tiết đẹp còn đi được mươi bước chực ngã dúi dụi, còn trời lạnh thì đôi chân, hơn thế còn cả đôi tay tàn tật của chị lại run rẩy co quắp. Cơ thể ngày một teo tóp của chị luôn âm ỉ nhức, trái nắng trở giời thì đau buốt toàn thân, lên cả đầu.

 

Cuộc sống của Huệ coi như đã  “định vị” hẳn với chiếc xe lăn và đôi nạng. Mong muốn có thể đi lại, dù chỉ tập tễnh đã thành một nỗi khát khao vô vọng của người phụ nữ đã bước sang tuổi 26 này. Cũng còn may nhờ liên tục rèn tập, lại được ông Khai Bảo Long cưu mang, chữa trị mấy năm, chứ không Huệ đã nằm một chỗ.

 

Nỗi đau cả một gia đình

 

Nhiều năm nay, Huệ đã trở về vùng quê biển Quảng Châu (Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) nghèo khó sống cùng gia đình, bởi chẳng còn cách nào khác, dù rằng cựu đô vật hiểu rằng mình sẽ làm khổ cả nhà.

 

Mong đi tập tễnh còn không nổi, nên mọi chuyện sinh hoạt, tối thiểu nhất như chuyện vệ sinh, Huệ đều phải nhờ vào người mẹ già đã hơn 70 tuổi. Không chỉ mơ ước sự nghiệp dang dở mà hạnh phúc riêng tư Huệ cũng chẳng còn dám nghĩ đến. Càng khốn khổ hơn vì với tâm trí minh mẫn, hay xúc động và cả nghĩ, Huệ lại phải gắn với thân thể tàn tật. Thi thoảng, Huệ cũng từng nghĩ quẩn, rồi lại chảy nước mắt vì quá thương mình, thương bố mẹ.

 

Khi rời nhà theo nghiệp thể thao là nguyên vẹn một cô nữ sinh khỏe khoắn, tươi trẻ, một nhân tố tuyệt vời cho môn vật, vậy mà khi “trả” lại cho bố mẹ lại ra nông nỗi này. Nhà làm nông, bình thường cố lắm cũng chỉ đủ ăn, giờ lại phải dốc hết để chăm nom, chữa trị cho Huệ. Mỗi lần đưa Huệ lên Hà Nội trị liệu theo định kỳ, cả nhà lại phải chạy vạy tiền, kể cả vay tạm hàng xóm, hay anh em.

 

Lúc Huệ mới về nhà không có chế độ gì cả, thậm chí bố mẹ chị còn phải quyết định bán “non” mấy sào lúa để mua bảo hiểm cho chị để con gái tạm yên tâm, cũng qua đó mà có thêm sự hỗ trợ phần nào trong cảnh điều trị liên miên.

 

Vẫn chỉ đau đáu mong một ngày nào đó mình có thể đi lại bình thường được, Huệ cũng chẳng hề oán trách, hối tiếc gì khi mình đã gắn bó với nghiệp vật mà coi “phận mình nó thế”.

 

Phận Huệ hẩm hiu, mà thể thao cũng bạc thật. Chẳng thế mà người ta đã lãng quên, chính xác hơn là lãng quên trách nhiệm ngay như thế.
 
Những lời hứa bạc bẽo

 

 
Những lời hứa bạc bẽo

 

Những người đau khổ, thấp cổ bé họng như Huệ thường hay nhớ lâu và dễ tủi thân. Mỗi khi được hỏi về sự quan tâm chăm lo của ngành thể thao, chị lại khóc. Khóc cho mình và cho sự bạc bẽo.

 

Thời điểm Huệ bị chấn thương nặng, gây sốc cho dư luận, rất nhiều lãnh đạo của ngành thể thao đã tới thăm nom chu đáo, rồi còn hứa có tốn kém thế nào cũng phải chữa trị cho chị tới cùng, kể cả đưa ra nước ngoài. Người ta hứa và rồi lại quên ngay. Nhưng Huệ thì lại rất nhớ, đến tận bây giờ, bởi vì chị đã bao lần chờ đợi trong hy vọng.

 

Chấn thương trên ĐTQG, Huệ được ưu tiên hưởng chế độ tuyển thủ đến hết 2004 rồi hết. Với đơn vị chủ quản Thanh Hóa còn tệ hơn thế. Từ khi Huệ về nhà, cũng mới chỉ một lần lãnh đạo xuống thăm. Huệ đã bị cắt hợp đồng mà cũng chẳng có bất cứ chế độ nào khác. Tàn tật mà tay trắng là nghịch cảnh mà Huệ đang phải chấp nhận.

 

Ngành thể thao vẫn hay khó chịu khi công luận đề cập, cũng nhiều khi quy kết hơi quá về trường hợp tài năng này, tuyển thủ kia bị đối xử theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Thế nhưng với cựu đô vật Lê Thị Huệ, thực tế “vắt chanh bỏ vỏ” là quá chính xác. Nó cũng rõ ràng như những lời hứa bạc bẽo.

 

Theo Dũng Tân

Lao Động