1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Cơ quan công an mở rộng điều tra vụ bán độ tại Ninh Bình

(Dân trí)-Không chỉ điều tra vụ bán độ tại AFC Cup, cơ quan cảnh sát điều tra của C45 và công an tỉnh Ninh Bình đang mở rộng điều tra vụ bán độ tại V-League. Theo đại diện của VPF, do chưa có kết quả nên những thông tin nghi Ninh Bình bán độ tại V-League chỉ dừng lại ở nghi án.

Để phục vụ công tác điều tra, cơ quan CSĐT tỉnh Ninh Bình đã có lệnh bắt tạm giam với 2 cầu thủ Trần Mạnh Dũng và Nguyễn Mạnh Dũng. 7 cầu thủ còn lại tiếp tục được giam lỏng tại trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tỉnh Ninh Bình, chờ lệnh triệu tập để lấy lời khai.

Trả lời báo chí chiều nay, ông Nguyễn Minh Ngọc – phó ban tổ chức V-League 2014 – cho biết: “Chúng tôi liên tục có sự liên lạc với cơ quan công an và CLB Ninh Bình để nắm tình hình. Hiện mới có những cầu thủ đang điều tra bán độ tại AFC Cup, còn nghi án bán độ tại V-League như báo chí nói, Công an đang tiến hành điều tra mở rộng sang giải đấu này nhưng chưa có kết luận nên chúng tôi cũng không thể đưa ra bình luận gì”.


C45 đang mở rộng điều tra các nghi án bán độ ở V-League

C45 đang mở rộng điều tra các nghi án bán độ ở V-League

4 trận đấu tại V-League bị nghi ngờ Ninh Bình có bán độ là trận Ninh Bình hòa ĐT Long An 2-2 ở vòng 5 trên sân Ninh Bình, trận Quảng Nam thắng Ninh Bình 3-1 ở vòng 7, trận B. Bình Dương thắng Ninh Bình 5-2 ở vòng 9 và trận Ninh Bình hòa Hùng Vương An Giang với tỷ số 2-2 tại vòng 10.

Đại diện VPF cho biết đến nay, VFF chưa có hình thức kỷ luật nhưng chắc chắn sẽ coi hành động tố giác của lãnh đạo CLB Ninh Bình như một tình tiết giảm nhẹ để CLB này không bị phạt quá nặng.

Liên quan đến cuộc gặp gỡ báo chí chiều nay của công tay VPF, rất nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề tài chính, khâu tổ chức, điều hành giải cũng như việc cấp phép các CLB chuyên nghiệp dành cho ông Trưởng giải người Nhật Bản Tanaka Koji.

Ông Tanaka Koji nhấn mạnh: “ Bóng đá Việt Nam cần phải cải thiện từ vấn đề kinh tế, điều kiện thi đấu, tư cách đạo đức lẫn tính chuyên nghiệp của cầu thủ,… Chúng ta cần không ít thời gian để thực hiện khối lượng công việc này với sự hợp tác của ban huấn luyện, cầu thủ các đội…”.

Cũng theo ông Tanaka Koji , nhiều CLB không đáp ứng được tiêu chuẩn mặt sân, các phòng chức năng và đặc biệt là việc chưa lôi kéo được khán giả tới sân. Vấn đề đáng quan tâm nhất với VPF và với bóng đá Việt Nam ở thời điểm này chính là nguy cơ bỏ giải của bất cứ đội bóng nào, vì những khó khăn tài chính.

Ông Koji cho biết, ở Nhật Bản, chưa có bất cứ CLB nào bỏ giải giữa chừng. Đứng sau các CLB là các tập đoàn hùng mạnh làm nhà tài trợ lớn, bên cạnh đó là rất nhiều nhà tài trợ nhỏ, đóng góp của người hâm mộ, nguồn thu từ bán vé, bản quyền truyền hình.. Đây là những vấn đề bóng đá Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, chưa thể làm như Nhật Bản. Đến ngay như việc đóng tiền lệ phí giải, CLB Ninh Bình vẫn chưa nộp 500 triệu theo quy định. Giờ thì Ninh Bình bỏ giải, VPF sẽ phải mất công đi…đòi nợ.

Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng giám đốc VPF, cho biết: “Tại Nhật, thu nhập bình quân của mỗi CLB năm 2009 đã là 26,5 triệu USD. Còn ở Việt Nam, nguồn thu của Công ty VPF mới chỉ đạt khoảng 40 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng). Vì vậy, việc đưa V-League phát triển không phải là chuyện ngày một, ngày hai".

Lê Cường