1. Dòng sự kiện:
  2. Pickleball

Chuyện ông Đoàn Nguyên Đức: Định lý đảo

Cái tin Bầu Đức có khả năng bị khởi tố về tội hối lộ khiến nhiều người giật mình. Quả thật với món tiền 200 USD x 4 trọng tài, ông Đức đã có thể phạm luật rồi. Nhưng số tiền 200 USD ấy nếu xét theo hai khía cạnh thuận, nghịch thì thấy ngay biểu đồ tương tác của cái hệ quả đồng tiền đi trước.

Tính cách ông Đức nếu ai chịu khó theo dõi chắc sẽ không khó nhìn ra. Báo khen ông cũng có, báo mắng ông cũng có, phóng viên viết bài tung hê ông cũng nhiều và lên án ông cũng không ít... Dịp báo đưa tin ông được mời làm Trưởng đoàn thể thao SEA Games rồi bài viết phỏng vấn ông về cái tin ấy, ông trả lời sẵn lòng nhận nếu sẵn lòng giao và tin, tôi lại thấy buồn cười.

Đúng là Bầu Đức rồi. Ông láu lỉnh lắm mà cũng ngây thơ lắm. Làm sao mà bầu Đức không biết mặc đồ vét lại thành trưởng đoàn cho được! Thế đấy, hai ngày sau tự thân bài báo phỏng vấn ông trở nên chỏng chơ một cách buồn cười.

 

Cũng cái sự chỏng chơ ấy, làng bóng đá “rung rinh” 4 năm trước khi ông tuyên bố mua chân sút số 1 Đông Nam Á - Kiatisak về cho Hoàng Anh Gia Lai. Ngày ấy, mấy ai tin! Họ cạn nghĩ? Hay ông Đức ngông? Hay lại là một chiêu thức quảng bá thương hiệu?

 

Chuyện thành sự thật, cũng là quảng cáo nhưng quyết định chính là cái đam mê trái bóng và lập luận của một doanh gia có tiền, có đủ điều kiện đạt tới cái ước vọng của mình. Hoàng Anh Gia Lai tập trung các đôi chân khỏe, giỏi, giàu kỹ thuật và cả kỹ năng. Họ thẳng đường chinh phục Cúp này đến Cúp kia.

 

Người hâm mộ sướng cũng như ông bầu này từng sướng. Xem đội quân đá bóng Việt Nam thuê về hàng loạt chân sút Thái làm ''lính đánh thuê'' mà đã.

 

Sự ganh đua trong giới cầu thủ bùng nổ. Cầu thủ nội học cách sống của cầu thủ ngoại, cầu thủ nội cố gắng hết sức mình để giành lại những phần lợi ích mà cầu thủ ngoại đương nhiên được hưởng do tính chuyên nghiệp của họ.

 

Mảnh đất màu mỡ của môn thể thao Vua khởi sắc. Hàng loạt các đội chuyển mình, thay máu. Zico Thái làm mát mặt Bóng đá Việt Nam trước con mắt Đông Nam Á đồng thời mở ra một tác phong sinh hoạt chuyên nghiệp.

 

Còn nhớ ngày ấy, tôi tỏ ý nghi ngờ khả năng tài chính của Hoàng Anh Gia Lai, ông Đức đã không ngần ngừ trả lời: ''Không chỉ một Zico Thái, tôi có thể mua hai đến ba cầu thủ ngoại như Kiatisak vào thời điểm đó…''. Câu trả lời tỉnh khô không một chút lên gân.

 

Chuyện thật hư thế nào lịch sử sẽ có những cân đong đo đếm của nó. Riêng tôi, trong cái dở có cái hay. Trong cuộc sống với quá nhiều biến động như hiện nay, tìm ra mình, thể hiện được mình bằng cách làm những điều mình thích cũng đã là một ghi nhận.

 

Vào thời điểm đó ông Đức đã làm được điều mà bóng đá Việt Nam cần, nhưng còn đủ?

 

Sẽ không là khách quan khi nhận định riêng một Hoàng Anh Gia Lai trên mặt bằng bóng đá Việt Nam. Còn có những đối trọng như Gạch Đồng Tâm, Bình Dương, Hòa Phát Hà Nội hay LG.HN.ACB… nhưng cái cách làm của ông Đức ít nhiều thể hiện rõ tính cách cá nhân hơn là một tập thể. Gần như chỉ mình ông nghĩ, ông tính và rồi tự ông quyết bằng cái cảm giác làm kinh tế của một doanh nhân.

 

Cái đủ mà nền bóng đá Việt Nam đang thiếu chính là trách nhiệm với niềm đam mê. Điều mà không phải ai ngồi ở chiếu trên cũng có thể tự nhìn ra để tìm phương cách thực hiện. Phải lúng túng và bực bội với những giải trình hoặc phải xem xét thông qua một ban bệ trách nhiệm tập thể mà bỏ quên khoảnh khắc cần thiết cho một quyết định đúng lúc. Cái thiếu ở đây lại là cái cách nhập cuộc và giá trị cao nhất của một quyết định đúng thời điểm lại còn phải đợi!

 

Cái ''máu'' của ông Đức dựa trên cái cách làm thuần tuý cá nhân, tự làm tự chịu trách nhiệm, thế cho nên mới có cái chuyện ''hối lộ'' 200 USD để CQĐT có lý do ''rờ''.

 

Luật bất thành văn, lời bất thành luật, ông Đức phen này lại mất nhiều lần hơn cái 200 USD kia rồi. Cái giá cho sự đam mê của mình, cái hay mà giới bóng đá xuýt xoa lại lòi ra cái dở rồi ông Đức ơi. Có điều nhiều người biết mà không nói, nói mà biết có ai tin với cái ''máu liều'' của bầu Đức ''hối lộ'' 200 USD và làm ''từ thiện'' XXX đô thì có gì để phân định?

 

Có thể ông sẽ bị khởi tố thật và từ cái 200 USD ấy ông lại bị lần ra những cái khác nhưng không thể phủ nhận trong cuộc chơi này, cái dắt dây tội danh ''hối lộ'' và ''đánh bạc'' của hàng loạt quan chức và cầu thủ (đã và đang dính) cũng mang dáng dấp gán ghép như một điều luật tạm. Người ta nói bán độ nhưng luật (pháp) không có tội bán độ mà phải đưa vào đánh bạc. Ai cũng nói mua độ nhưng luật (pháp) không có tội ấy và phải đưa vào tội hối lộ.

 

Một chuyên gia bóng đá gắn bó với bóng đá Việt Nam từ những năm 50-60 thời bác Ngô Xuân Quýnh, thấy vụ án lở ra gọi điện cho tôi vừa mừng vừa lo. Ông mừng vì có cơ hội làm sạch mà lâu nay những người làm bóng đá chỉ lo củ cà rốt (cho mình) mà không biết vung gậy (để bóng đá Việt Nam đi một cách tử tế), còn lo là lo cho chính cái nền bóng đá mà những người vào cuộc chơi này rồi không ai dám vỗ ngực nói: ''Tôi không tiêu cực''. Cái tiêu cực bị nhiễm bởi lệ làng mà dân bóng đá điểm mặt nhau chỉ dám xét nhiều hay ít (tiêu cực) chứ không dám khẳng định không.

 

Cái mừng và cái lo ấy cũng giống với ngành thể thao vừa tham lại vừa yếu. Tham vì muốn sạch nhưng lúng túng vì sợ làm sạch sẽ... sạch sành sanh.

 

Không dễ làm người mở đường. Càng không dễ là người vạch ra một đại lộ mà lại bắt đầu từ một lối mòn mà cả làng bóng chấp nhận.

 

Nỗi khổ của bóng đá Việt Nam là ở chỗ đấy. Chỗ mà cả làng bóng ai cũng mong sạch nhưng vào cuộc chơi rồi lại dễ dàng thích nghi với môi trường định sẵn.

 

Cái sạch của ngày mai có thể bắt đầu từ hôm nay. Chỉ tiếc là để góp phần cơ bản làm sạch môi trường bóng đá lại không xuất phát từ chiến lược của những nhà làm bóng đá mà lại bắt đầu từ sự mạnh mẽ của… CQĐT.

 

Sạch thì vẫn mong và mong lắm, nhưng mong hơn nữa là lửa vẫn cháy trong lòng những người có khả năng làm thay đổi cục diện bóng đá đúng tầm và đúng với cái tâm của con người.

 

Theo Nguyễn Nguyên

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm