1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Chuyên gia Misa và những vui buồn cùng điền kinh VN

Ở trong căn phòng 12m2, không điện thoại, không máy tính, vị HLV điền kinh người Nga, Mikhail Priakhil, với cái tên thân mật Misa, vẫn cống hiến hết mình để nhào nặn nên những viên ngọc quý cho điền kinh VN như Bùi Thị Nhung, Nguyễn Duy Bằng.

Điền kinh Việt Nam có hai thành tích có giá trị nhất đều thuộc về nhảy cao. Kỷ lục của Bùi Thị Nhung (1m94) và Nguyễn Duy Bằng (2m25) ghi đậm dấu ấn của chuyên gia Misa. Nhưng ít ai biết 7 năm gắn bó với điền kinh Việt Nam của ông lại là quãng đời nhiều nỗi đau, nước mắt hơn những niềm vui. Ông từng bị cho là người kém chuyên môn và suýt bị đuổi việc, nếu không có chiếc HC đồng nhảy cao của Duy Bằng ở SEA Games 21.

 

Những ngày đầu tha hương gian khổ

 

Năm 1998, Misa nhận lời đến Việt Nam làm HLV nhảy cao và điểm dừng đầu tiên là Đại học TDTT Từ Sơn. Ông kể lại: "Thời kỳ đó, xung quanh trường toàn là ruộng đồng, cuộc sống rất buồn tẻ". Ông được giao trọng trách ở tổ nhảy cao, trong đó có nhà vô địch châu Á, kỷ lục gia Đông Nam Á Bùi Thị Nhung bây giờ. Thành tích của Nhung lúc đó chỉ 1m50, nhưng chỉ hai năm sau, cô vượt qua 1m75.

 

Khi thấy Nhung đạt bước tiến nổi bật, một số người có trách nhiệm ở ngành thể thao Hải Phòng nghĩ ai cũng có thể biến cô thành "sao" được và đòi rút Nhung về. Ngày mới sang, ông đã nhỏ lệ vì cô đơn khi một mình ngồi nghe những bài hát Nga. Sau 2 năm, ông lại ứa nước mắt nhìn người ta cướp đi một hạt mầm tốt mà ông đang nuôi dưỡng.

 

Thực tế cho thấy, họ không thể làm gì hơn là làm thui chột một tài năng. Chỉ sau 2 tháng, từ Trung Quốc, họ trả Nhung về cho ông với chấn thương bàn chân dậm nhảy. Về với ông, Nhung lại toả sáng. Chỉ một năm sau, tại giải trẻ Trung Quốc 2001, Nhung phá KLQG với thành tích 1m83.

 

Nhưng sau đó, việc Nhung chẳng may dính chấn thương và không thể tham dự SEA Games 21 làm nhiều người nghi ngờ khả năng và đòi sa thải ông. Rất may, chiếc HC đồng của Bằng đã cứu ông. Đến nay, năng lực thực sự của Misa đã được khẳng định qua những thành tích kỷ lục của Nhung, Bằng và Tâm.

 

Misa vẫn chưa hài lòng với những gì đã đạt được. Tại SEA Games 22, Bằng và Nhung chỉ đạt được HC bạc do áp lực tâm lý nặng nề từ lượng cổ động viên đông đảo trên sân nhà. "Tôi còn mắc nợ Việt Nam khi chưa đem về HC vàng SEA Games. Tôi muốn phát triển tối đa khả năng của những Bằng, Nhung, Tâm và Thịnh nữa", Misa nói. Ông chỉ tiếc rằng Ngọc Thịnh đến với ông quá muộn và trong tình trạng chẳng còn lành lặn. "Nếu Thịnh đến với tôi sớm khoảng 3 năm thì thành tích chẳng kém Bằng đâu".

 

Người làm thuê nghèo khó

 

 

Chuyên gia Misa và những vui buồn cùng điền kinh VN - 1
 

Những người học trò như Nhung

chính là phần thưởng xứng đáng

cho những tâm huyết của ông

Misa với điền kinh VN.

 

 

Thật khó để so sánh điền kinh với môn thể thao vua, nơi ngay một HLV ít thành tích nhất cũng được hưởng một cuộc sống "đế vương". Nhưng quả thực điều kiện sống của HLV Misa hiện nay không thể coi là tương xứng với năng lực.

 

Căn phòng Misa ở chỉ rộng chừng 12m2. Không điện thoại, không máy tính, dĩ nhiên không có cả internet. Một cái bếp điện bằng gạch nung với chiếc dây may-xo cũ kỹ, ngoằn ngoèo, giờ đây được xếp vào loại hàng hiếm, vẫn đang phục vụ cuộc sống hàng ngày của HLV đội tuyển điền kinh Việt Nam. Cuộc sống đơn sơ của Misa là những hộp thịt, khúc pho mát như bánh xà phòng và một nồi súp khoai tây truyền thống trong chiếc tủ lạnh nhỏ, một chiếc giường đơn và một cái tủ quần áo thuộc loại rẻ tiền.

 

Người đàn ông Cô-zắc này không hề hút thuốc, rất ít uống rượu và thường pha với soda cho nhẹ đi. "Thế mà có lần người ta đã gán cho tôi cái tội say rượu", ông kể. "Đàn ông ở châu Âu say là thường, nhưng tôi không uống say mà bị gán cho mới bực chứ". Ông bức xúc: "Tôi đến Việt Nam chưa làm điều gì xấu, chỉ có làm điều tốt cho thể thao VN. Không hiểu sao một số người lại không thích tôi. Có lẽ vì tôi thẳng tính quá".

 

Miệt mài với công việc

 

Mang trong mình dòng máu Cô-zắc nên Misa khá nóng nảy, thẳng thắn, không luồn cúi, e sợ ai. Dẫu đến Việt Nam với mục đích cải thiện thu nhập, nhưng không vì thế mà ông chịu khuất thân làm một... "chú tắc kè đổi màu da" để lấy lòng ai đó. Các VĐV từng bị ông la mắng, thế mà ai cũng kính trọng, yêu quý ông. Sau SEA Games 21, Duy Bằng từng băn khoăn tại sao HLV Misa không được đi theo đoàn VĐV. Còn Tâm và Nhung thì sau mỗi cú nhảy thành công là lại lao đến ôm chầm lấy ông thay cho lời cảm ơn chân tình.

 

Ông luôn dạy học trò: "Tài năng chỉ là một phần, lao động mới là chìa khoá của thành công". Chính vì vậy, bất kể thời tiết nắng mưa, nóng lạnh, ông đều say sưa, miệt mài với công việc. Ông nói: "Tiền bạc rất quan trọng và cần thiết, nhưng với tôi, thành tích của VĐV mới là thứ có ý nghĩa nhất".

 

Có lẽ ông là một trong số hiếm HLV không được thưởng khi VĐV đạt thành tích cao. Ông cho biết, suốt 7 năm trời ông chưa một lần được lĩnh phần thưởng. Misa còn cay đắng: "Thậm chí, với những thành công như vậy mà vẫn có những người trong Ban huấn luyện đội tuyển chưa thèm bắt tay tôi một lần".

Theo Thể Thao TPHCM