“Chữa cháy” kiểu VFF

(Dân trí) - Một lần nữa, VFF đã sa thải HLV sau thất bại của đội tuyển Việt Nam. Khác với SEA Games 26, lần này VFF đã nhận thất bại cả về phần mình, nhưng rốt cuộc, vẫn chỉ là “rút kinh nghiệm triệt để”, lần sau sẽ cố gắng...

Chẳng ai bất ngờ khi HLV Phan Thanh Hùng xin từ chức, có bất ngờ là ở chỗ, ông Hùng đã nhận toàn bộ trách nhiệm về mình, từ chuyện không tạo ra được dấu ấn chuyên môn, không giúp các cầu thủ vượt qua khó khăn, không có sự thay đổi chiến thuật hợp lý...Đại loại thì lý do nào cũng không chấp nhận được với một nhà cầm quân được kỳ vọng, được đầu tư lớn, với mức lương ngót nghét 200 triệu đồng/tháng. Ông Hùng ra đi vì lòng tự trọng của mình và thừa nhận, không hề bị nhận sức ép nào từ VFF.
 
Ban lãnh đạo VFF tiếp tục...hứa sẽ cố gắng lần sau - Ảnh: Minh Phương

Ban lãnh đạo VFF tiếp tục...hứa sẽ cố gắng lần sau - Ảnh: Minh Phương

Ông Hùng nói thế thì người hâm mộ biết thế bởi phía trong, chẳng biết người trong cuộc đã có những cuộc mổ xẻ như thế nào trước khi có những phát biểu theo kiểu rất kịch bản trước công luận. Cái kịch bản đó, chính là một ông Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng trả lời đầy khôn ngoan trước giới truyền thông về những câu hỏi nhạy cảm. Nhiều người có mặt trong buổi họp báo tối qua, đã nhận định ông Dũng cứu thua cho VFF một bàn thau trông thấy. Những câu hỏi “xoáy” đến đâu, ông Dũng cũng đưa vấn đề vào sự kiểm soát của mình.

Dường như sau nhiều năm đối phó với báo chí, người hâm mộ, VFF đã trở nên rất kinh nghiệm. Một cuộc họp báo về thất bại của ĐTVN với báo cáo dày tới 5 trang của HLV Phan Thanh Hùng, cuối cùng đã kết thúc sau chưa đầy một tiếng. Tất cả đều nhàn nhạt, vì những câu hỏi của giới truyền thông, không được thỏa mãn.

Nhiều người bất chợt thấy sao thương cho HLV Phan Thanh Hùng quá. Nhận lỗi, nhận trách nhiệm rồi lại từ chức. Mà ai cũng thấy rằng, lỗi lớn nhất, đâu phải do ông Hùng? Cầu thủ có chịu đá đâu, còn VFF thì đã sai ngay từ đầu.

Trong ngày hôm qua, VFF đã nhận lỗi. Cụ thể thì ông Dũng đã cho rằng VFF đã sai lầm khi cho ông Hùng được phép kiêm nhiệm. Song VFF cũng lý giải trong hoàn cảnh nhiều HLV từ chối lên tuyển, thì VFF không còn cách nào khác. Rồi VFF lại tự thừa nhận mình đã bỏ bê công tác chuyên môn. Suốt một thời gian dài, đã không có bộ phận này hỗ trợ tối đa cho đội tuyển. Cuối cùng thì vẫn là những lời nói quen thuộc, VFF xin rút kinh nghiệm và tin chắc với HLV mới tới đây, sẽ không có những chuyện như trên.

VFF chỉ rút kinh nghiệm, còn HLV Phan Thanh Hùng mất chức. Ai cũng hiểu đó là một nước cờ thí tốt của VFF. Quả bóng trách nhiệm đã được đẩy hết cho ông Hùng. Cũng đúng thôi, ông Hùng là người chịu trách nhiệm lớn nhất về chuyên môn, lại không hoàn thành như đúng chỉ tiêu trong hợp đồng vào đến chung kết. Để an ủi, VFF đã khen ông Hùng là người dũng cảm, đã đứng ra nhận lỗi và từ chức. Thật nực cười làm sao!.

VFF đã chữa cháy như thế và họ nghĩ, chỉ cần cho thôi việc HLV Phan Thanh Hùng là coi như câu chuyện thất bại sẽ lắng xuống. Song, đây vốn là cách làm vốn chẳng mang lại hiệu quả gì cho bóng đá Việt Nam. Bài học tại SEA Games 26 còn nguyên đấy, cũng sa thải HLV đấy thôi, nhưng đâu lại vào đấy.

Cái mà VFF cần thay đổi lúc này, chính là thay đổi trong suy nghĩ, tư duy và cả sự tự trọng của mình. Bóng đá Việt Nam nát lắm rồi, người hâm mộ không cần những hành động theo kiểu chắp vá như vậy. Điều mà tất cả cần, chính là VFF cần nhìn thẳng vào bản chất vấn đề. Cụ thể ở đây, những ai không giúp ích gì được cho bóng đá Việt Nam, cần phải được thay bởi người có năng lực hơn.

Chiến lược và bài bản hơn, VFF không chỉ cải tổ đội ngũ lãnh đạo, mà còn phải có một định hướng cụ thể, mang tính dài hơi với phát triển bóng đá trẻ, tăng cường chất lượng giải đấu quốc nội, tạo ra cơ chế làm việc tốt trên tuyển với các HLV, loại bỏ những cầu thủ không đủ tư cách đạo đức...Đó mới là những việc cần làm để giúp bóng đá Việt Nam đi lên, chứ cứ ngồi đấy bới móc nhau, mổ xẻ nhau sau mỗi thất bại rồi cho ai đó phải từ chức thì quá dễ.

An An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm