Chủ tịch VPF nói về nghi án trọng tài nhận hàng trăm triệu đồng
(Dân trí) - Xung quanh nghi án tổ trọng tài trong trận Thanh Hóa – HA Gia Lai ở vòng 3 V-League nhận phong bì hàng trăm triệu đồng, chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng khẳng định tạm thời không mời các trọng tài trên làm nhiệm vụ cho đến khi mọi việc sáng tỏ.
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng
Thời gia qua, sau khi biết thông tin liên quan đến các trọng tài nọ, Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly thay mặt cho VPF tỏ ra khá tích cực trong việc thông tin với các bên, cũng như phối hợp với các đơn vị có liên quan đến giải quyết vụ việc.
Riêng về khả năng 4 trọng tài Đinh Hải Dương, Kiều Việt Hùng, Đỗ Mạnh Hà và Phạm Đắc Chiến (những nhân vật chính trong nghi án nhận tiền) có còn được làm việc trong các giải đấu mà VPF quản lý hay không, ông Thắng nhấn mạnh: “Về nguyên tắc, các trọng tài đang trong diện bị điều tra thì không thể làm việc tại các giải đấu chuyên nghiệp, cho đến khi công tác điều tra kết thúc, đồng thời các cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng. Chính vì vậy, những trọng tài trên sẽ tạm thời sẽ không được VPF mời làm nhiệm vụ”.
Nói như vậy có nghĩa là các ông Đinh Hải Dương, Đỗ Mạnh Hà, Phạm Đắc Chiến và Kiều Việt Hùng sẽ không thể có tên trong danh sách những người điều hành các trận đấu thuộc các giải đấu chuyên nghiệp trong nước, từ nay đến khi mọi việc sáng tỏ.
Riêng chuyện Trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm bị tạm đình chỉ công tác, chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng tỏ ra khá bất ngờ. Dù vậy ông Thắng vẫn tỉnh táo cho biết: “Ban trọng tài và các trọng tài thuộc sự quản lý trực tiếp của VFF, nhiệm vụ chính của VPF là tạo điều kiện cho các trọng tài do VFF giới thiệu được làm việc trong điều kiện tốt nhất mà VPF có thể làm được”.
Đánh giá về công tác trọng tài trong hơn 1 năm qua, tính từ thời điểm VPF chính thức tiếp quản các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam gồm V-League, giải hạng Nhất và cúp quốc gia, ông Thắng nói: “Theo tôi, công tác trọng tài trong hơn 1 năm vừa rồi nhìn chung là có những chuyển biến đáng ghi nhận”.
“Trước đây, các trọng tài khi đến các địa phương làm nhiệm vụ do địa phương đặt chỗ ăn nghỉ và chi chế độ cho họ. Làm vậy là chưa chuyên nghiệp. Từ ngày VPF tiếp quản các giải đấu, VPF thực hiện những công việc trên cho lực lượng trọng tài giám sát” – ông Thắng nói thêm.
Công bằng mà nhìn nhận rằng cách làm này của VPF nhằm mục đích là góp phần tránh tiêu cực có thể nẩy sinh, tránh việc các trọng tài tiếp xúc quá gần với đại diện các đội bóng, liên quan đến chuyện tiền bạc như trước đây.
Ngoài ra, về chuyện thu nhập của các trọng tài, vị chủ tịch VPF nói: “Trước đây các trọng tài thường than phiền khó khăn trong thu nhập. Khi VPF tiếp nhận các giải đấu, một trong những vấn đề được chúng tôi quan tâm hàng đầu chính là đẩy mạnh thu nhập cho các trọng tài”.
“Chỉ có vài tháng gần đây, thu nhập của trọng tài có giảm đôi chút, dù vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, khi kinh tế hồi phục, các ngành bớt khó khăn hơn, tôi khẳng định rằng thu nhập của trọng tài sẽ lại được điều chỉnh theo mức tăng” – Vẫn lời ông Thắng.
Tất cả những cải thiện và những điều chỉnh của VPF liên quan đến chế độ cho giới “vua sân cỏ” ngoài chuyện giúp họ yên tâm với nghề, cũng là góp phần đẩy lùi những tiêu cực có thể phát sinh, theo kiểu trọng tài túng quá làm liều.
Riêng về sai sót của các trọng tài từ đầu mùa đến giờ, chủ tịch Võ Quốc Thắng nhận xét: “Sai sót vẫn có, đấy là điều mà nhiều người thấy. Nhưng khi nhìn nhận sai sót của trọng tài, cần nhìn nhận khách quan đâu là những sai sót do lỗi chuyên môn, và đâu là sai sót xuất phát từ sự công tâm. Tôi nghĩ rằng số trọng tài làm việc thiếu công tâm, nếu có, chỉ là phần nhỏ của giới trọng tài trong hơn 1 năm qua!”.
Trọng Vũ