Chủ tịch VFF bị stress

Nhắc đến U23, Chủ tịch LĐBĐVN Nguyễn Trọng Hỷ ôm đầu mệt mỏi rồi bật mí: "Tôi đã từng bị stress khi VN đá với Malaysia ở bán kết đấy. Thành tích của U23 như vậy cũng được, chuyện tiền bạc thực ra không có gì, nhưng điều làm tôi buồn nhất là ý thức kỷ luật của các cầu thủ rất kém".

Ông Hỷ thở dài: "Thật ra, bệnh của cầu thủ nam không phải giờ mới có, nhưng đến SEA Games này tôi mới có dịp so sánh. Tất cả các đội tuyển khác khi đến thăm, VĐV nào cũng vui vẻ chào hỏi, kính trọng, lễ phép. Nhưng những chàng trai của ĐT bóng đá thì khác, rất ít khi chào hỏi, ít khi tỏ thái độ quý mến người khác.

 

Chính ông Đại sứ VN ở Philippines cũng nói với tôi là họ rất lạnh nhạt khi ông đến thăm họ. Bản thân tôi đến thăm đội cũng thấy như vậy. Đấy không phải là tính chuyên nghiệp cao siêu gì, mà chỉ là những ứng xử rất cơ bản, truyền thống của người Việt Nam...

 

Để xảy ra chuyện đó, ngoài việc giáo dục từ CLB, có trách nhiệm của BHL người Việt. Không thể trách ông Riedl vì ông ấy đã làm hết sức của mình rồi, những chuyện về nền nếp sinh hoạt, đi lại, nói năng, thấy không đúng, chính BHL phải nhắc nhở. Bản thân tôi cũng phải nhận trách nhiệm. Bao nhiêu đội tuyển khác sao họ tốt thế, riêng bóng đá nam lại như vậy. U17 rất ngoan, U20 cũng vẫn ngoan, nhưng từ U23 trở lên là sinh chuyện, có lẽ vì họ đã thành ngôi sao rồi".

 

Chính vì thế, theo ông Hỷ, cần phải tổ chức lại đội tuyển. Ông Hỷ nói: "Cứ quản lý lỏng lẻo, để cầu thủ không có ý thức như thế thì sẽ rất khó khăn để tạo ra động lực cho người ta đến với mình. Nếu cứ như thế này thì tôi dám chắc người hâm mộ và các nhà tài trợ sẽ xa lánh đội nam.

 

Do đó, phải tổ chức lại đội trên cơ sở chỉ đạo làm lại quy chế cho chặt. Dù là cầu thủ hay HLV, lên đội phải thấy vinh dự. Quy chế thì sẽ được soạn ngay sau đây, nhưng đây không phải là chuyện làm 1-2 ngày là xong. Sự thay đổi đó phải nhờ đóng góp của tất cả những người trong ngành bóng đá, từ CLB và phải nhờ cả dư luận xã hội nữa".

 

Theo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm