Ngẫm chuyện nhà:

“Chợ toàn cầu” và “Chợ làng”

(Dân trí) - Cái tin Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO được đón nhận trong niềm hân hoan và đầy hy vọng. Bởi điều đó có nghĩa Việt Nam đã chính thức khẳng định sẽ chơi theo luật chơi chung trong “chợ lớn“ toàn cầu.

Đó là một cơ hội lớn lao để nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam tiếp tục cải thiện diện mạo của mình trên trường quốc tế, để thu hút đầu tư, cải tiến công nghệ, thúc đẩy giao dịch thương mại đa chiều,…

 

Tất nhiên, cái “chợ lớn toàn cầu” mà chúng ta vừa bước chân vào cũng đặt chính chúng ta trước vô vàn thử thách, từ việc gỡ bỏ những rào cản thương mại, việc tuân thủ những luật lệ khắt khe của quốc tế vốn còn ít nhiều lạ lẫm, đến việc thay đổi tư duy tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế,…

 

Đón nhận thời cơ, đối đầu với thách thức, chúng ta đã mạnh dạn đặt mình trong guồng quay chung của thế giới, cái guồng mà lực quán tính của nó luôn thúc đẩy mọi chất điểm tiến lên, hoặc ngược lại biến thành lực ly tâm để đánh bạt chất điểm đó ra ngoài.

 

Và guồng quay thương mại vận động không ngừng của nền kinh tế tất yếu đòi hỏi sự vận động tương ứng của mỗi thành tố trong kiến trúc thượng tầng, trong đó có thể thao - văn hoá.

 

Nếu nói như vậy, bóng đá Việt Nam - một bộ phận quan trọng trong nền thể thao nước nhà - cũng phải chuẩn bị cho mình một hành trang để đón nhận vận hội mới.

 

Chúng ta đã chuẩn bị gì khi bao nhiêu năm vẫn loay hoay trong cái “chợ làng” Đông Nam Á, với mục tiêu vượt qua thế lực đang thụt lùi Thái Lan? Chuẩn bị gì để sẵn sàng cho những cuộc mua bán, xuất-nhập cầu thủ (mà lâu nay chúng ta chỉ quen với việc nhập)? Chuẩn bị gì để đặt tiếng nói của bóng đá nước nhà lên bàn cân quốc tế? Chuẩn bị gì để biến bóng đá thành một ngành kinh doanh sinh lãi? Chuẩn bị gì để cải tiến phương thức hoạt động của liên đoàn theo hướng tinh giản và hiệu quả đúng với khuyến cáo của FIFA?...

 

Chúng ta đã manh nha làm, nhưng hiệu quả xem ra vẫn còn hạn chế lắm. Còn hậu quả thì không ít lần ta đã nai lưng ra gánh: từ vụ đóng tiền học khôn cho HLV Letard, đến việc nộp phạt vì lời mời “bông lơn” trót gửi đến CLB Cosmos trước Agribank Cup 2004…

 

Và trong khi cả bộ máy điều hành bóng đá VN vẫn đang loay hoay để bắt quen và bắt nhịp với quá trình hội nhập, ông bầu ngông Đoàn Nguyên Đức đã đi một nước cờ bạo với việc sang tận Anh Quốc để bắt tay với Arsenal trong kinh doanh và phát triển bóng đá. Có thể chỉ vài năm nữa, cái tên Hoàng Anh Gia Lai sẽ không chỉ được biết đến ở Việt Nam, ở Đông Nam Á hay châu Á.

 

Nhưng thật đáng nói và đáng nghĩ, một con người riêng lẻ đã mạnh dạn đi đầu, trước cả một bộ máy điều hành nhiều khâu nhiều mắt xích. Và chắc hẳn bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi nếu có thật nhiều ông Đức dám nghĩ dám làm.

 

Có khập khiễng gì không khi đặt chuyện cái “chợ làng” của bóng đá trong mối tương quan với sự hội nhập của một nền kinh tế vào “chợ lớn toàn cầu”?

 

Và nếu không hoặc có thì việc làm của bầu Đức có vô tình hay hữu ý nói lên điều gì hay không? Và có một lối tư duy nào cần thay đổi hay không?

 Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm