Chờ đợi gì ở cuộc họp BCH VFF?
Ngày mai, BCH LĐBĐVN (VFF) sẽ có phiên họp toàn thể để đánh giá 6 tháng làm việc đầu tiên và đề ra quyết sách mới cho năm 2006. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm là LĐ sẽ củng cố lại bộ máy của mình như thế nào để "cứu vãn" hình ảnh bóng đá VN trước người hâm mộ.
Chưa có một BCH VFF nào mà mới chỉ hoạt động 6 tháng lại có đến 2 ủy viên buộc phải ra đi là Giám đốc Sở TDTT Thừa Thiên - Huế Ngô Văn Trân và nguyên PCT LĐBĐVN Lê Thế Thọ, một ủy viên khác bị khởi tố là ông Nguyễn Hồng Thanh.
Cả 3 đã mắc những sai phạm nghiêm trọng gây phẫn nộ trong dư luận về những sự vụ liên quan đến chuyện bán độ của trận Huế - Khánh Hòa ở giải hạng nhất mùa rồi, hoặc không kịp thời ngăn chặn, thiếu trách nhiệm trong vụ bán độ của các tuyển thủ U23 tại SEA Games 23 cũng như vụ mua chức vô địch của SLNA năm 2000-2001.
Một số ủy viên BCH khác thì gần như chẳng đóng góp được gì do cơ chế chồng chéo và cũng chẳng được rộng đường góp ý do bị động trước những thông tin dồn dập.
Trong 6 tháng đầu, LĐBĐVN gần như chỉ phải đối phó với hàng loạt vụ tiêu cực bị vỡ ra như chuyện trọng tài Lương Trung Việt, Lê Văn Tú, Trương Thế Toàn, chuyện đội Đông Á Thép Pomina, đội Cần Thơ, đội SLNA, đội U23 VN...
Nói chung là bị phân tâm trước những vấn đề thời sự, không tập trung cho việc nâng cao chất lượng bộ máy, không có những hoạch định dài hơi mang tính chiến lược, ngay chuyện tài trợ cũng gặp bế tắc do những ảnh hưởng tiêu cực chung.
Chính vì chưa có những quyết sách lớn và thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo các CLB nâng cao đạo đức văn hóa cho cầu thủ và những người làm bóng đá nên LĐ đang bị động từ nhiều phía.
Trước hết là do xử lý các vấn đề còn chậm và chưa thể hiện sự dứt khoát, thiếu bộ phận tham mưu giỏi nghề, tận tụy; chưa tập hợp được nhiều trí tuệ của những người tâm huyết để sẵn sàng "thay da đổi thịt" làng bóng.
Trong những việc cần làm ngay mà Bộ trưởng Chủ nhiệm UBTDTT yêu cầu LĐ thực hiện cũng nhấn mạnh đến việc phải làm sao xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa bộ máy của LĐ, trước hết là từ khâu nhân sự.
Bài học thấy rõ nhất chính là các vệ tinh xoay quanh Chủ tịch và Tổng thư ký hiện nay còn yếu. Số ủy viên BCH mạnh dạn hiến kế còn rất ít, nhưng những người đang làm việc trong LĐ tranh thủ "miếng bánh" để xâu xé thì không phải ít.
Cuộc họp BCH lần này phải tranh thủ được sức mạnh chung của tập thể LĐ, không nên để quyền lực tập trung vào số ít người rồi sinh ra chuyên quyền.
LĐ phải xem lại chính điều lệ của mình khi vì sao đã tách biệt rạch ròi 2 cấp quản lý và điều hành nhưng vừa qua lại quá dễ dãi trong việc để một Phó chủ tịch LĐ trực tiếp tham gia vào cấp điều hành (có hưởng lương).
VFF cần phải tính lại sự tinh gọn bộ máy, khuyến khích những người làm việc được, tận tâm tiếp tục cống hiến cho LĐ với những thù lao giúp họ có thể hết mình với công việc.
VFF cũng cần xem lại mối quan hệ với CLB bị buông lỏng bấy lâu nay. Phải củng cố lại Hội đồng HLV, bỏ ngay chuyện chọn những HLV lên tuyển chỉ vì quyền lợi cá nhân.
Nên chăng VFF có cuộc tổng kiểm tra lại toàn diện đội ngũ bóng đá trong cả nước để phân cấp quản lý, có đủ những hồ sơ chi tiết về từng thành viên.
Ngoài ra, vấn đề phát ngôn của LĐ cũng rất quan trọng. Cho đến nay, rất nhiều người không đồng tình với cách phát biểu bao che của một phó chủ tịch LĐ với sai phạm của ông Lê Thế Thọ sau cuộc họp Thường trực hồi cuối tháng 12.
Chấn chỉnh và củng cố được các vấn đề này một cách nhanh nhất thì LĐ có thể sẽ lèo lái được con thuyền bóng đá VN cập bến thành công trong năm 2006.
Theo Quang Tuyến
Thanh niên