Chiếc bánh pizza và câu chuyện về Pep Guardiola

(Dân trí) - HLV Pep Guardiola đã ra lệnh cấm tiệt các cầu thủ ăn bánh pizza trong phòng thay đồ của Man City. Động thái ấy cho thấy cách quản trị vô cùng khoa học nhưng cũng rất… quân phiệt của ông thày này.

1. Dù là cầu thủ có thân hình đẹp như siêu mẫu nhưng C.Ronaldo cũng không bỏ qua món khoái khẩu pizza. Tại Barcelona, những siêu sao như Messi hay Suarez đều rất thích sử dụng món ăn này.

Pep Guardiola thiết quân luật ở Man City
Pep Guardiola thiết quân luật ở Man City

Thậm chí, chiếc bánh pizza còn mang ý nghĩa tinh thần với Leicester City. Ở mùa giải trước, HLV Ranieri đã treo phần thưởng là những chiếc bánh pizza cho các học trò sau mỗi chiến thắng. Kết quả cuối cùng, họ đã xuất sắc giành chức vô địch Champions League.

Thế nhưng, thứ đồ ăn được ưa chuộng bậc nhất thế giới này lại là “kẻ thù” với Pep Guardiola. Với ông, những chiếc pizza là “thủ phạm” khiến các cầu thủ béo phì, kéo theo đó, phong độ của họ sẽ giảm sút.

Thực tế, chưa có cơ sở khoa học nào chỉ ra những những chiếc pizza có tác dụng giúp cầu thủ phục hồi năng lượng sau những trận đấu (như nhiều cầu thủ và HLV lầm tưởng). Chuyên gia dinh dưỡng Caroline Farrell cho biết: “Những chiếc pizza không có tác dụng bổ sung năng lượng như các cầu thủ lầm tưởng. Bạn không hấp thụ được bất kỳ điều gì có lợi từ thức ăn này.

Sau mỗi trận đấu, các cầu thủ cần bổ sung nhiều protein. Trong khi đó, những chiếc pizza chỉ mang tới chất béo bão hòa và muối. Thức ăn lý tưởng cho các cầu thủ sau mỗi trận đấu là trái cây, rau, protein nạc hay carbohydrates phức hợp. Hầu hết các cầu thủ sử dụng pizza chỉ vì nó thuận tiện”.

Ngoài ra, trước khi ra lệnh “cấm ăn pizza”, HLV người Tây Ban Nha cũng đưa ra một luật “dị” không kém. Theo đó, ông yêu cầu các cầu thủ Man City ăn tập trung sau mỗi trận đấu, thay vì đi ăn với vợ và bạn gái như nhiều đồng nghiệp khác ở Premier League.

Rõ ràng, với Pep Guardiola, mọi thứ phải thật chuẩn mực. Do đó, ông rất “dị ứng” với những cầu thủ béo phí. Trong buổi tập gần đây, ông đã “ra lệnh” cho hàng loạt cầu thủ thừa cân của Man City (trong đó có Nasri) phải tập luyện để có vóc dáng chuẩn mới được phép tập luyện ở đội 1 của CLB.

2. Qua những câu chuyện trên có thể thấy được cách làm việc theo khoa học của Pep Guardiola nhưng nó cũng cho thấy sự… quân phiệt của ông. Trong mắt chiến lược gia này, mọi cầu thủ đều như những đứa trẻ và phải hướng theo khuôn khổ của ông.

Trong cuốn tự truyện “Tôi là Zlatan”, Ibrahimovic từng nhắc tới chi tiết rằng CLB Barcelona “như nhà trẻ” và các cầu thủ đều nghe lời Pep Guardiola răm rắp. Chân sút này cũng tiết lộ rằng HLV người Tây Ban Nha cấm tiệt các cầu thủ Los Blaugrana đi xe thể thao tới sân tập (chính Ibra đã tự mình phá luật này).

Trong sự nghiệp, ông nổi tiếng với sự kỷ luật (tới mức quân phiệt) của mình
Trong sự nghiệp, ông nổi tiếng với sự kỷ luật (tới mức quân phiệt) của mình

Nhà báo Lluis Mascaro của tờ Dario Sport (thân Barcelona) từng dùng từ “chế độ quân sự” để nói về các quản quân của HLV Pep Guardiola ở Barcelona. Mọi cầu thủ của CLB đều được yêu cầu ăn sáng, ăn trưa tập trung ở CLB. Ngoài ra, ông cũng ra lệnh cấm Messi sử dụng “Conguitos” (một loại bánh chocolate) và “Choripan” (loạt xúc xích nướng ở Argentina).

Với riêng Messi, “tướng” Pep quản theo một cách đặc biệt. Ông cử nguyên chuyên gia Juanjo Brau phụ trách “chăm sóc” riêng cầu thủ này (chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện). Bên cạnh đó là một nhóm chuyên gia giám sát ở “vòng ngoài” với cầu thủ này.

Tất nhiên, những điều Pep Guardiola yêu cầu đều có lợi cho cầu thủ. Điển hình như Messi, trong suốt 4 năm thi đấu dưới sự dẫn dắt của ông thày người Tây Ban Nha, cầu thủ này chỉ nghỉ thi đấu đúng 1 trận. Để ý thấy, giai đoạn sau này, El Pulga đã gặp khá nhiều chấn thương sau khi xa Pep Guardiola.

Một câu chuyện khác. Mùa giải trước, HLV Pep Guardiola đã thẳng tay sa thải bác sĩ Mueller-Wohlfahrt (chuyên gia hàng đầu nước Đức) vì những bất đồng. Theo một vài nguồn tin, nguyên nhân của chuyện nay xuất phát từ việc ông thày người Tây Ban Nha muốn can thiệp vào cả công việc của… bác sĩ. Ông luôn yêu cầu Mueller-Wohlfahrt phải đẩy nhanh tốc độ hồi phục chấn thương của các cầu thủ. Điều đó khiến cho vị bác sĩ hàng đầu này cảm thấy “bị xúc phạm” (vì bị một kẻ ngoại đạo can thiệp vào chuyên môn).

Không phải ai cũng thích sự quân phiệt của Pep Guardiola bởi nó triệt tiêu cá tính (sự nổi loạn) của các cầu thủ. Ibrahimovic nổi lên như cầu thủ chống đội mạnh mẽ nhất ông thày người Tây Ban Nha.

Thế nhưng, Pep Guardiola chưa bao giờ muốn thay đổi cách quản trị của mình. Sở dĩ HLV này hướng đội bóng tới kỷ luật bởi lối chơi của ông được vận hành vô cùng khoa học. Ở đó, mọi sự di chuyển, đường chuyền… đều được ông tính toán rất cẩn thận. Nó như nhịp tích tắc của đồng hồ, và không được phép sai một chi tiết nào.

3. Sự kỷ luật (tới mức quân phiệt) đã theo chân Pep Guardiola trong suốt sự nghiệp và giành được rất nhiều thành công. Ông đang bắt đầu xây dựng “chế độ” ở Man City theo cách như vậy.

Ít nhất, lúc này, người ta chưa thấy sự phản đối nào xuất hiện trong nội bộ của Man City (kể cả tin đồn). Thay vào đó, không ít cầu thủ (như Clichy) đã ủng hộ cách làm của chiến lược gia người Tây Ban Nha.

Đó có thể là tín hiệu đáng mừng đầu tiên của Man City dưới triều đại của Pep Guardiola. Nếu biết dẹp bỏ từng “cái tôi” để hướng theo “cái chung” của HLV người Tây Ban Nha, Man “xanh” hoàn toàn có thể trở thành tập thể gắn kết như Barcelona trước đây.

H.Long