Quan điểm:
Chạy theo người Thái
(Dân trí) - Hỏi ông Riedl về tiềm lực bóng đá VN, ông lắc đầu mà than: “Cả nước chỉ có 54 CLB, mỗi đội là có 5 ông Tây, thử hỏi lấy nền tảng đâu mà đòi thành tích này nọ”. Nhưng cũng chỉ vài ngày sau đó, ông hớn hở: “Chúng ta có một đội hình trẻ và có năng lực, sớm muộn chỉ 1, 2 năm nữa sẽ đuổi kịp Thái Lan”.
Trong cái cuộc gặp “định mệnh” giữa ông và 5 PV ở Nhổn hôm 17/10, ông than thở nhiều lắm. Ông kể lể chuyện cơ sở vật chất nghèo nàn, và đặt nó trong sự so sánh với Nhật Bản, nơi ĐTVN vừa đi tập huấn về. Ông kêu ca về việc thiếu hụt tài năng trẻ, về 7 cậu trò hư đang chờ xét xử. Nghe ông nói, thấy tương lai của ĐBVN mờ mịt lắm, mờ mịt nhưng phải chấp nhận, bởi “phải thực tế, đừng đỏi hỏi những điều xa xỉ”.
Và rồi, sau hai trận thắng ở Agribank Cup, ông Riedl đã hồ hởi với báo giới rằng với thực lực hiện tại, BĐVN sẽ đuổi kịp Thái Lan trong vòng 2 năm tới. Hai năm, một quãng thời gian đủ ngắn để chờ đợi và kiểm chứng. Chưa biết đúng sai thế nào, song hình như đây là một trong số ít lần ông thầy người Áo dùng thì tương lai với vẻ lạc quan.
Ông lạc quan dù sao cũng đáng mừng, vì một người cầm cương cả ĐT, tức bộ mặt của BĐ một nước, mà cứ nhìn về tương lai bằng con mắt u tối, bi nhược thì quả là đáng lo cho tiền đồ của nền bóng đó.
Không chỉ ông Riedl quyết chạy theo Thái Lan, mà có vẻ như một số người làm chuyên môn, hoặc thường nói chuyện chuyên môn cũng đang vạch ra một con đường đi cho BĐVN, ít nhiều mang hơi hướng của BĐ Thái.
Nhưng người Thái có tiền nuôi quân và huấn quân quanh năm để dụng quân cho một mục tiêu lâu dài, còn ta chỉ manh nha việc tập hợp một đội bóng chuẩn bị cho Olympic cũng đã quá khó nhọc vì vừa thiếu quân, vừa thiếu tiền.
như đồng tiền họ bỏ ra.
Nói về tiền, một tờ báo mới đây đưa ra những con số so sánh thật giật mình, vì qua đó mới thấy BĐ Thái Lan và BĐ VN “vênh” nhau nhiều quá. Trong lần sang VN để cùng U23+4 Thái Lan bê cái cup Agribank về nước, ông Thavatchai có thật thà liệt kê ra mấy con số rằng một chuyến tập huấn của ĐT Thái Lan ngốn mất khoảng 750.000 USD, và mỗi năm các ĐT nước này đều đi tập huấn dăm ba đợt như vậy.
Thêm vào đó, thay vì giao hữu với nhiều đội tép riu, FAT chấp nhận bỏ ra bạc triệu đô-la để mời những đội bóng hàng đầu về thi đấu. Nhưng bù lại, “thương hiệu” Thái Lan cũng “bán” được tiền triệu đô/năm.
Những con số đó BĐVN có mà tìm thấy trong mơ, và thật khập khễnh khi đem nó ra so với 100.000 USD tiền “nghĩa vụ công dân” mà Tôn Hoa Sen giúp đỡ ĐTQG khi khốn khó, hay 200.000 USD mà khó khăn lắm VFF mới kiếm được để trang trải cho chuyến đi Nhật. Nhưng tờ báo này không hề mảy may đặt những đồng tiền đó trong mối tương quan giữa hai nền kinh tế Thái - Việt.
Nói vậy để thấy, BĐVN không thể bì kịp BĐ Thái Lan về tiền, càng không thể tập trung các đội tuyển theo mô hình của Thái, cái mô hình lạ lẫm mà chưa có thước đo nào minh chứng nó thành công (không kể trong cái “vũng” ĐNÁ).
Chỉ có điều, qua cách làm của người Thái, cái mà ta đáng học là học lại bài học kiếm tiền và đốt tiền luẩn quẩn mà BĐVN chưa thoát ra được, là bài học đau đớn về rèn đức luyện tài cho các cầu thủ trẻ… Ta đang ở thế “kèo dưới”, nên nói chuyện “học Thái” nghe hơi tủi hổ nhưng cũng chấp nhận được.
Nhưng đừng nên nhìn vào người Thái mà cắm đầu chạy theo, bởi nếu nhìn lại thì Thái cũng đang đổ đèo thê thảm trên BXH của FIFA (10 năm tụt 68 bậc, so với 52 bậc “âm” của BĐVN), và thậm chí còn để mất luôn vị thế số 1 ĐNÁ vào tay Singapore. Thái Lan như cái lá sen to che kín cái ao ĐNÁ, nhưng trên cái lá sen đó là một bầu trời rộng lớn đang ngày một xa.
Ta muốn gì, muốn bay lên bầu trời để ít ra cũng được ở giữa những vì tinh tú, hay muốn làm con ếch ngồi trên cái lá sen?
Hồng Kỹ