Câu chuyện thể thao: Giảm giá V-League
Khẳng định với giới truyền thông, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng không lý do gì mà hoãn thời gian tổ chức V-League vì làm thế là tiêu cực.
Có một thực tế mà ít ai chịu tính khi V-League đang ở “thời hoàng kim”, tiền bạc rủng rỉnh và các đại gia tranh mua (cầu thủ) lẫn tranh đua (tiếng tăm). Đó là giá V-League cứ được đẩy lên cao đến chóng mặt, nhưng không phải từ bóng đá làm ra mà là vì bóng đá là nơi dễ tiêu tiền và dễ hợp thức hóa chuyện xài tiền của các đại gia kiếm tiền từ “sân khác” rồi chi ở “sân bóng”.
Giá cầu thủ tăng ngoài với giá thực tế cũng từ đấy và chuyện hơn 100 tỉ đổ vào với một số CLB cũng vì “À đã tìm ra chỗ để tiêu tiền”.
Việc để doanh nghiệp đến với bóng đá như hồi đấy là đi đúng với hướng xã hội hóa, nhưng chuyện doanh nghiệp tìm được chỗ tiêu tiền hợp pháp lại là chuyện khác.
V-League giảm giá cũng có nghĩa là
V-League chấp nhận quay lại với những khó khăn nhất định, hay nói đúng hơn là đã buộc phải bước vào giai đoạn sàng lọc những ông bầu vì bóng đá thực thụ và những ông bầu mượn bóng đá để làm ăn, để hợp thức hóa và thậm chí là để làm một bức bình phong.
VFF có vẻ không sốt ruột với chuyện nhiều ông bầu đòi bỏ bóng đá và mùa tới V-League hạ giá thì ta vẫn chơi. Cũng có thể giải thích cho việc “không sốt ruột” này vì liên quan đến việc mùa trước các ông bầu lập VPF và “cướp diễn đàn”, lấy sân chơi nên bây giờ chuyện hạ giá V-League có khi lại được xem là “thời - thế, thế - thời”.
Giảm giá V-League không hẳn là bi kịch, nhưng những nhà làm bóng đá chuyên nghiệp có biết ngồi lại thực sự hay không để nắn, chỉnh nền bóng đá chuyên nghiệp đi đúng hướng thay cho suy nghĩ cứ khoán cho các doanh nghiệp có tiền là có bóng đá chuyên nghiệp.
Theo Lao động