1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Cần một bác sỹ tâm lý cho ĐTVN?

(Dân trí) - EURO 1996, các cầu thủ Hà Lan đã từng rơi vào trạng thái khủng hoảng trầm trọng sau trận đấu ép sân toàn diện nhưng không thắng nổi Scotland. Ngay lập tức một bác sỹ tâm lý được mời đến, và những phương pháp của vị bác sỹ đó đã giúp các cầu thủ lấy lại cảm giác cân bằng.

Đó là một ví dụ trong vô vàn những ví dụ chứng minh cho sự cần thiết của bác sỹ tâm lý trong hoạt động thể thao nói chung và hoạt động bóng đá nói riêng.

 

1.Bác sỹ tâm lý cho cầu thủ

 

Lý thuyết chỉ ra rằng khi con người rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài hoặc sốc đột ngột thì người ta cần đến những biện pháp tâm lý để giải toả. Trong hoạt động thể thao, điểm yếu tâm lý nhiều khi được coi là “bệnh”, và cái bệnh ấy kéo dài hay ngắn, nặng hay nhẹ phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi VĐV.

 

Quan điểm

Ông Trần Bình Sự (GĐKT HP.HN):

“Đội bóng quốc tế nào có chuyên gia tâm lý, nhưng các đội bóng VN thì chưa. Thường việc tư vấn và xoa dịu tâm lý cho cầu thủ là cực kỳ quan trọng, vì trước một trận đấu, cầu thủ không chỉ cần thể lực sung mãn, mà cần phải có tâm lý vững vàng thì mới có phong độ tốt được. Trong xu thế chuyên nghiệp hoá hiện nay, theo tôi cần có những chuyên gia tâm lý trong các đội bóng, từ CLB đến ĐTQG”.

Ông Vương Tiến Dũng (HLV HP.HN):

“Bác sỹ tâm lý cho đội bóng cũng giống như chính trị viên trong quân đội. Hiện nay ở VN người trực tiếp giải quyết vấn đề tâm lý cho cầu thủ là HLV. Là một HLV lâu năm, kinh nghiệm cho thấy trước những trận đấu quan trọng, các cầu thủ thường có hai kiểu phản ứng: phấn khích quá mức hoặc lo lắng, sợ sệt. Theo tôi thì có thêm một chuyên gia tâm lý cho đội bóng là rất cần thiết, còn trước mắt thì HLV phải gánh vác cả công việc này”.

Cựu TTQG Phạm Như Thuần:

“Trong sự nghiệp thi đấu của mình, tôi không tránh khỏi có những lúc chịu áp lực hoặc gặp rắc rối về tâm lý. Lúc đó tôi thường tìm đến HLV, trưởng đoàn… Ngoài chuyên môn, có những yếu tố khác như gia đình, tình cảm cũng ảnh hưởng đến tâm lý cầu thủ. Trước một trận đấu lớn, các vấn đề tâm lý là không thể tránh khỏi, còn biểu hiện như thế nào là tuỳ vào bản lĩnh, kinh nghiệm của mỗi người.

Theo tôi, theo xu hướng chung của BĐ chuyên nghiệp, cần có một chuyên gia tâm lý riêng, vì HLV lắm khi không thể nào hiểu hết các vấn đề của cầu thủ. Bản thân tôi đã phải rất nhiều lần phải cố gác lại những rắc rối cá nhân để tập trung thi đấu, song không thể nào tốt như lúc mình thoải mái được”.

Hồng Kỹ (Thực hiện)

Với  ĐT BĐVN thì “bệnh tâm lý” từ lâu đã trở thành căn bệnh mạn tính, mà biểu hiện rõ nét nhất là sự “cóng chân cóng tay” của các cầu thủ mỗi khi phải đối đầu với những đại gia châu lục.

 

Ở phạm vi hẹp hơn, ngay trong cái “ao tù” ĐNA, cứ mỗi khi đá với Thái Lan là y như rằng các cầu thủ VN, từ lứa Hồng Sơn, Huỳnh Đức tới lứa Công Vinh, Huy Hoàng hầu như không ai là không thấy sợ. Ông Phan Anh Tú, TTK LĐBĐHN, cựu trợ lý HLV ĐTQG từng nói thẳng trên VTV: “gặp Thái Lan, cả ĐTVN, từ thầy đến trò đều căng thẳng lắm!”.

 

Chính vì căng thẳng quá, chính vì sợ Thái quá, chính vì nỗi ám ảnh “thua Thái” lớn quá mà các cầu thủ của chúng ta thường không thể hiện được mình. Điều ấy lý giải vì sao đã có những thời điểm mà xét ở góc độ con người chúng ta được giới chuyên môn đánh giá ngang bằng với Thái (SEA Games 23, Tiger Cup 2002), nhưng vào cuộc rồi là lại thua Thái bẽ bàng…

 

Vậy thì để có thể bước qua cái xác của người Thái, niềm khao khát của hàng triệu fan hâm mộ BĐVN, phải chăng đã đến lúc cần có một bác sỹ tâm lý để hoá giải nỗi ám ảnh thua Thái và sợ Thái trong lòng các tuyển thủ?

 

Mặt khác, xét ở tính thời điểm, năm 2007 BĐVN sẽ liêp tiếp tham gia những sân chơi lớn, từ Giải VĐ ĐNÁ tới vòng loại Olympic Bắc Kinh, và đặc biệt là sẽ đóng vai chủ nhà của Asian Cup. Đây là những cuộc đấu mà chúng ta đụng toàn những đội bóng lớn, điểm yếu tâm lý vì thế rất dễ bộc lộ. Thế thì sự xuất hiện của một bác sỹ tâm lý vào lúc này rõ ràng là không phải là chuyện vẽ voi.

 

2. Bác sỹ tâm lý cho ông Riedl

 

Hẳn sẽ có người phì cười khi nghe nói ông Riedl, một trong những HLV giàu kinh nhiệm cũng cần phải có một bác sỹ tâm lý. Song đúng là đã đến lúc phải đặt ra vấn đề này một cách thực sự nghiêm túc.

 

Thứ nhất, từ xưa đến nay chưa bao giờ ông Riedl được coi là một chuyên gia tâm lý, một người có khả năng “thổi lửa” vào lòng cầu thủ kiểu như Calisto. Trái lại, khi đứng trước một trận đánh lớn, bản thân ông Riedl nhiều khi cũng không tránh khỏi bị “trạng thái”. Thế nên một hình ảnh quen thuộc mà chúng ta vẫn hay gặp ở ông là: cái mặt đỏ gay đỏ gắt, ánh mắt thất thần, âu lo.

 

Thứ hai, ông Riedl là một người chỉn chu, cầu toàn, rất ngại những sụ thay đổi. Bằng chứng là ông luôn tung ra mọi binh hùng tướng mạnh, chứ nhất định không chịu thử nghiệm cầu thủ trẻ trong các giải đấu chỉ mang tính giao hữu.

 

Ngoài ra ông Riedl cũng là một người “sợ thua”, nhất là thua Thái. Vậy nên ông đã một mực đề nghị BTC Capital Cup không mời ĐT Thái (mà chỉ là ĐT Bankok Thái) tham gia giải đấu này.

 

Tất nhiên ông có lý giải là “chúng ta không nên gặp đối thủ mạnh quá trong giai đoạn mới bắt đầu tập luyện”, song thực chất ai cũng thấy đó chỉ là lời nguỵ biện cho sự nhút nhát của một trái tim thỏ đế cùng một nỗi ám ảnh “Sợ thua Thái” từ lâu vốn đã thâm căn cố đế trong lòng ông. Câu hỏi đặt ra là: “tướng” mà còn sợ thua như vậy thì “quân” liệu còn dũng khí xuất trận nữa hay không?

 

Thứ ba, vẫn xin được nhắc đi nhắc lại rằng ông Riedl đang trong tình trạng lâm bệnh. Cứ cho là “bệnh không nặng” và “không ảnh hưởng gì tới công việc” như chính ông đã nói, song có điều chắc là ông sẽ không thể toàn tâm toàn ý cho công việc như trước đây. Phải  có những lo lắng, phải có sự phân tâm trong mỗi quyết sách của Riedl lúc này.

 

Và vì thế đã đến lúc cần thiết cũng phải có một bác sĩ tâm lý cho ông.

 

3.Kết luận

 

Vấn đề chúng tôi đặt ra ở bài viết này có thể sẽ bị quy kết là “phá phách ĐT” rồi “thiếu tinh thần xây dựng”, nhưng với lương tâm nghề nghiệp cùng những trăn trở bây lâu của mình, chúng tôi nghĩ rằng một bác sĩ tâm lý cho ĐTVN vào thời điểm này là cực kỳ cần thiết. Bản thân ông Trọng Hiền, bác sỹ y học của ĐT hiện nay cũng hoan nghênh đề xuất này. Hy vọng là VFF cùng một số bộ phận có liên quan sẽ không bỏ ngoài tai.

Phan Đăng