1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Hội nghị tổng kết công tác TDTT 2006:

Cần làm rõ nguyên nhân không đạt chỉ tiêu ASIAD 15

(Dân trí) - Trong bài báo cáo tổng kết công tác năm 2006 được đọc tại hội nghị, ông Huỳnh Vĩnh Ái - Phó chủ nhiệm UBTDTT khẳng định cần đánh giá nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân việc không đạt chỉ tiêu huy chương tại ASIAD 15 tại Doha (Qatar).

Đồng thời, ngành TDTT cũng đã đề ra phương hướng nhiệm vụ cụ thể trong năm 2007, với trọng tâm là công tác chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 24 (Thái Lan - từ 6 đến 15/12/2007), Olympic 2004 (Trung Quốc) và Asian Indoor Games (Macau - từ 26/10 đến 4/11/2007).

 

Thể thao VN 2006: Tiến bộ nhưng thiếu ổn định

 

Điều đó được thể hiện rõ nhất ở thành tích thi đấu tại ASIAD 15. 246 VĐV thi đấu 25 môn nhưng chỉ đoạt 3 HCV, 11 HCB và 7 HCĐ, không hoàn thành chỉ tiêu từ 5 HCV trở lên.

 

Bốn nguyên nhân được chỉ ra là công tác quản lý huấn luyện, quản lý thi đấu, lựa chọn môn thể thao trọng điểm và phương thức đầu tư còn nhiều tồn tại. UBTDTT đã đề cập đến thực tế này trong bản báo cáo và tuyên bố sẽ rút kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém để đạt thành tích cao hơn trong các giải thế giới và châu lục trong những năm tới.

 

Thành tích này xem ra ít nhiều trái ngược với kết quả rực rỡ của thể thao nước nhà trong các giải tập huấn quốc tế: dự 138 giải, giành 428 HC các loại (gồm 16 HC cấp thế giới, 36 HC cấp châu lục và 255 HC cấp khu vực), xác lập 9 kỷ lục ĐNÁ, 39 kỷ lục quốc gia.

 

Bản báo cáo cũng đề cao công tác chuẩn bị chu đáo và tổ chức hết sức thành công nhiều giải trong số 19 giải quốc tế được ngành thể thao tổ chức tại VN.

 

Nhắc đến ĐH TDTT toàn quốc lần thứ V, bản tổng kết chỉ nhắc đến quy mô hoành tráng mà quên mất việc tổ chức rải rác các môn thi đấu tại nhiều địa phương đã làm mất không khí rộn ràng vốn có của một giải đấu 4 năm 1 lần.

 

Đại hội TDTT sinh viên ĐNÁ được đánh giá thành công dù dư luận chỉ trích việc “cài cắm” quá nhiều VĐV đỉnh cao vào thi đấu ở hầu hết các môn thi. Kết thúc giải đấu, mặc dù đoàn chủ nhà VN giành ngôi số 1 với ưu thế tuyệt đối, dư luận kịch liệt lên án “bệnh thành tích” và sự “chuyên nghiệp hoá” giải đấu phong trào này.

 

Nhiệm vụ năm 2007: Giữ vững top 3 tại SEA Games 24, chuẩn bị tốt cho Olympic 2008

 

Với phương hướng “đẩy mạnh các hoạt động TDTT về quy mô và chất lượng”, “phát triển thể thao quần chúng”, “tăng cường công tác đào toạ trẻ”, “từng bước chuyển các đơn vị sự nghiệp TDTT công lập sang áp dụng chế độ tự chủ tài chính”…, ngành TDTT đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

 

- Tập trung xây dựng và triển khai các đề án lớn như Chương trình nâng cao tầm vóc và thể lực người VN, Chiến lược thể thao thành tích cao đến năm 2015 và định hướng đến 2020, Quy hoạch cơ sở vật chất kỹ thuật ngành thể thao đến năm 2015 và định hướng đến 2020…

 

- Triển khai Luật DTTT, coi đó là trọng tâm để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước của ngành, nâng cao năng lực của các tổ chức xã hội về thể thao, đẩy mạnh công tác xã hội hoá thể thao…

 

- Triển khai tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phấn đấu giữ vững top 3 tại SEA Games 24, thi đấu đạt kết quả cao tại Asian Indoor Games và chuẩn bị lực lượng tốt nhất cho Olympic 2008. Cụ thể:

 

> Đoạt từ 60 đến 70 HCV trong số 441 bộ HC của SEA Games 24. Trong số 30/40 môn đăng ký tham dự, ngành thể thao xác định 25 môn có khả năng đoạt HC, trong đó đáng chú ý nhất là Điền kinh, bắn súng, thể dục, Taekwondo, Karatedo, Judo, vật, Wushu…).

 

>  Phấn đấu cử từ 20 đến 30 VĐV thuộc 5 môn (Cử tạ, Taekwondo, Bắn súng, Vật nữ…) dự Olympic 2008 và quyết tâm giành 1-3 HC.

 

> Đoàn VN tham dự với 119 VĐV, tranh tài trong 135 nội dung với mục tiêu khá khiêm nhường: giành 1-2 HCV, 6-7 HCB và 4 HCĐ. Các môn có khả năng đạt thành tích cao là Cờ vua, Billards&Snooker, Cờ tướng, Dance Sport, Cầu mây, Điền kinh trong nhà, Lặn…

 

- Hoàn thành đề án đăng cai Asian Indoor Games 2009 và ASIAD 2018 trình Chính phủ và Ban Bí thư.

 

UBTDTT cũng xác định cùng toàn ngành đề ra biện pháp cụ thể để góp phần thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ chỉ đạo tất cả các ngành: tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tiết kiệm - chống tham nhũng.

 

T.M