Olympic London 2012

Cần cái nhìn công bằng với đoàn thể thao Việt Nam

(Dân trí) - Olympic chưa kết thúc, nhiều ngày qua đã có những thông tin chỉ trích nhắm vào đoàn TTVN. Công bằng mà nói, thành tích của đoàn TTVN là thất vọng, nhưng đó đều là những kết quả được dự báo từ trước. Vậy nên, những chỉ trích nặng nề với họ có quá đáng không?

Nói về thất bại của đoàn TTVN, một cựu quan chức thể thao đã kể ra một loạt những hạn chế của đoàn TTVN lần này, tất cả đều bắt nguồn từ khâu đào tạo trẻ, tập huấn, chế độ dinh dưỡng, thuốc bổ...chưa tới nơi tới chốn. Chính vì không có sự chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt, nên đoàn TTVN mới 5 ngày thi đấu, đã bị loại gần như hết và viễn cảnh trắng huy chương đang tới gần.

 

Thực tế, mục tiêu giành huy chương của đoàn TTVN tại sân chơi Olympic luôn là mơ ước cháy bỏng của những nhà quản lý, các VĐV và cả người hâm mộ. 12 năm trước, tấm HCB của Hiếu Ngân ở môn taekwondo khiến TTVN mở mày mở mặt. Sau thành công ấy, ngành TDTT đã quyết tâm hơn rất nhiều trong việc đầu tư mạnh tay để chinh phục đấu trường Thế vận hội.
 
Cần có cái nhìn công bằng hơn sau thất bại của Quốc Toàn và đồng đội
Cần có cái nhìn công bằng hơn sau thất bại của Quốc Toàn và đồng đội

 

Thế nhưng, cũng phải đến 8 năm sau TTVN mới lại có thêm tấm HCB nữa sau khi sản sinh ra 1 “quái kiệt” ở môn cử tạ, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn, với tấm HCB quý hơn vàng. Tất cả đã thấy, dù ở thời kỳ nào, dù có chiến lược gì đi chăng nữa, việc giành huy chương với đoàn TTVN luôn khó như lên trời.

 

Có một sự thật là nếu TTVN không có những gương mặt theo dạng “của hiếm” như Hiếu Ngân hay Hoàng Anh Tuấn, sẽ rất khó có huy chương. Từ xưa đến nay, TTVN tham dự vẫn chủ yếu học hỏi là chính và trông chờ nhiều vào may mắn. Nói thế không có nghĩa, TTVN hoàn toàn tuyệt vọng.

 

Theo Chiến lược phát triển TTVN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của TTVN tại Olympic 2016 là phải giành được HCV và có ít nhất 40 VĐV vượt qua vòng loại. Đây xét cho cùng là một mục tiêu để chúng ta phấn đấu, chứ không ai bắt phải làm được. Thực tế, ngay sau khi có Chiến lược mang tính dài hơi này, đã có những thay đổi nhất định của ngành thể thao trong đường hướng phát triển. Chúng ta gạt bỏ khá nhiều các môn có tính chất “ao làng” như wushu, cầu mây...để tập trung hơn cho các môn Olympic.

 

Kết quả, đoàn TTVN đã có tới 18 suất tham dự Olympic, trong số này có đầy đủ 5 môn cơ bản nhất là: điền kinh, bắn súng, bơi lội, TDDC và cử tạ. Trong số này, TDDC có thể tự hào khi là đại diện duy nhất của khu vực ĐNA góp mặt tới 3 VĐV. Còn ở bơi lội, Ánh Viên cũng là một trong 2 VĐV đến được London.

 

Tương tự là ở môn nhảy cao, Dương Việt Anh với mức xà 1m92 sẽ chỉ đến London với tinh thần “học hỏi là chính”, nhưng cũng là đại diện duy nhất của khu vực. Nếu như việc đánh giá cho sự phát triển của mỗi nền thể thao luôn dựa vào số vé tham dự Olympic, thì rõ ràng TTVN đã có bước tiến thật sự.

 

Cái mà chúng ta thiếu, chính là VĐV của mình vẫn chưa thựa sự đủ tầm để có thể cạnh tranh huy chương. “Tầm” ở đây, còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khâu chuẩn bị, tâm lý, chiến thuật và cả may mắn.

 

Trên bảng tổng sắp huy chương Olympic tính đến thời điểm hiện tại, Thái Lan đã có 1 tấm HCB (xếp thứ 25), Indonesia có 1 HCB, 1 HCĐ, đứng ở vị trí 24. Ngoài ra các quốc gia mạnh còn lại trong khu vực như: Singapore, Philippines, Malaysia và Việt Nam vẫn chưa có tấm huy chương nào. Điều đó cho thấy, việc khó khăn giành huy chương, không phải là câu chuyện riêng của đoàn TTVN.

 

Phải thừa nhận, TTVN thời gian qua đã chưa làm tốt khâu chuẩn bị, nhưng dẫu sao trong hoàn cảnh nền kinh tế khó khăn chung, chúng ta cũng đã nỗ lực hết sức. Chúng ta đã đặt nhiều kỳ vọng ở ít nhất 3 môn, nhưng kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng, còn thi đấu lại là chuyện khác.

 

 

Bằng Tường

Dòng sự kiện: Olympic London 2012

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm