Cái nhìn công tâm với U19 Việt Nam
(Dân trí) - Đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn chưa thua trận nào tạo VCK giải châu Á, đồng thời đứng trước cơ hội lớn vào tứ kết, ấy thế mà họ vẫn chịu những luồng ý kiến cho rằng họ đá chưa đẹp, mà quên mất rằng U19 Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ở tầm châu lục.
Khái niệm bóng đá đẹp đang bị hiểu sai
Ý kiến trên chủ yếu xuất phát từ chỗ một số người nhìn cách đội tuyển của HLV Hoàng Anh Tuấn chơi phòng ngự trước CHDCND Triều Tiên và đặc biệt là trong khoảng 30 phút cuối trước UAE. Tuy nhiên, xét trên bình diện châu Á, so với mặt bằng của bóng đá Việt Nam, có lẽ các đại diện của nước ta không còn phương án nào tốt hơn là phòng ngự phản công ở đấu trường châu lục. Riêng khoảng 30 phút chót trận gặp UAE, chúng ta phải đá thiếu người, nếu không phòng ngự thì còn đá kiểu gì?
Dường như trong khoảng 3 năm trở lại đây, tính từ thời điểm lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường nổi lên ở giải Đông Nam Á 2013, một bộ phận người xem bóng đá nội cổ suý hơi quá mức, hoặc hiểu sai khái niệm “đẹp” trong bóng đá.
Với một bộ phận người xem bây giờ, chỉ có lối chơi ban bật ngắn, giữ bóng nhiều, đột phá nhiều kiểu Công Phượng và các đồng đội mới được gọi là đẹp. Những lối chơi khác đều không được đánh giá cao.
Nhưng dường như người ta cũng quên mức rằng chính Công Phượng và các đồng đội 2 năm về trước, ở giải châu Á 2014 trên đất Myanmar còn chưa đạt đến thành tích như lứa U19 hiện nay. 2 năm trước, U19 Việt Nam của HLV Graechen Guillaume và của Công Phượng thua tan tác Hàn Quốc đến 6 bàn tại vòng bảng.
Còn hiện tại, những Trọng Đại, Hà Đức Chinh, Minh Dĩ... vượt qua CHDCND Triều Tiên 2-1. Mà so về trình độ, cũng như về lối chơi, về mặt nền tảng, có lẽ CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc không có khác biệt lớn.
Người ta cũng quên mất rằng muốn đá đẹp thì trước tiên phải nhìn đối thủ là ai cái đã. Với mặt bằng bóng đá Việt Nam bây giờ, ngoại trừ các trận đấu tầm Đông Nam Á, đại đa số các trận đấu khác, khi chúng ta lâm trận, hầu hết các đội bóng trong nước đều buộc phải chơi phòng ngự phản công.
Rồi cứ nhìn cách Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường khi đá ở U19 Hàn Quốc giữa năm 2014, với U19 Nhật Bản đầu năm đó, hoặc đá ở U23 UAE ở VCK U23 châu Á đầu năm nay thì khắc biết: Họ không phải không muốn chơi kỹ thuật, nhưng không tài nào sử dụng kỹ thuật của mình, vì đơn giản đối thủ không cho phép họ làm điều đó.
Một khi đối thủ có trình độ và đá áp sát, lại hơn ta về mặt thể hình, thể lực cũng như tốc độ, muốn giữ bóng trong chân còn khó, huống hồ gì là phô diễn kỹ thuật.
Phòng ngự phản công là hợp lý
Một số người cũng không nhận ra rằng đội tuyển U19 của HLV Hoàng Anh Tuấn đang chơi thứ bóng đá phòng ngự phản công khá hiện đại, trước CHDCND Triều Tiên, trước UAE: Đơn giản trong phòng ngự, và chớp nhoáng trong phản công.
Dĩ nhiên, ai cũng muốn xem bóng đá đẹp, nhung cổ suý quá mức cho lối chơi ấy mà xem thường việc phòng ngự, rồi quên mức mình là ai là điều không nên. Cũng đừng quên rằng phòng ngự phản công cũng là một nghệ thuật trong bóng đá, chứ không riêng gì tấn công.
Nếu có điều cần nhắc nhở các em ở đội tuyển U19 Việt Nam, thì nên xoáy sâu vào việc bớt các pha bóng bạo lực, theo kiểu phi 2 chân vào đối thủ, vốn được hình thành từ thói quen ở các lò đào tạo trong nước. Lối chơi đây dễ khiến chúng ta vừa mất sức, lại vừa thiệt quân cho dính thẻ.
Đã là phòng ngự một cách nghệ thuật thì các hậu vệ phải đạt đến kỹ thuật tranh cướp bóng của những đàn anh Công Minh, Như Thành, hay Quang Thanh ngày nào. Những người có kỹ thuật soạt bóng ở trình độ cao, chân vừa sát mặt cỏ để không phạm lỗi, vừa đủ khả năng thu hồi bóng gọn gàng.
Đấy là vấn đề về mặt kỹ năng, còn về tổng thể, lối chơi phòng ngự phản công, cùng nền tảng thể lực và ý thức kỷ luật chiến thuật mà đội tuyển U19 Việt Nam đang áp dụng tại giải châu Á hiện giờ là quá hợp lý và khá khoa học.
Kim Điền