Nghi án bán độ và hệ quả của bóng đá Việt Nam:
Cái giá của sự hèn nhát
Nghi án cầu thủ bán độ tại SEA Games 23 đang được làm rõ nhưng chuyện cầu thủ bán độ lại không phải là chuyện mới. Vấn đề là thái độ và cách đón nhận lẫn xử lý chuyện bán độ ấy như thế nào?
Tôi còn nhớ khi Lã Xuân Thắng quay lưng lại sút thủng lưới nhà, cả sân Hà Nội đã lên án và sau đó là người hâm mộ cả nước bất bình như thế nào. Cuối cùng thì chỉ có một bản án treo giò Lã Xuân Thắng (bản án mà Thắng chờ đợi và tự xác định chấm dứt nghiệp cầu thủ ngay sau cú sút định mệnh ấy, chứ không cần phải hơn tháng sau liên đoàn mới ra quyết định sau nhiều cuộc họp) và hết.
Tôi cũng nhớ cả hình ảnh hàng loạt các cầu thủ Hải quan, CA Hải Phòng bán độ ở mùa giải 1997 đứng trước vành móng ngựa, thì người duy nhất đại diện LĐ được uỷ quyền tham dự phiên toà là ông Đỗ Ngọc Núi đã không thể nói được quan điểm của LĐ trong vụ mua bán độ này, ngoài câu: "Tôi sẽ báo cáo lại".
Các quan chức LĐ và những người có trách nhiệm lâu nay vẫn có một thói quen là đứng đằng sau và thậm chí là đứng ngoài các sự kiện mua bán độ, khi tự khoác cho mình chiếc áo "bảo hộ": Chuyện ấy phải công an mới làm được, còn bóng đá thì chỉ lo tổ chức đá bóng.
Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam có đến bốn tuyển thủ quốc gia bị Cơ quan điều tra mời lên. Tôi không cho đó là sự chấn động lớn và ghê gớm, bởi hiểu được rằng lẽ ra thì cái lần đầu tiên ấy nó phải là Tiger Cup 96 và thậm chí là trước đó nữa kia. Cái lần mà ông Weigang chỉ mặt bốn tuyển thủ và kết luận là bán độ, trong trận VN hoà suýt chết trước Lào ở sân Jurong. Đấy cũng là lần mà chính đại tá công an Tô Hiền phải xin ông Weigang đừng đuổi họ về nước, sớm giao cho công an, mà hãy để đội tuyển thi đấu xong giải rồi hãy thực hiện.
Giải ấy, khi đội tuyển Việt Nam trở về với chiếc HC bạc và với cảnh cầu thủ chống nạng từ máy bay xuống trong lời tung hô thì tất cả những kế hoạch về cuộc đại phẫu đã chìm trong quên lãng.
Bỏ qua nhiều lần đầu tiên" khác
Sau cái lần đầu tiên bất thành ấy, bóng đá Việt Nam tiếp tục bỏ qua nhiều lần đầu tiên khác. Vụ Lã Xuân Thắng sút thủng lưới nhà rồi tuyên bố "tôi làm tôi chịu". Tiếp đến là vụ vòng loại giải thế giới năm 1998 mà đội tuyển thua đến 0-4 trên sân nhà, trong sự dự báo của HLV rằng cầu thủ làm độ. Sang đến trận chung kết Tiger Cup 98 rồi theo sang đến SEA Games 21 năm 2001, JVC Cup 2003 với việc cầu thủ Vũ Như Thành bị "trảm"...
Giải nào người ta cũng nghi ngờ, đến độ đã thành miễn nhiễm với những người có trách nhiệm và trở nên câu nói quen thuộc của giới chuyên môn, của người hâm mộ về sự sa sút phong độ: Có độ không? Ai nằm? Nằm bao nhiêu? Những chuyện mà đến giờ những người phụ trách Liên đoàn, những quan chức đã rời ghế sau các nhiệm kỳ và những người trong ngành thể thao đã về hưu, khi nói đến chuyện bán độ có thể kể cả ngày không hết và xem đó như một căn bệnh không thuốc chữa của bóng đá Việt Nam.
Căn bệnh ấy và sự di căn ấy tồn tại bởi những lần nói không với vụ bán độ có thể lôi ra ánh sáng và làm mạnh, làm đậm, làm đến nơi đến chốn.
Cái giá của sự hèn nhát ấy, bây giờ bóng đá Việt Nam phải gánh chịu. Ai cũng biết có bán độ và ai cũng biết chúng ta thua, ngoài vấn đề chuyên môn ra còn có những cái thua về tư tưởng.
Đồng tiền (đen) đã làm mờ mắt các cầu thủ, nhưng sự thiếu trách nhiệm và sự vô cảm với những căn bệnh của bóng đá Việt Nam nơi những nhà quản lý đã góp phần tạo nên cái môi trường ấy, giống như một thứ vỏ bọc cho những con người xấu ẩn nấp và lợi dụng những đôi chân với cái đầu non dại, thiếu chín chắn.
Bóng đá Việt Nam chỉ thực sự hồi sinh nếu những con người làm bóng đá dám đối diện với sự thật, thay vì thấy sự thật rồi đẩy hết trách nhiệm cho cầu thủ hư.
Theo Nguyễn Nguyên
Lao động