Các tiền đạo Việt Nam sẽ tỏa sáng ở V-League 2015?
(Dân trí) - Vấn đề tìm tiền đạo nội có hiệu suất ghi bàn tốt là một trong những vấn đề hóc búa nhất của các đội tuyển Việt Nam những năm gần đây. Mùa tới, khi V-League có nhiều đất diễn hơn cho chân sút nội, hy vọng chất lượng các tiền đạo từ nay sẽ khác.
Thị trường chuyển nhượng ngoại binh không còn sôi động
Điểm yếu cố hữu của các đội tuyển Việt Nam những năm gần đây chính là khả năng kết thúc. Điều này có thể lý giải khi nhìn theo lăng kính của một V-League tràn ngập ngoại binh.
Các đội bóng trong nước hầu hết sử dụng tiền đạo ngoại để săn bàn thắng. Ưu thế của tiền đạo gốc ngoại so với tiền đạo nội quá rõ ràng, đặc biệt là về mặt thể hình và thể lực. Nhờ mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và cao lớn hơn mà tiền đạo gốc ngoại giải quyết được rất nhiều vấn đề cho các đội bóng nội.
Các CLB Việt Nam chỉ cần xây dựng lối chơi đơn giản là tuyến dưới chuyền bóng dài lên cho tuyến trên, rồi từ đó các tiền đạo ngoại dùng sức mạnh về thể lực của mình để càn lướt, “xúc”, “ủi” các hậu vệ, tạo khoảng trống cho chính mình và cho các đồng đội lao lên dứt điểm.
Lối chơi ấy dần dần trở thành nếp đối với các cầu thủ, với các CLB, rồi vô tình biến nhiều tiền đạo nội trở thành… người thừa. Mất khả năng cạnh tranh với các chân sút ngoại ở vị trí trung phong, các tiền đạo nội hoặc phải chọn cách ngồi dự bị, hoặc phải đá ở vị trí trái sở trường.
Người có kỹ thuật tốt và tốc độ tốt như Công Vinh thì chọn cách đá dạt ra biên, Quang Hải ở Hải Phòng cũng vậy, trong khi người có khả năng chơi ở hàng tiền vệ là Mạc Hồng Quân thậm chí đôi lúc còn được bố trí đá… tiền vệ trụ.
Điều đáng quan tâm ở đây chính là do không quen đóng vai trò trung phong ở CLB, không quen sắm vai mũi nhọn săn bàn ở CLB, nên các tiền đạo nội cũng… quên luôn cách ghi bàn khi lên tuyển.
Thành ra, khâu săn bàn luôn là khâu yếu nhất của các đội tuyển Việt Nam những năm gần đây. Riêng ở AFF Cup 2014, ở các trận đấu với Indonesia, Lào thuộc vòng bảng và 2 trận bán kết với Malaysia, đội tuyển Việt Nam bỏ lỡ rất nhiều cơ hội ghi bàn.
Chờ đợi sự đổi thay từ V-League
Thay đổi đáng kể nhất ở V-League 2015 so với các mùa giải trước chính là việc hạn chế sử dụng cầu thủ ngoại (chỉ 2 so với 4 như trước đây) và cầu thủ nhập tịch (chỉ 1 so với dùng không hạn chế).
Phản ứng đầu tiên là thị trường chuyển nhượng bóng đá nội mấy tháng qua khá yên ắng, đặc biệt là yên ắng trong việc chuyển nhượng tiền đạo ngoại. Rất ít các chân sút ngoại chuyển đến các đội bóng đá nội so với mọi năm.
Hạn chế ngoại binh và cầu thủ nhập tịch cũng có thể đồng nghĩa với việc cơ hội được ra sân của các chân sút nội sẽ nhiều hơn.
Chỉ được đăng ký 2 ngoại binh, nhiều đội sẽ chọn phương án dùng 1 tiền đạo và 1 cầu thủ phòng ngự nước ngoài. Có nghĩa là các đội bóng trong nước chí ít vẫn còn 1 suất cho các chân sút nội, thay vì không xài tiền đạo nội nào như các năm.
Bóng đá Việt Nam hiện nay có rất nhiều tiền đạo nội đang cần đất diễn, cần môi trường thi đấu để khẳng định mình. Ví dụ như Mạc Hồng Quân. Tiền đạo Việt kiều này bôn ba qua nhiều đội bóng suốt mùa giải vừa rồi, từ Thanh Hóa cho đến HV.An Giang, nhưng vẫn không thường xuyên được thi đấu, vì không thể cạnh tranh với các tiền đạo ngoại.
Ví dụ như Hà Minh Tuấn của SHB Đà Nẵng, đây là chân sút có triển vọng, nhưng cơ hội ra sân của anh ở đội bóng sông Hàn trước đây không cao, vì anh cũng không thể cạnh tranh với các ngoại binh trên hàng tấn công.
Hạn chế cầu thủ ngoại, cơ hội được mở ra cho các tiền đạo nội cũng là lúc mà người ta có thể thấy bộ đôi tiền đạo Anh Đức và Công Vinh phối hợp với nhau ở B.Bình Dương, thay vì từng người luân phiên xuất hiện trên sân như trước. Nếu từ trước đó, họ có sự ăn ý và không phải bị chia sẻ chỗ đứng với các ngoại binh ở các đội bóng mà họ đã khoác áo, biết đâu hiệu suất ghi bàn của họ cho đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup vừa qua sẽ tốt hơn.
V-League 2015 vì thế sẽ là một giải đấu mà ở đấy các tiền đạo nội chính là những người được chờ đợi nhất, sau nhiều năm phải làm nền cho các ngoại binh.
Điểm yếu cố hữu của các đội tuyển Việt Nam những năm gần đây chính là khả năng kết thúc. Điều này có thể lý giải khi nhìn theo lăng kính của một V-League tràn ngập ngoại binh.
Các đội bóng trong nước hầu hết sử dụng tiền đạo ngoại để săn bàn thắng. Ưu thế của tiền đạo gốc ngoại so với tiền đạo nội quá rõ ràng, đặc biệt là về mặt thể hình và thể lực. Nhờ mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và cao lớn hơn mà tiền đạo gốc ngoại giải quyết được rất nhiều vấn đề cho các đội bóng nội.
Các CLB Việt Nam chỉ cần xây dựng lối chơi đơn giản là tuyến dưới chuyền bóng dài lên cho tuyến trên, rồi từ đó các tiền đạo ngoại dùng sức mạnh về thể lực của mình để càn lướt, “xúc”, “ủi” các hậu vệ, tạo khoảng trống cho chính mình và cho các đồng đội lao lên dứt điểm.
Lối chơi ấy dần dần trở thành nếp đối với các cầu thủ, với các CLB, rồi vô tình biến nhiều tiền đạo nội trở thành… người thừa. Mất khả năng cạnh tranh với các chân sút ngoại ở vị trí trung phong, các tiền đạo nội hoặc phải chọn cách ngồi dự bị, hoặc phải đá ở vị trí trái sở trường.
Hy vọng Mạc Hồng Quân (27) sẽ có nhiều đất diễn hơn, khi V-League hạn chế ngoại binh
Người có kỹ thuật tốt và tốc độ tốt như Công Vinh thì chọn cách đá dạt ra biên, Quang Hải ở Hải Phòng cũng vậy, trong khi người có khả năng chơi ở hàng tiền vệ là Mạc Hồng Quân thậm chí đôi lúc còn được bố trí đá… tiền vệ trụ.
Điều đáng quan tâm ở đây chính là do không quen đóng vai trò trung phong ở CLB, không quen sắm vai mũi nhọn săn bàn ở CLB, nên các tiền đạo nội cũng… quên luôn cách ghi bàn khi lên tuyển.
Thành ra, khâu săn bàn luôn là khâu yếu nhất của các đội tuyển Việt Nam những năm gần đây. Riêng ở AFF Cup 2014, ở các trận đấu với Indonesia, Lào thuộc vòng bảng và 2 trận bán kết với Malaysia, đội tuyển Việt Nam bỏ lỡ rất nhiều cơ hội ghi bàn.
Chờ đợi sự đổi thay từ V-League
Thay đổi đáng kể nhất ở V-League 2015 so với các mùa giải trước chính là việc hạn chế sử dụng cầu thủ ngoại (chỉ 2 so với 4 như trước đây) và cầu thủ nhập tịch (chỉ 1 so với dùng không hạn chế).
Phản ứng đầu tiên là thị trường chuyển nhượng bóng đá nội mấy tháng qua khá yên ắng, đặc biệt là yên ắng trong việc chuyển nhượng tiền đạo ngoại. Rất ít các chân sút ngoại chuyển đến các đội bóng đá nội so với mọi năm.
Hạn chế ngoại binh và cầu thủ nhập tịch cũng có thể đồng nghĩa với việc cơ hội được ra sân của các chân sút nội sẽ nhiều hơn.
Chỉ được đăng ký 2 ngoại binh, nhiều đội sẽ chọn phương án dùng 1 tiền đạo và 1 cầu thủ phòng ngự nước ngoài. Có nghĩa là các đội bóng trong nước chí ít vẫn còn 1 suất cho các chân sút nội, thay vì không xài tiền đạo nội nào như các năm.
Bóng đá Việt Nam hiện nay có rất nhiều tiền đạo nội đang cần đất diễn, cần môi trường thi đấu để khẳng định mình. Ví dụ như Mạc Hồng Quân. Tiền đạo Việt kiều này bôn ba qua nhiều đội bóng suốt mùa giải vừa rồi, từ Thanh Hóa cho đến HV.An Giang, nhưng vẫn không thường xuyên được thi đấu, vì không thể cạnh tranh với các tiền đạo ngoại.
Ví dụ như Hà Minh Tuấn của SHB Đà Nẵng, đây là chân sút có triển vọng, nhưng cơ hội ra sân của anh ở đội bóng sông Hàn trước đây không cao, vì anh cũng không thể cạnh tranh với các ngoại binh trên hàng tấn công.
Hạn chế cầu thủ ngoại, cơ hội được mở ra cho các tiền đạo nội cũng là lúc mà người ta có thể thấy bộ đôi tiền đạo Anh Đức và Công Vinh phối hợp với nhau ở B.Bình Dương, thay vì từng người luân phiên xuất hiện trên sân như trước. Nếu từ trước đó, họ có sự ăn ý và không phải bị chia sẻ chỗ đứng với các ngoại binh ở các đội bóng mà họ đã khoác áo, biết đâu hiệu suất ghi bàn của họ cho đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup vừa qua sẽ tốt hơn.
V-League 2015 vì thế sẽ là một giải đấu mà ở đấy các tiền đạo nội chính là những người được chờ đợi nhất, sau nhiều năm phải làm nền cho các ngoại binh.
Kim Điền