Các danh thủ từng gắn bó với màu áo Barcelona lẫn AC Milan
(Dân trí) - Barcelona và AC Milan là hai đội bóng có nhiều duyên nợ không chỉ trên sân cỏ mà cả trên thị trường chuyển nhượng. Bằng chứng là rất nhiều danh thủ lẫy lững như Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho hay Ibrahimovic từng khoác áo cả Los Blaugrana lẫn Rossoneri.
Demetrio Albertini gắn bó gần như cả sự nghiệp với màu áo sọc đỏ đen thành Milan, đội bóng mà anh yêu quý. Albertini thi đấu cho Rossoneri từ năm 1991 đến 2002 rồi ra đi khi Ancelotti thay máu triệt để tuyến giữa. Albertini lang bạt qua nhiều đội bóng tại Serie A và La Liga trước khi đi tới bến đỗ cuối cùng là Barcelona trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2004-05. Trong quãng thời gian ngắn ngủi khoác áo Barca, Albertini vẫn kịp bổ sung vào bộ sưu tập danh hiệu của mình chức vô địch La Liga và siêu cúp Tây Ban Nha.
Winston Bogarde gia nhập Milan từ Ajax trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 1997 nhưng màn trình diễn của trung vệ người Hà Lan để lại trong màu áo Rossoneri thực sự rất đáng thất vọng. Bogarde chỉ được ra sân 3 lần trong cả mùa giải 1997-98 trước khi bị Milan “tống cổ” sang Barcelona, nơi mà HLV Louis van Gaal đang xây dựng cả một đế chề Hà Lan. Bogarde khoác áo Barca trong 2 mùa giải và nhiều ý kiến cho rằng Bogarde thường xuyên được ra sân hoàn toàn do Louis Van Gaal “che chở”.
Chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử các đội trẻ Barcelona, Bojan Krkic đã có những bước tiến “đại nhảy vọt” khi bắt đấu sự nghiệp của một cầu thủ nhà nghề (2007-08), trong đó đáng kể nhất là việc trở thành cầu thủ trẻ nhất từng ghi bàn cho Barcelona. Tuy nhiên tài năng của Krkic ngày càng bị thui chột rồi phải ra đi tìm bến đỗ mới khi mùa giải 2010-11 kết thúc, anh đã chơi 163 trận và ghi được 41 bàn trong màu áo Barcelona. Sau một mùa giải khoác áo AS Roma, Krkic đầu quân cho AC Milan ở mùa 2012-13 nhưng gây thất vọng nặng nề khi cả mùa chỉ có 3 bàn thắng.
Francesco Coco ra mắt trong máu áo Milan vào năm 1995 và gắn bó với đội bóng sọc đỏ đen cho đến năm 2001. Tuy nhiên trong khoảng thời gian 6 năm đó Coco thi đấu cho không ít đội bóng khác như Torino hay Vicenza theo dạng cho mượn. Mùa giải cuối cùng Coco khoác áo Milan chính là mùa giải thành công nhất khi anh ra sân 30 trận và ghi được 2 bàn thắng tại Serie A. Mùa giải tiếp theo Coco chuyển đến Barcelona cũng theo dạng cho mượn từ Milan. Tuy nhiên suốt mùa 2001-02 tại Nou Camp, Coco thi đấu vô cùng tệ hại nên Los Blaugrana nhất quyết không chịu ký hợp đồng chính thức với anh.
Edgar Davids là một trong những tiền vệ thi đấu năng nổ và bền bỉ nhất trong những năm trở lại đây. Tiền vệ Hà Lan gốc Surinam gia nhập Milan từ Ajax vào năm 1996 nhưng chỉ khoác áo sọc đỏ đen trong 1 mùa giải duy nhất. Đến kỳ chuyển nhượng mùa hè 1997, nhận thấy tiềm năng của Davids, Juventus chiêu mộ bằng được tiền vệ người Hà Lan. Davids gắn bó với Juventus trong 7 năm rồi chuyển đến Barcelona trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2003-04. Tại Nou Camp, Davids chính là kiến trúc sư cho chức á quân La Liga. Đây cũng là mùa giải đầu tiên Ronaldinho khoác áo Barcelona, bản lề cho những bước tiến vĩ đại của Barcelona sau này.
Sau một mùa giải bùng nổ cùng Bordeaux, cũng như những đồng đội như Zidane hay Lizarazu, Christophe Dugarry hiện thực giấc mơ chơi bóng tại Serie A, giải đấu hấp dẫn nhất thế giới thời điểm đó khi đầu quân cho AC Milan vào năm 1996. Tại Milan, Dugarry thi đấu rất tệ hại khi chỉ có 5 bàn sau 27 lần ra sân. Thành tích nghèo nàn này khiến Milan “tống khứ” Dugarry sang Barcelona bằng một bản hợp đồng cho mượn. Tuy nhiên Barca cũng chỉ dung dưỡng tiền đạo người Pháp đúng 1 mùa giải khi Dugarry chỉ có 7 lần ra sân và không ghi được bàn thắng nào.
Zlatan Ibrahimovic là bản hợp đồng bom tấn của Barcelona ở mùa 2009-10. Chân sút người Thụy Điển chính là bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử Barcelona với mức phí chuyển nhượng lên đến 70 triệu euro. Tại Nou Camp, Ibrahimovic ghi không ít bàn thắng mang tính quyết định song mối quan hệ tồi tệ với Pep Guardiola khiến anh phải chuyển đến AC Milan với giá 24 triệu euro chỉ sau 1 mùa giải khoác áo Barcelona. Trong 2 mùa giải khoác áo Rossoneri, Ibrahimovic ghi dấu ấn lớn với chức vô địch Serie A 2010-11.
Sau khi ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết tại Vienna giúp Ajax đăng quang tại Champions League 1994-95, Patrick Kluivert được đánh giá là một trong những chân sút triển vọng nhất của bóng đá châu Âu. Năm 1997, Kluivert ký hợp đồng với gã khổng lồ AC Milan. Tuy nhiên trong màu áo Rossoneri, Kluivert không những hòa nhập rất chậm với các đồng đội mà còn xung khắc gay gắt với HLV Fabio Capello. Một năm sau, Kluivert gia nhập Barcelona, nơi mà Louis van Gaal đang “nhuộm cam thánh địa Nou Camp”. Tại đây, với sự hậu thuẫn của Louis van Gaal, Kluivert phát huy được hết khả năng để đứng thứ 8 trong danh sách những chân sút ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử Barca.
Năm 2004, Maxi Lopez được Barcelona chiêu mộ nhằm thay thế vị trí “siêu dự bị” của lão tướng Henrik Larsson, cầu thủ thời điểm bấy giờ dính chấn thương đầu gối rất nghiêm trọng. Tuy nhiên trong hai mùa giải khoác áo Los Blaugrana, dấu ấn duy nhất mà chân sút người Argentina để lại là bàn thắng vào lưới Chelsea. Rời Barca, Maxi Lopez lang bạt khắp nới, trong đó từng dừng chân tại AC Milan ở mùa giải năm ngoái.
Tương tự như người đồng đội Patrick Kluivert, Michael Reiziger chuyển đến AC Milan sau chức vô địch châu Âu với Ajax nhưng thi đấu không thành công. Sau đó hậu vệ phải này cũng chuyển đến Barcelona giúp Louis van Gaal xây dựng đế chế Hà Lan tại Nou Camp và trở thành một trụ cột không thể thay thế.
Rivaldo là một trong những tài năng lớn nhất của bóng đá thế giới những năm cuối thập niên 90 và Barcelona chính là nơi anh khẳng định được những giá trị ấy. Chuyển đến Barca từ Deportino năm 1997 để thay thế cho Ronaldo đã chuyển tới Inter Milan. Rivaldo nhanh chóng trở thành linh hồn trong lối chơi của Barcelona và đỉnh cao trong sự nghiệp của anh là QBV 1999. Sau chức vô địch thế giới năm 2002, Rivaldo đầu quân cho AC Milan, tuy nhiên tại đây anh gần như mất hút.
Ronaldinho chính là bản hợp đồng tạo nên bước ngoặt trong lịch sử Barcelona. Nhờ tài năng của Ronnie, Barcelona chinh phục mọi danh hiệu cao quý nhất mà đỉnh cáo là chức vô địch Champions League 2006. Tuy nhiên sự tự mãn của một công thần đã giết chết sự nghiệp của Ronaldinho tại Nou Camp. Năm 2008, với sự xuất hiện của Pep Guardiola, Ronaldinho bị đẩy sang Milan với giá 24 triệu euro. Trong hai mùa rưỡi khoác áo Rossoneri, Ronaldinho thi đấu rất thất thường, lúc thì rất bùng nổ nhưng lúc thì như bóng ma vật vờ trên sân.
Mùa giải 1996-97 là mùa giải duy nhất Ronaldo khoác áo Barcelona, tuy nhiên chỉ một mùa giải ấy cũng đủ để hình ảnh của Ronaldo không thể phai mờ tại Nou Camp. Với 47 bàn thắng trong 49, Ronaldo đưa Barcelona chinh phục Winners Cup, Copa del Rey và siêu cúp châu Âu. Đến giai đoạn xế chiều, Ronaldo rời Real Madrid để đầu quân cho AC Milan. Anh khoác áo Rossoneri trong nửa cuối mùa 2006-07 và mùa giải 2007-08, tuy nhiên tiền đạo người Brazil chỉ thực sự thành công trong mùa 2006-07.
Mark van Bommel gia nhập Barca trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2005 sau một mùa giả bùng nổ trong màu áo PSV. Tiền vệ người Hà Lan chỉ gắn bó với màu áo Los Blaugrana đúng 1 mùa giải rồi đầu quân cho Bayern Munich, nơi kỳ vọng anh sẽ khỏa lấp được vị trí của Michael Ballack. Đầu năm 2011, Bommel chuyển đến AC Milan khi hợp đồng với Bayern Munich chỉ còn 6 tháng nữa là đáo hạn và thi đấu một năm rưỡi trong màu áo Rossoneri.
Gianluca Zambrotta gia nhập Barcelona từ Juventus sau vụ bê bối Calciopoli. Tuy nhiên thời gian Zambrotta thi đấu cho Barcelona chính là quãng thời gian đội chủ sân Nou Camp rơi vào khủng hoảng. Đến khi Guardiola xuất hiện thì Zambrotta trở lại Italia đầu quân cho AC Milan và chơi bóng tại đây đến hết mùa 2011-12.
Ngọc Trung