Bóng đá Việt Nam: Vô lý từ những khoản nợ khó đòi
(Dân trí) - B.Bình Dương và trung vệ Chí Công bên này đòi tiền bên kia, cầu thủ K.Kiên Giang đòi tiền đến mức… nản, trong khi dù Navibank Sài Gòn đã giải tán cả năm qua vẫn còn nợ tiền cầu thủ. Đấy đều là các món nợ khó đòi đến… vô lý.
Có hợp đồng hẳn hoi vẫn là nợ khó đòi
Cầu thủ K.Kiên Giang khi đòi tiền đội bóng chủ quan có than rằng họ đá bóng, ký hợp đồng giấy trắng mực đen hẳn hoi, nhưng đến lúc xảy ra chuyện thì chẳng biết tìm ai để thu hồi nợ.
Trong khi đó, Navibank Sài Gòn dù đã giải thể cả năm nay vẫn chưa thanh toán xong tiền chế độ cho cầu thủ, HLV. Riêng cựu HLV Phạm Công Lộc của đội bóng thành phố cho biết ông vẫn bị Navibank Sài Gòn nợ vài trăm triệu đồng.
Chưa đến mức ấy, nhưng số những cầu thủ như Quang Long, Thế Anh, hay cựu trợ lý HLV Phùng Thanh Phương… có thể nói rằng họ đang là chủ nợ của Navibank Sài Gòn.
Ký hợp đồng hẳn hoi, nhưng đến khi ra chuyện, cầu thủ K.Kiên Giang chẳng biết đòi nợ ở đâu?
Dù vậy, cái khó của các cầu thủ K.Kiên Giang, hay những người từng làm việc cho Navibank Sài Gòn ở chỗ dù mang tư cách chủ nợ, nhưng họ biết đòi ai bây giờ?
Lạ hơn nữa, khi các CLB thành lập có tư cách pháp nhân đàng hoàng, theo mô hình của các doanh nghiệp. Nhưng đến khi xảy ra chuyện thì họ chỉ cần tuyên bố giải tán, hoặc nói đơn giản như lãnh đạo CLB K.Kiên Giang rằng không có gì để trả, thì gần như mọi trách nhiệm được “phủi tay”.
Đấy rõ ràng là một kẽ hở trong mô hình hoạt động của các CLB bóng đá Việt Nam, khi quyền lợi của người lao động không được đảm bảo. Lạ hơn nữa là hầu hết các CLB ấy đều có đơn vị chủ quản ở phía trên, nhưng khi CLB giải tán thì đơn vị chủ quản của họ cũng đồng loạt ngó lơ?!
Đấy là cuộc chơi không thể gọi là sòng phẳng. Thường thì các CLB bóng đá và doanh nghiệp bảo trợ của các CLB này hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Chỉ có điều lạ là khi công ty con tuyên bố giải tán, công ty mẹ cũng “quên” luôn người lao động!
Sinh chuyện vì cách hành xử không hợp tình
Khác với câu chuyện trên, trường hợp mâu thuẫn giữa trung vệ Chí Công và CLB B.Bình Dương lại mang một màu sắc khác, xuất phát chủ yếu từ cách hành xử của các bên liên quan.
Cho đến thời điểm này, cả Chí Công lẫn CLB B.Bình Dương đều cho rằng bên còn lại đang nợ tiền mình và có trách nhiệm thanh toán số tiền nợ ấy. Chí Công đòi B.Bình Dương trả đủ tiền lót tay (tổng cộng là 9 tỷ đồng, B.Bình Dương mới chi 7 tỷ), còn B.Bình Dương đòi Chí Công 5 tỷ 125 triệu đồng, sau khi nêu ra các chi tiết cho rằng Chí Công vi phạm hợp đồng và phải chịu phạt.
Lẽ ra, chuyện đã chẳng có gì ầm ĩ, nếu như các bên thay vì dọa lôi nhau ra tòa, ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung (ngay cả khi tòa án thụ lý hồ sơ, việc đầu tiên họ làm cũng là giúp các bên hòa giải).
B.Bình Dương trách trung vệ Chí Công làm xấu hình ảnh CLB bằng cách bắn tin cho báo chí dọa kiện đội bóng đất Thủ Dầu, trước khi anh thông báo với phía B.Bình Dương. Chưa biết bức xúc từ phía đội bóng đất Thủ Dầu trong sự viện nêu trên chính xác đến đâu.
Chỉ biết rằng, cách gây áp lực thông qua giới truyền thông vẫn là cách mà một bộ phận đang hoạt động trong bóng đá nội vẫn dùng, theo kiểu “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”.
Không dám khẳng định ai đúng – ai sai trong sự việc này, nhưng rõ ràng nếu sự việc cứ dây dưa kéo dài, trung vệ Chí Công khó tìm bến đỗ mới, một khi anh vẫn chưa có giấy thanh lý hợp đồng từ… B.Bình Dương, và cũng chẳng có gì đảm bảo rằng anh sẽ đòi được tiền ngay lập tức, như anh mong muốn.
VFF cũng khó phân xử vụ này, một khi sự việc được đẩy ra tòa, liên quan đến Luật lao động, và một khi cơ quan thuế vào cuộc để rà soát nghĩa vụ thuế mà các bên phải thực hiện trong những bản hợp đồng có giá trị cao từng được ký kết.
Ai cũng khăng khăng cho rằng mình đúng. Về lý không dám kết luận, nhưng về tình thì chưa chắc bên nào đúng trong một vụ việc mà xuyên suốt từ đầu đến giờ, mỗi bên đều nói theo hướng của mình, thay vì ngồi lại tìm giải pháp chung!
Trọgg Vũ