Bóng đá Việt Nam ngày một ảm đạm

Trong cơn bão khủng hoảng tài chính chưa có dấu hiệu suy giảm, sự thoái lui hàng loạt của các ông bầu khỏi các CLB bóng đá đang trở thành một nguy cơ có thực. Bóng đá VN, sau một giai đoạn phát triển “nóng” lại đứng trước nguy cơ rơi vào giai đoạn trầm lắng.

Bóng đá Việt Nam ngày một ảm đạm
Liệu các ông bầu như bầu Hiển, bầu Trường, bầu Thuỵ (từ trái qua phải) còn đầu tư nhiều cho bóng đá như những năm trước hay sẽ rút lui khi có cơ hội?. Ảnh: VSI.

 

 
Khủng hoảng “mò vào tận giường”

 

Tuyên bố thoái vốn khỏi hai công ty thể thao, SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T của Chủ tịch tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển vừa qua đang tạo nên những luồng dư luận rất trái chiều.

 

Trong đó đã có những ý kiến lo ngại, sự rút lui của bầu Hiển sẽ đẩy LĐBĐVN (VFF) vào tình thế khó khăn hơn trong việc duy trì hoạt động bình thường của cả hệ thống.

Trước Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB (bầu Hiển đứng danh Chủ tịch HĐQT ở cả hai nơi), rất nhiều doanh nghiệp cũng đánh tiếng muốn rút khỏi bóng đá. Với chi phí hoạt động khoảng 80-100 tỷ đồng/năm, trong khi gần như không tự tạo được nguồn thu, các đội bóng lúc này bị ví như những chiếc “tàu há mồm”, khiến gánh nặng trên vai các doanh nghiệp mỗi lúc một trĩu xuống.

 

Trong cả mùa giải vừa qua, những thông tin về việc doanh nghiệp A muốn rút khỏi bóng đá, hay ngân hàng B thôi tài trợ…đã trở nên không còn là những sự kiện gây sốc.

Chỉ cách đây ít lâu, Chủ tịch CLB The Vissai Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường vừa phải lên báo trả lời về việc đội bóng sau khi kết thúc mùa giải vẫn nợ vài tháng lương của cầu thủ.

 

Bầu Trường trước đó cũng không ít lần úp mở về khả năng rút khỏi bóng đá, dĩ nhiên, vì những lý do không liên quan tới tài chính. Không chỉ The Vissai Ninh Bình, nhiều CLB khác hiện cũng đang trong tình trạng nợ lương, thưởng…của HLV, cầu thủ.

 

Tuyên bố của bầu Hiển, vì vậy ở góc độ khác cũng tạo nên khá nhiều nghi ngờ, là T&T đã bắt đầu “đuối” sau một giai đoạn phải gánh các đội bóng. Thực tế là mức độ đầu tư của Hà Nội T&T ở mùa giải vừa qua đã không còn mạnh như những năm trước đó.

 

Không chỉ Hà Nội T&T, mức độ đầu tư của những đội bóng nổi tiếng bạo chi trước kia như Hải Phòng, The Vissai Ninh Bình, Sài Gòn Xuân Thành…đều co lại. Thậm chí một ông bầu chịu chơi và có tiếng chơi ngông như bầu Thuỵ “quên” cả việc treo thưởng cho đội nhà SG.XT ở trận chung kết cúp QG, sau khi đã “may mắn” không phải rút hầu bao tám tỷ ở trận chung kết V.League hơn một tuần trước đó.

 

Phải về mặt đất

 

TGĐ Công ty cổ phần bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh hôm qua cho biết, liên tiếp trong những ngày qua phải tiếp không ít cuộc gọi để hỏi về tình hình tài chính của SLNA.

Hiện đang có tin, Ngân hàng Bắc Á đang cân nhắc khả năng có hay không tiếp tục tài trợ cho đội bóng xứ Nghệ. Quyết định cuối cùng phải chờ đến sau cuộc làm việc giữa Bắc Á và lãnh đạo tỉnh Nghệ An.

 

“Vấn đề này phụ thuộc vào quyết định của nhà tài trợ và lãnh đạo tỉnh, cấp CLB chúng tôi không dám có ý kiến phát biểu. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, bất kỳ CLB nào muốn duy trì được hoạt động thì đều cần phải có tiền. Bóng đá chuyên nghiệp thì lại càng không thể thiếu tiền” - ông Thanh cho biết.

 

Theo ông Thanh, trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng bóng đá VN cần có sự nhìn nhận lại sự phát triển trong thời gian vừa qua, để có phương hướng thoát khỏi khó khăn.

 

“Khi doanh nghiệp phát triển, đầu tư mạnh vào bóng đá để quảng bá thương hiệu cùng các mục đích khác, bóng đá đương nhiên có điều kiện phát triển. Nay kinh tế khó khăn, hàng ngàn doanh nghiệp phải giải thể, bóng đá không thể đứng ngoài cuộc. Đã đến lúc bóng đá VN bắt buộc phải trở lại mặt đất chứ không thể bay bổng tận đâu đâu”, theo ông Thanh.

 

Ông Nguyễn Hồng Thanh cũng chia sẻ quan điểm của Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, là trong bối cảnh các ông bầu đều đã kiệt sức, CLB cần sự chia sẻ từ HLV, cầu thủ cũng như các đơn vị khác trong lĩnh vực bóng đá.

 

Theo: Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm