Bóng đá Việt Nam năm 2017: Thất bại của U22 Việt Nam và thế hệ Công Phượng
(Dân trí) - Được kỳ vọng nhiều nhất, nhưng đội tuyển U22 Việt Nam lại thất bại theo cách ê chề nhất tại SEA Games 29. Thất bại của đội bóng này, của thế hệ này cũng là thất bại của một quan điểm và một sự ảo tưởng từng tồn tại trong bóng đá nội.
Trước khi SEA Games 29 – chiến dịch được cho là quan trọng nhất trong năm của bóng đá Việt Nam, khai diễn, không ít người đã đặt hy vọng, thậm chí kỳ vọng vào thế hệ Công Phượng và các đồng đội ở đội tuyển U22 Việt Nam.
Bầu Đức gần như đặt cả chiếc ghế Phó chủ tịch VFF của mình vào đội tuyển đấy, vào chiến dịch đấy, với tuyên bố, nếu U22 Việt Nam không vô địch SEA Games 29, ông sẽ rút lui khỏi VFF, đồng thời cũng khuyên một số nhân vật khác tại cơ quan quản lý bóng đá nội nên rút lui.
Chiến dịch SEA Games 29 cũng là chiến dịch mà đâu đó, một vài người trong cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam muốn trông vào đấy, để có thành tích mà báo cáo, trước áp lực ngày một lớn từ phía dư luận, và nhất là trước thềm đại hội nhiệm kỳ của VFF sẽ diễn ra ngay đầu năm sau.
U22 Việt Nam rốt cuộc thất bại, bầu Đức giữ đúng lời hứa xin từ chức, nhiều vị khác từng trông chờ vào thành tích của đội bóng đấy hụt hẫng, trước khi núp, rồi né trách nhiệm, trút hết mọi yếu kém lên đôi vai của HLV Nguyễn Hữu Thắng.
Vấn đề nằm ở chỗ, sự yếu kém, hay nói cụ thể hơn là những nhược điểm của đội tuyển U22 Việt Nam, của thế hệ Công Phượng và các đồng đội vốn đã nhiều lần được giới truyền thông trong nước chỉ ra, nhưng không được chỉnh sửa đến nơi đến chốn.
Thất bại của lứa Công Phượng và các đồng đội trong năm nay, dưới màu áo đội tuyển U22 Việt Nam còn là thất bại của một quan điểm và một sự ảo tưởng kéo dài.
Đấy là quan điểm “đá đẹp có thua cũng sướng” từng có thời thịnh hành trong bóng đá nội. Để qua thực tế, người ta nhận ra rằng Công Phượng và các đồng đội chỉ đủ khả năng đá đẹp trước các đội yếu, còn trước các đội thủ cứng cựa, biết áp sát và giỏi phòng ngự khu vực, lối chơi đấy trở nên vô tác dụng.
Sự ảo tưởng đấy nằm ở chỗ nhiều người cứ cho rằng hễ từng thắng các thế hệ cùng trang lứa của các đội tuyển tại Đông Nam Á ở các giải trẻ, là có thể bê nguyên thế hệ vừa nêu rồi tiếp tục thắng họ khi trưởng thành, mà quên mất rằng tốc độ phát triển, trình độ phát triển còn phụ thuộc vào môi trường mà các cầu thủ được cọ xát khi trưởng thành.
Điều đáng tiếc là những người làm công tác quản lý bóng đá thay vì tìm cách cải thiện môi trường bóng đá nội, cải thiện chất lượng giải quốc nội, cụ thể là cải thiện chất lượng V-League, để các cầu thủ được tăng cường chuyên môn, nâng cao bản lĩnh, thì hầu như lại thiếu định hướng, thiếu chiến lược.
Và thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam, của thế hệ Công Phượng và các đồng đội ở SEA Games 29, còn phản ánh một điều rằng chúng ta không thể trông chờ thành công vào phép mầu từ một thế hệ cầu thủ duy nhất, đến từ một học viện bóng đá duy nhất. Mà thành công, nếu có, phải đến từ sự chuyển động đồng bộ của toàn bộ hệ thống bóng đá, với vai trò dẫn dắt, định hướng của cơ quan quản lý nền bóng đá!
Đấy có lẽ cũng là vấn đề của năm với bóng đá Việt Nam: Quay cuồng giữa các sự vụ, mà thiếu trầm trọng những hành động mang tính chiến lược và định hướng xuyên suốt!
Trọng Vũ