Bóng đá Việt Nam "lún" từ bao giờ?!

Chắc chắn là bóng đá Việt Nam không phải bây giờ mới "lún" mà từ Tiger Cup 1996, người hâm mộ đã biết đến vụ tiêu cực khi đội tuyển Việt Nam hòa chật vật đội tuyển Lào với tỷ số 1-1. Tuy nhiên, do cách chống tiêu cực của VFF quá mờ nhạt nên "cái sảy nảy cái ung".

 

Từ lâu, người hâm mộ đã biết đến chuyện ông thầy người Đức Karl Heinz Weigang nổi trận lôi đình sau khi tuyển Việt Nam "chật vật" thủ hòa tuyển Lào 1-1 tại Tiger Cup 1996. Lần đó, ông đòi đuổi một trung vệ về nước ngay lập tức và 4 người còn lại không cho tập, chờ quyết định cuối cùng. 

 

Vì nhiệm vụ quốc gia, vì đang ở trong thế "ngàn cân treo sợi tóc", có thể bị loại bất cứ lúc nào, nên Trưởng đoàn Tô Hiền đành ra tay dàn xếp “dĩ hòa, vi quý”, vừa vuốt giận ông Weigang, vừa cương quyết ra lệnh không được đuổi ai, không ai bị cấm tập luyện.

 

Ông cũng không quên “thòng” một câu: “Các bạn phải chơi thật tốt, đoái công chuộc tội”. Thế là, chuyện nghi ngờ một số tuyển thủ “bán mình cho quỷ” tạm gác, mọi người lao vào những trận đấu sinh tử. Họ mang về cho Tổ quốc tấm huy chương đồng Tiger Cup, đồng nghĩa với việc đưa nghi án năm đó vào tủ kính.

 

Song, mối hoài nghi về bóng ma tiêu cực vẫn cứ lởn vởn đâu đó trên đầu đội tuyển trong những lần dự giải quốc tế. Trận thua Singapore 0-1 ở chung kết Tiger Cup 1998 ngay trên sân nhà cũng không nằm ngoài tầm ngắm của giới quan sát. Một vụ cãi vã kịch liệt sau trận thua tệ hại đó giữa các cầu thủ với nhau đã xảy ra và mọi người hiểu ngay rằng, đó là cuộc xung đột giữa những mối hoài nghi trong nội bộ đội tuyển.

 

Rồi chuyện trọng tài tiêu cực không phải đợi đến hôm nay mới xảy ra. Trận chung kết giải vô địch năm 1996 giữa Đồng Tháp và Công an TP Hồ Chí Minh trên sân Cao Lãnh. Trọng tài chính Nguyễn Tuấn Hùng bị cầu thủ phản ứng, chực hành hung và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tập trung lo chuyện kỷ luật cầu thủ vi phạm, mà quên rằng đã có một luồng thông tin khác rất đáng quan tâm về khả năng tổ trọng tài đã “dính” quá sâu vào đội chủ nhà.

 

Trong nhiều trận đấu ở giải vô địch quốc gia, nhiều đội bóng lên tiếng phản ứng trọng tài, nhưng đều bị các Ban tổ chức, rồi VFF bỏ ngoài tai. Cả một hệ thống điều hành, lãnh đạo bóng đá đồ sộ từ trên đổ ập xuống thì đội bóng làm sao đối chọi nổi. Một số đành quay ra lót tay trọng tài, vì lẽ chống không nổi thì quy hàng thôi.

 

Con đường dẫn đến tiêu cực bóng đá có phần của VFF qua các nhiệm kỳ, bởi năng lực kém và tệ quan liêu của nhiều vị lãnh đạo môn thể thao vua này. Có một dạo VFF không tìm ai ngồi vào cái ghế Trưởng ban tổ chức giải được, đành nhờ ông Nguyễn Đình Khoái bên Tổng cục TDTT (nay là Ủy ban TDTT) sang.

 

Ông này không có “dây mơ rễ má” gì với các đội, tính tình lại cương quyết, nên ông làm việc rất rắn, xử rát mặt những ai dính tới tiêu cực. Giải năm ấy giảm hẳn tiêu cực và trên báo Lao Động, cây bút đã quá cố Tường Vy đặt cho ông biệt danh “Nguyễn Công” (vì thời điểm ấy trên truyền hình chiếu bộ phim nhiều tập về Bao Công).

 

Trong khi đó, vai trò của VFF trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực hiện nay cũng rất mờ nhạt, thậm chí khi phát biểu trước báo chí đến đoạn nào thì y như rằng sai đến đấy.

 

Trên báo Tuổi Trẻ ngày 1/10/2005, đề cập đến những câu phát biểu “hớ” của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ về vụ Đông Á Thép Pomina và vụ đòi kỷ luật giám đốc Sở TDTT Thừa Thiên-Huế Ngô Văn Trân, trong khi mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng. Báo hại ai đó phải nhắc khéo ông.

 

Bóng đá Việt Nam không phải đến bây giờ mới “lún”. Nó lún từ lâu và lún từ bộ máy lãnh đạo, điều hành của VFF.

 

Theo Sài Gòn giải phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm