1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Bóng đá Việt Nam còn quá nhiều tồn tại

Đó là nhận định chung của không ít đại biểu tham dự hội nghị tổng kết mùa giải 2005 và hội thảo bóng đá chuyên nghiệp do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ ngày 1 - 3/10.

Mặc dù "ngốn" khá nhiều tiền của cũng như công sức của Nhà nước, các nhà tài trợ, những người làm công tác bóng đá..., nhưng đáng tiếc mùa giải năm 2005 còn quá nhiều tồn tại.

 

Cắt nghĩa vấn đề này có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung lại là do công tác điều hành, tổ chức trận đấu tại địa phương, các CLB, giám sát và đặc biệt là công tác trọng tài còn yếu kém.

 

Đơn cử như cơ cấu tổ chức của bộ máy điều hành chỉ hoạt động ở thời gian gần cuối giải. Còn phần lớn thời gian Ban tổ chức giải điều hành theo cơ chế cũ:

 

Cán bộ điều hành công tác trọng tài không làm việc chuyên trách tại Liên đoàn, không có cán bộ chuyên trách về kỷ luật...

 

Quy định về kỷ luật trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp không cụ thể và sát với thực tiễn.

 

Trong khi đó, công tác tổ chức trận đấu tại các địa phương cũng chẳng hơn gì. Điển hình là một số sân vẫn để tình trạng khán giả ném vật lạ xuống sân, đốt pháo sáng trên khán đài, có lời lẽ thô tục với trọng tài, đội bạn, hăm dọa trọng tài trong các trận đấu tại Hải Phòng, Nam Định, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...; thậm chí tại Đà Nẵng khán giả còn bạo động sau khi kết thúc trận đấu.

 

Băng ghi hình ở một số sân không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thái độ phục vụ của các nhân viên y tế và tổ nhặt bóng thiếu nghiêm túc.

 

Đối với các CLB vẫn còn hiện tượng móc nối dàn xếp tỷ số ở gải hạng nhất quốc gia (Khatoco Khánh Hòa và Huda Huế), một số CLB còn cho tiền trọng tài sau các trận đấu, nhất là móc nối với trọng tài để tạo dựng đường dây tiêu cực (vụ trọng tài Lương Trung Việt).

 

Đặc biệt, ở giai đoạn cuối của giải một số trọng tài được người hâm mộ ghi nhận và biết đến thể hiện sự yếu kém về bản lĩnh, tâm lý không vững vàng, không dám quyết định trong những tình huống khó khăn. Hơn thế có trọng tài còn thiếu tinh thần dũng cảm, tự thay đổi quyết định quả phạt đền, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tiếp đến là những ông "vua" này còn nhận "tiền quà" của đội bóng, tham gia vào đường dây móc nối, lôi kéo các trọng tài khác tiêu cực.

 

Còn đó, vô số những tồn tại hay nói chính xác hơn là thất bại của bóng đá Việt Nam trên bình diện khu vực và quốc tế nhưng trớ trêu thay trong báo cáo tổng kết mùa giải 2005 (giải Vô địch quốc gia, hạng nhất quốc gia và Cúp quốc gia) vẫn có tới 7 trang được Trưởng Ban tổ chức giải Dương Nghiệp Khôi trình bày trước hội nghị. Trong khi đó những tồn tại chỉ nêu lên cho có với vẻn vẹn hơn 2 trang giấy.

 

Vì tương lai của bóng đá Việt Nam và hãy vì người hâm mộ nước nhà, Liên đoàn còn quá nhiều việc phải làm để "vực dậy" các giải đấu trong nước - tiền đề quan trọng để chọn lựa những cầu thủ xuất sắc nhất cho các ĐTQG.

 

Yêu cầu trước mắt và được xem là yếu tố quan trọng đem lại thành công mùa giải 2006 là Liên đoàn cần phải ban hành sớm các văn bản pháp quy: điều lệ giải, quy chế...; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan an ninh và các CLB nhằm ngăn chặn và giải quyết triệt để các hiện tượng tiêu cực.

 

Bên cạnh đó, thông qua sửa đổi quy chế, mẫu hợp đồng cầu thủ, chuyển nhượng cầu thủ, tổ chức tập huấn cho lực lượng giám sát, trọng tài trước mùa giải. Đặc biệt nên có chế độ thưởng - phạt rõ ràng, ràng buộc trách nhiệm đối với từng cá nhân và phát thẻ ATM cho các trọng tài...

 

Nhân dịp này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã cho biết kế hoạch tổ chức thi đấu năm 2006; trao giải thưởng mùa bóng 2005 cho các đội bóng, cầu thủ; bốc thăm, xếp lịch thi đấu...

 

Theo Hoàng Hải

Tiền phong