Bóng đá nữ TPHCM chờ ý kiến của VFF trong vụ tranh chấp cầu thủ
(Dân trí) - Liên quan đến vụ tranh chấp 2 cầu thủ nữ Mỹ Anh và Hoài Lương giữa đội nữ TPHCM và Thái Nguyên, phía TPHCM cho biết họ chờ phán quyết từ VFF, tránh tạo tiền lệ xấu cho những vụ lôi kéo cầu thủ.
"Đấu" công văn
Trước đó, vào ngày 17/3, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thái Nguyên (đơn vị quản lý đội bóng đá nữ Thái Nguyên) có công văn gửi đến Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Trung tâm TDTT Thống Nhất (TPHCM), về việc muốn tiếp nhận hai cầu thủ Lê Hoài Lương và Nguyễn Thị Mỹ Anh.
Nội dung công văn từ phía Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thái Nguyên có đoạn: "Được biết 2 VĐV trên đã hết hợp đồng lao động với Trung tâm TDTT Thống Nhất, không còn vướng mắc gì về mặt pháp lý".
"Vậy Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thái Nguyên đề nghị Trung tâm TDTT Thống Nhất tạo điều kiện và xác nhận. Sau thời hạn 7 ngày làm việc mà Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thái Nguyên không nhận được phản hồi, coi như hợp đồng lao động của 2 VĐV nói trên đã được thanh lý và không còn gì vướng mắc.
Đơn vị sẽ tiến hành thủ tục tuyển chọn 2 VĐV trên cho đội bóng đá nữ Thái Nguyên" - công văn từ phía Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thái Nguyên, do giám đốc trung tâm Phạm Ngọc Quang ký, cho biết thêm.
Được biết, phía đội nữ Thái Nguyên muốn tiếp nhận 2 cầu thủ Mỹ Anh và Hoài Lương với mức lót tay lần lượt là 500 triệu đồng và 400 triệu đồng, để thi đấu cho đội nữ Thái Nguyên từ mùa giải năm nay.
Sau khi nhận được công văn từ phía Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thái Nguyên, phía Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, cũng như Trung tâm TDTT Thống Nhất đã có liên tiếp các công văn trả lời.
Riêng trong ngày 1/4, công văn từ phía Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TPHCM, do Phó giám đốc Mai Bá Hùng ký, cho biết: "2 VĐV Lê Hoài Lương và Nguyễn Thị Mỹ Anh được Sở VH&TT TPHCM phát hiện, tuyển chọn, đào tạo từ tuyến năng khiếu ban đầu, thuộc ngân sách nhà nước chi trả nhiều năm.
Hiện nay, Hợp đồng lao động giữa Trung tâm TDTT Thống Nhất (đơn vị được Sở VH&TT TPHCM giao quản lý, đào tạo bộ môn bóng đá) với 2 VĐV này là hợp đồng gắn kết đào tạo thuộc nhân sách nhà nước chi trả, đang trong quá trình xem xét, giải quyết từ các đơn vị, cá nhân có liên quan, do trong điều khoản hợp đồng vẫn có yêu cầu thương thảo để tái ký" - công văn từ phía Sở VH&TT TPHCM khẳng định thêm.
Ngoài ra, công văn từ phía Sở VH&TT TPHCM nhắc đến vai trò của VFF trong vụ tranh chấp cầu thủ nữ hiện nay: "Sở VH&TT TPHCM kính đề nghị Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) có ý kiến về các quy định, quy chế quản lý VĐV như trường hợp của 2 cầu thủ Mỹ Anh, Hoài Lương".
"Trong quá trình chờ ý kiến từ VFF, Sở VH&TT TPHCM đề nghị các đơn vị có nhu cầu tiếp nhận các VĐV nói trên, cần có trao đổi trực tiếp với đơn vị đào tạo, nhắm hướng đến giải pháp tốt nhất cho sự phát triển của môn bóng đá nữ tại Việt Nam, tránh làm ảnh hưởng, phá vỡ hệ thống đào tạo của đơn vị chủ quản" - công văn của Sở VH&TT TPHCM nhấn mạnh.
Người trong cuộc nói gì?
Riêng trao đổi với Phó giám đốc Sở VH&TT TPHCM Mai Bá Hùng trong chiều 1/4, ông Hùng nói: "Chúng tôi chờ phán quyết của VFF, VFF ra phán quyết như thế nào chúng tôi sẽ tuân thủ, thực hiện, không khiếu nại, khiếu kiện".
"Nhưng trước khi VFF ra quyết định, tổ chức này nên xem xét đến yếu tố tiền đào tạo cầu thủ nữ là từ ngân sách nhà nước, cũng như lưu ý đến tiền lệ của các môn thể thao khác, chưa được chuyên nghiệp hóa giống bóng đá nữ, khi có tranh chấp" - ông Hùng nói thêm.
Sở dĩ vụ tranh chấp cầu thủ nữ giữa Thái Nguyên và TPHCM gây chú ý, bởi trong số 2 cầu thủ Mỹ Anh và Hoài Lương, Mỹ Anh chính là người góp công giúp đội nữ Việt Nam tạo tiếng vang trong thời gian gần đây, giành vé dự VCK World Cup 2023.
Phó giám đốc Sở VH&TT TPHCM Mai Bá Hùng chia sẻ: "Quan điểm của chúng tôi là chỉ muốn giữ người ở lại, chứ không muốn giữ người muốn ra đi. Nhưng cũng không thể có chuyện TPHCM dùng ngân sách nhà nước đào tạo cầu thủ từ nhỏ, trải qua hơn cả chục năm trời, từ hàng chục cầu thủ năng khiếu mới chọn được một người có chuyên môn, rồi để cho đội khác cứ thế đến lấy".
"Điều đó sẽ tạo ra tiền lệ hết sức nguy hiểm. Nếu nơi nào cũng chỉ đơn giản bỏ ra vài trăm triệu đồng mỗi trường hợp để lấy quân kiểu đó thì tôi e rằng trong tương lai không xa, bóng đá nữ sẽ trắng trên bản đồ bóng đá Việt Nam, vì không còn đơn vị nào dám đào tạo cầu thủ để rồi bị hớt tay trên nữa.
Bản thân chúng tôi sau vụ việc này cũng phải rút kinh nghiệm, bàn thảo hợp đồng với các cầu thủ kỹ hơn. Nhưng về phía VFF cũng phải có khung pháp lý rõ ràng, để ngăn chặn những vụ lấy cầu thủ như thế này, tránh tạo ra tiền lệ nguy hiểm về sau. Tôi cũng tiếc là trước khi đặt vấn đề lấy cầu thủ, phía đơn vị nọ không hề ngồi lại nói chuyện với chúng tôi" - ông Mai Bá Hùng chia sẻ thêm.