1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bóng đá nữ Thái Nguyên long đong, cầu thủ lần lượt bỏ đi làm công nhân

(Dân trí) - Sau mùa giải 2019 với thành tích đứng thứ 5 trên 7 đội tham dự, cùng với tấm HCĐ cúp quốc gia, CLB bóng đá nữ Thái Nguyên đã phải nói lời chia tay với nhà tài trợ. Trong nhiều tháng qua, đội bóng này sống trong cảnh thiếu thốn kinh phí tập luyện và thi đấu, đối mặt với nguy cơ phải giải thể ở mùa tới…

Bóng đá nữ Việt Nam dù ghi dấu ấn trên đấu trường quốc tế, 5 lần vô địch SEA Games, nhưng vẫn là câu chuyện buồn khi so sánh với bóng đá nam. Nếu như các tuyển thủ Việt Nam đã là quá thiệt thòi, thì với các cầu thủ ở CLB, mọi thứ khó khăn đến khó tưởng tượng.

CLB nữ Thái Nguyên là một trong những đội bóng đang vật lộn với chuyện đảm bảo kinh phí để duy trì các hoạt động. 20 cầu thủ ở đây đang tập luyện mà chưa rõ tương lai của mình như thế nào.

Bóng đá nữ Thái Nguyên long đong, cầu thủ lần lượt bỏ đi làm công nhân - 1

Hoàn cảnh của cầu thủ nữ Thái Nguyên vô cùng khó khăn

Các cầu thủ này được bố trí ở một khu nhà ở 2 tầng cũ kĩ ở trung tâm TDTT tỉnh Thái Nguyên. Những căn phòng có diện tích chật hẹp, đã xuống cấp nghiêm trọng, tưởng như chỉ có ở các khu nhà trọ của người lao động thu nhập thấp.

Các cầu thủ ngủ trên những chiếc giường tầng cũ kĩ, không điều hòa, không có bình nóng lạnh để tắm vào trời đông. Cả căn phòng, chỉ có 1-2 chiếc quạt, cũng là tiền mà các cầu thủ đóng góp.

Kết thúc mùa giải 2019, CLB bóng đá nữ Thái Nguyên đứng hạng 5/7, giành HCĐ ở Cúp Quốc gia, một thành tích không đến nỗi nào, thậm chí là ấn tượng với đội bóng vốn không được đầu tư nhiều. Thế nhưng đội bóng này vẫn trình lên VFF xin nghỉ không theo các giải bóng đá chuyên nghiệp nữ nữa mà chỉ làm các lứa U. Lý do bởi với ngân sách nhà nước rất eo hẹp, nếu tiếp tục trì đội 1 để tham dự giải VĐQG rất tốn kém, không biết lấy tiền đâu ra.

Bản thân các cầu thủ cũng đang sống rất khó khăn ở trung tâm. Nhiều người không chịu được khổ vì thiếu tiền trang trải cuộc sống, đã phải xin nghỉ để đi làm công nhân, khi có giải lại về thi đấu, coi như là một hình thức “chữa cháy” để chờ vào một sự thay đổi…

Hiện tại ở đội bóng chỉ còn khoảng hơn 20 cầu thủ, đa số là lứa cầu thủ trẻ mới tuyển về, trong độ tuổi 13-14 (sinh năm 2006) còn các gương mặt dày dạn kinh nghiệm hơn hay tuổi đời nhiều hơn đều... đã xin về để đi làm công nhân

HLV Đoàn Việt Triều cho biết, cầu thủ không có lương, mà chỉ là tiền hỗ trợ. Theo đó, mỗi cầu thủ có 100 nghìn tiền ăn, 60 nghìn tiền công mỗi ngày. Như vậy, trừ tiền ăn đã dùng hết vào 3 bữa ăn, thì số tiền còn lại cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng, do tiền công không tính ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Bóng đá nữ Thái Nguyên long đong, cầu thủ lần lượt bỏ đi làm công nhân - 2

Nhiều nữ cầu thủ phải chuyển nghề sau khi hết mùa giả

Cũng theo ông Triều, nhiều cầu thủ đã xin về để làm công nhân với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn đến tập duy trì cùng các đồng đội, khi thi đấu giải lại xin nghỉ làm để ở lại CLB. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều tới chuyên môn của các cầu thủ, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, bởi ban huấn luyện không níu kéo được cầu thủ vì họ còn phải lo cho cuộc sống.

Ông Phạm Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao Thái Nguyên cho biết, hiện tại tình hình của đội bóng đá nữ Thái Nguyên vô cùng khó khăn, nếu không có nhà tài trợ thì cũng đành xin không tham dự các giải chuyên nghiệp nữa mà chỉ còn tập trung vào lứa U.

Đội trưởng Trần Thị Thúy Nga, năm nay đã bước sang tuổi 29, chia sẻ: "Tôi đã thi đấu 13 năm cho bóng đá nữ Thái Nguyên, giờ nếu đội phải nghỉ thi đấu tôi cũng không biết phải làm gì, chắc cũng phải từ bỏ đam mê để đi làm công nhận phụ giúp gia đình như nhiều người khác".

Dù rất buồn nhưng Thuý Nga vẫn hy vọng vào một tương lai tốt hơn, với mình, với các cầu thủ trẻ. Đội trưởng CLB nữ Thái Nguyên tin rằng ông trời sẽ không phụ lòng người.

Với niềm đam mê, cầu thủ CLB bóng đá nữ Thái Nguyên vẫn chăm chỉ và nỗ lực luyện tập, hàng ngày dậy từ 4h30 sáng để tập kỹ thuật nhờ ánh đèn lờ mờ từ khán đài A, còn chiều tập đến 18h30 hoặc tới lúc trời tối hẳn mới nghỉ. Và họ chờ đợi sẽ nhận được sự đãi ngộ nhiều hơn, để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê chơi bóng...

Huyền Trang