1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bóng đá - Những điều bạn chưa biết (Kỳ 2)

(Dân trí) - Thế giới vẫn tồn tại một quy luật lạ lùng: Ai cũng cần tiền, nhưng chẳng mấy người thừa nhận điều đó. Cả Ashley Cole và Michael Ballack khi đến với Chelsea cũng khăng khăng: “Tôi không vì tiền!” Vậy đã từng có ai dám thẳng thắn thừa nhận rằng mình vì tiền mà ra đi?

Hỏi: Khi Ashley Cole và Michael Ballack chuyển sang Chelsea, cả hai đều luôn khăng khăng rằng mình đến với Abramovic không phải vì tiền. Dẫu lý do có là gì thì những lời biện bạch của Cole và Ballack cũng là thông cảm được vì có ai lại tự nhận như thế. Tuy nhiên, dù hiếm nhưng lịch sử bóng đá cũng đã ghi nhận những cầu thủ “thẳng thắn” với công luận.

 

Tháng 3 năm 2006, tiền đạo đội tuyển Scotland, Garry O’Connor đã hé lộ về kế hoạch tài chính dài hơi của mình, trong đó phi vụ chuyển từ Hibernian sang Lokomotiv Moscow đóng 1 vai trò lớn. O’Connor dự định rằng anh sẽ kết thúc sự nghiệp ở tuổi 35 với 10 triệu bảng trong tài khoản. Và Lokomotiv là nơi có thể giúp anh thực hiện được tham vọng đó.

 

"Tôi muốn lo lắng cho gia đình mình,” O’Connor thừa nhận. “ Nếu tôi vẫn độc thân, không có Lisa và Josh (vợ và con trai anh), có lẽ chẳng bao giờ tôi đến nước Nga. Giờ thì bản hợp đồng 5 năm với Lokomotiv sẽ giúp tôi toại nguyện”.

 

Bóng đá - Những điều bạn chưa biết (Kỳ 2) - 1

Radzinski từng công khai tuyên bố
tới Everton chỉ vì tài chính.

 

Một gương mặt khác không mấy xa lạ với độc giả Việt Nam là tiền đạo Tomasz Radzinski. Tomas đã rất thẳng thắn khi nói về lý do mình đến Everton từ Anderlecht năm 2001.

 

“Tôi thừa biết rằng Everton không phải một CLB hàng đầu, họ cũng không thi đấu tại Champions League như Anderlecht,” Tomas nói. “Nhưng lời đề nghị của họ là quá hấp dẫn. Một bản hợp đồng 4 năm tuyệt vời, ở đó tôi sẽ kiếm được gấp 3 số tiền lương của mình ở Anderlecht!”.

 

Năm 1989, Chris Waddle, một cầu thủ đội một Tottenham và là fan của CLB này từ thuở nhỏ đã chuyển đến Marseille với lời bộc bạch rất chân thành: “Đơn giản là tôi buộc phải chấp nhận Marseille. Họ đưa ra mức lương có thể đảm bảo cho tương lai của cả gia đình tôi”.

 

Hỏi: Ai cũng biết CLB số một của thế kỷ 20 Real Madrid sở hữu một SVĐ huyền thoại: Santiago de Bernabéu. Nhưng chính xác tên của sân bóng này được đọc như thế nào?

 

Bóng đá - Những điều bạn chưa biết (Kỳ 2) - 2

Sân vận động huyền thoại Santiago Bernabeu. (AP)

 

Đúng vậy, cách đọc tên sân Bernabéu không được biết đến nhiều như đội bóng sở hữu nó. Đây đó trên thế giới, hàng ngày người ta vẫn đang tranh cãi về cách đọc tên Bernabéu, là “Bec-na-bơ” hay “Bec-na-bêu” hay ...? Các bình luận viên bóng đá Việt Nam cũng chưa thống nhất được với nhau về vấn đề này.

 

Thực ra, âm tiết “Ber” trong cái tên Bernabéu thường xuyên được người Việt Nam đọc chuẩn. Sự chính xác đó tình cờ được hình thành khi người Việt chịu ảnh hưởng của cách đọc tiếng Pháp và trong tiếng Tây Ban Nha, cách đọc âm tiết này giống hệt với tiếng Pháp: “Bec”.

 

Vấn đề nằm ở 3 chữ cái b-é-u (chữ e ở đây có dấu). Nhiều người thường đọc theo cách phát âm của tiếng Anh là “bơu”, nhưng nếu bạn đến Madrid và hỏi đường đến sân “Bec-na-bơu”, sẽ không ai biết để chỉ đường cho bạn.

 

Do có cùng ngữ hệ, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp có cách đọc nguyên âm tương đồng nhau. Theo đó, với “b-é-u”, cách đọc chuẩn phải là “bêu”. Cần phải nói thêm rằng với chữ “e” có dấu, trọng âm của Bernabéu rơi vào âm tiết “bêu”. 

 

Hy vọng rằng với một vài dòng giải thích trên đây, tác giả có thể phần nào giúp quý độc giả hiểu biết hơn và từ đó đam mê bóng đá hơn.

 

Hà Việt

 

Kỳ tới: Các bạn có biết rằng hầu hết người Việt Nam đều đọc sai 2 cái tên Dirk Kuyt và Michael Ballack? Joey Barton có phải là cầu thủ đầu tiên bị FA phạt vì tội dám chổng “bàn tọa” vào khán giả? Ai từng ghi nhiều hattrick nhất trong lịch sử đội tuyển Anh?