Phó chủ tịch LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) Dương Vũ Lâm

“Bóng đá có giao thoa thì vẫn cần giữ bản sắc riêng”

(Dân trí) - Chiến thuật trong bóng đá đã phát triển lên đến mức thượng thừa, lối chơi của các đội cũng ngày càng xích lại gần nhau. Tuy nhiên, mỗi đội bóng vẫn cần giữ được bản sắc riêng. Đấy là nhận định của ông Dương Vũ Lâm về chiến thuật tại World Cup 2014…

Con người vẫn là quan trọng nhất để phát triển lối chơi

Có vẻ như bây giờ các đội không còn lạ lẫm lối chơi của nhau, thậm chí đội này có thể bắt chước lối đá của đội khác?

Đấy là kết quả của việc phát triển công nghệ. Bây giờ, muốn nghiên cứu về đối thủ không khó, vì băng hình và tư liệu về từng cầu thủ, từng đội bóng đầy ra đấy. Thế nên, đừng lạ khi đội này có thể bắt chước lối đá của đội khác. Hay người ta hay nói là các đội bây giờ có sự giao thoa chiến thuật với nhau.

Nếu vậy thì làm cách nào để nhận ra sự khác biệt của các đội bóng trong bối cảnh mà ai cũng có thể đá giống ai?

Con người sẽ đóng vai trò quyết định. Ví như về lý thuyết Nhật có thể học theo cách đá của Brazil, Mỹ có thể chơi hao hao giống Đức, nhưng chắc chắn Nhật không bao giờ trở thành Brazil và Mỹ còn lâu mới bì được Đức. Khác biệt cơ bản ở đây chính là yếu tố con người. Lối chơi hay chiến thuật chỉ là tương đối, là cố định, trong khi con người mới là yếu tố phát triển lối chơi ấy, con người làm cho chiến thuật trở nên sinh động.

“Bóng đá có giao thoa thì vẫn cần giữ bản sắc riêng”
Dù phát triển kỹ thuật đến mức nào đi chăng nữa, nền tảng làm nên sức mạnh của đội Đức vẫn phải là sự chặt chẽ và khoa học

Và Tiqui-taca ở VCK World Cup năm nay không thể phát huy hiệu quả cũng vì không còn sở hữu những con người phù hợp?

Lối chơi này thật ra đã có từ nhiều năm trước, nhưng tại sao đến thời điểm những Xavi, Iniesta, Pique… đạt đến đỉnh cao phong độ, Tiqui-taca mới được nâng lên hàng nghệ thuật. Điều đó cho thấy bất cứ lối chơi nào cũng chỉ phát huy hiệu quả khi có những con người phù hợp. Tiqui-taca về cơ bản sẽ không chết, chỉ có những con người chơi lối chơi ấy không thể nào phát huy nó được tốt như xưa, bởi họ đâu có còn khỏe và nhanh như xưa.

Kiểu gì cũng phải giữ bản sắc riêng

Nếu 2 đội ra sân mà chơi quá giống nhau, thì đâu là khác biệt để nhận ra sự hơn kém của đôi bên?

Như tôi đã nói ở trên, vẫn là con người tạo nên sự khác biệt. Chính vì lẽ đó mà mọi đội bóng đều cần có ngôi sao. Lối chơi có thể được ví như một bản giao hưởng, có thể lúc du dương, lúc lên cao trào, và ai là người tạo ra những cung bậc đó? – chính là những cầu thủ lớn. Họ là người đóng vai trò nhạc trưởng giữ nhịp và điều khiển bản nhạc trên sân bóng, còn HLV chỉ là người viết ra bản nhạc ấy! Cầu thủ lớn sẽ biết cách điều tiết trận đấu, điều tiết lối chơi cho toàn đội, lúc nhanh để kết liễu đối phương và lúc chậm để đảm bảo an toàn cho đội mình.

Một vấn đề khác, nếu như các đội bóng vẫn giữ xu hướng học theo lối chơi của nhau, thì liệu đến một ngày người ta không còn phân biệt đâu là đội mạnh, đâu là đội yếu?

Không bao giờ có chuyện đó! Dù có giống nhau cách mấy thì mỗi nền bóng đá đều có bản sắc riêng. Bản sắc không chỉ được hình thành từ môi trường bóng đá, mà còn xuất phát từ văn hóa, từ đời sống của mỗi quốc gia. Những nền bóng đá lớn là những nền bóng đá luôn biết cách giữ gìn bản sắc của mình. Ví dụ như đội Đức dù phát triển kỹ thuật tốt đến đâu cũng luôn giữ được tính kỷ luật, sự khoa học và chặt chẽ trong lối chơi, mà người ta nhìn vào đấy là biết ngay bóng đá Đức. Ngược lại sai lầm của Brazil sau thảm bại vừa qua là họ từ bỏ những gì được gọi là sở trường mà rập khuôn lối đá của người châu Âu.

Cụ thể là gì, thưa ông?

Khi bạn đá bóng mà bỏ quan bản sắc của mình, học theo lối chơi của người khác, tức là bạn đang dùng sở đoản của chính bạn chống lại sở trường của đối phương. Lấy điểm yếu của mình đọ với điểm mạnh của đối thủ thì yếu thế là phải.

Cả thế giới ngán người Brazil hàng trăm năm qua vì họ có những giây phút ngẫu hứng mà đối phương không lường trước được, bây giờ họ lại rập khuôn lối đá của bóng đá châu Âu, thì làm sao họ chặt chẽ bằng một đội châu Âu hạng ưu như Đức. Bởi, không bao giờ có chuyện dân Brazil biết cách tuân thủ kỷ luật chiến thuật giỏi như cầu thủ. Điều đấy xuất phát từ văn hóa, chứ không phải riêng trong bóng đá. Thành ra có giao thoa về mặt chiến thuật đến mức nào đi chăng nữa, cũng không thể từ bỏ bản sắc riêng được!

Xin cám ơn ông!

Trọng Vũ (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm