1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bóng đá có dễ kiếm tiền không?

(Dân trí) - Nhiều CLB chết vì thiếu tiền. Bóng đá nội quay quắt trong mấy năm gần đây cũng vì khó kiếm tiền. Nhưng bầu Đức đang chứng minh điều ngược lại với lứa U19 của học viện HAGL-Arsenal.JMG, rằng không phải không có cách kiếm tiền từ chính bóng đá.

Bóng đá tự nuôi bóng đá, tại sao không?

Quay trở lại với câu chuyện lứa U19 của bầu Đức hiện đã là một thương hiệu mạnh của bóng đá Việt Nam. Con đường trở thành thương hiệu của lứa cầu thủ này cũng không tự nhiên mà có. Con đường ấy đến từ tầm nhìn xa của bầu Đức và sự nhạy bén trong việc tiếp cận với dư luận cũng như với giới truyền thông của cả một bộ sậu hùng hậu dưới trướng ông Đức.

Đầu tiên, muốn thu hút khách hàng cần có sản phẩm tốt. Đấy là điều mà bầu Đức đã dày công xây dựng nên lứa của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy… từ 7 năm trở trước, với một học viện đáng gọi là đột phá về mặt ý tưởng ở thời điểm đó.

Nhưng khi đã có sản phẩm tốt, điều tiếp theo nếu muốn sản phẩm ấy đến tay người tiêu dùng ắt phải thông qua khâu tiếp thị, quảng bá hình ảnh. Về mặt này, nói gì thì nói bộ sậu tư vấn dưới trướng bầu Đức làm việc quá hiệu quả.

Từ khi lứa cầu thủ của học viện HAGL-Arsenal.JMG chuẩn bị trình làng, cho đến lúc họ tham dự các giải đấu từ Đông sang Tây, bầu Đức dường như đã có hẳn một chiến dịch truyền thông rầm rộ, để cầu thủ đi đến đâu được tiền hô hậu ủng đến đấy, với tần suất xuất hiện dày đặc trên báo, trên truyền hình.

U19 Việt Nam từng khiến sân Mỹ Đình trở nên quá tải
U19 Việt Nam từng khiến sân Mỹ Đình trở nên quá tải

Mặt khác, bầu Đức đánh trúng ngay thị hiếu của khán giả nội, ở chỗ “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Trong bối cảnh mà cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch tràn lan trên sân cỏ trong nước, chuyện lứa cầu thủ U19 của học viện HAGL-Arsenal thuần nội do chính CLB này đào tạo nên khiến khán giả thấy thích.

Lứa cầu thủ U19 của bầu Đức hay nói cách khác là ông Đức kiếm được tiền nhờ điểm ấy. U19 thu hút được khán giả, các sân bóng bán được vé, U19 dễ dàng trong việc thu hút tài trợ, bản quyến truyền hình trong các trận đấu có đội bóng này tham gia bán chạy, đấy nói cho cùng đều tiền cả!

Giảm tải gánh nặng tài chính cho các ông chủ

Sân Mỹ Đình có sức chứa 40.000 chỗ ngồi bỗng chốc trở nên nhỏ bé khi U19 Việt Nam thi đấu. Sân Cần Thơ có sức chứa còn lớn hơn cũng chật như nêm trong các trận đấu của lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…

Đầu tiên, khâu bán vé vào sân xem như đã được giải quyết. Nó khác xa với cảnh các khán đài trống hơ trống hoác ở V-League, khiến cho nguồn thu từ vé của không ít CLB gần như bằng không.

XM Xuân Thành Sài Gòn cũng làm được điều tương tự ở sân Thống Nhất hồi năm 2012
XM Xuân Thành Sài Gòn cũng làm được điều tương tự ở sân Thống Nhất hồi năm 2012

Nhiều khả năng ở mùa tới, khi HA Gia Lai dùng lứa hiện tại đá V-League 2015, dự báo trận nào đội này cũng có khả năng hốt bạc từ tiền bán vé. Nếu tính thêm tiền quảng cáo nhiều khả năng cũng khá bộn, bầu Đức đỡ khổ lắm chứ!

Trước bầu Đức và lứa U19 hiện tại, bầu Thụy từng cực kỳ thành công trong việc lôi khán giả đến sân. Cứ cho rằng ông Thụy đôi lúc rất ngông, nhưng cái sự ngông của ông bầu này đem lại lợi ích hẳn hoi. Ví như mỗi trận đấu của XM Xuân Thành Sài Gòn đá trên sân Thống Nhất năm 2012, trận nào cũng có ca sĩ đến biểu diễn trước và giữa trận đấu.

Có thể một số ca sĩ được mời đến toàn hát… nhảm. Nhưng cái sự nhảm ấy đôi khi lại khiến khán giả thích. Bằng chứng là sân Thống Nhất trước đó và sau đó vắng lặng người, nhưng riêng ở thời điểm năm 2012 thì trận nào cũng đông khi có XM Xuân Thành Sài Gòn thi đấu (riêng 2 trận đấu giữa XM Xuân Thành Sài Gòn với Hà Nội T&T vào cuối mùa quá tải người xem).

Mà cái công nghệ đem nghệ sĩ vào sân biểu diễn trước và giữa trận đấu là công nghệ của người Mỹ chứ chẳng phải từ trên trời rơi xuống đâu! Người Mỹ vốn không mê bóng đá, nhưng các trận bóng ở Mỹ vẫn đông khán giả, phần vì với nhiều người khi đến sân, nếu không thích bóng đá, họ vẫn có thể xem… ca nhạc.

Cựu GĐĐH Trần Tiến Đại của XM Xuân Thành Sài Gòn ước tính rằng với lượng người vào sân cỡ đó, đội bóng thành phố có thể thu về khoảng 8 – 10 tỷ đồng từ tiền vé mỗi mùa. Cộng thêm tiền quảng cáo từ các công ty liên kết, số tiền mà bầu Thụy móc từ túi ra hàng năm thực chất không quá lớn.

Chỉ tiếc rằng bầu Thụy không đủ kiên nhẫn để làm bóng đá. Nhưng từ chuyện của bầu Thụy hay bầu Đức để thấy rằng, không phải không có cách kiếm tiền từ bóng đá.

Chỉ có điều nhiều năm nay nhiều vị làm bóng đá không lo kiếm, chỉ lo hưởng và lo… chia. Rồi khi có sản phẩm, người ta cũng không thèm đem ra quảng bá, nên người hâm mộ cũng ít biết về sản phẩm ấy. Kỳ thực những người làm bóng đá nội chưa đánh giá hết tầm quan trọng về vai trò của giới truyền thông!

Trọng Vũ