1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bóng bàn Việt Nam vẫn.. xa tấm HCV SEA Games

(Dân trí) - Không có bất ngờ xảy ra ở giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc 2013. Quang Linh và Mỹ Trang vô địch trong bối cảnh không có nhiều sự cạnh tranh. Điều đó khiến cho nhiều người lo về triển vọng vàng của chúng ta tại SEA Games 27.

Riêng ở đấu trường SEA Games, bóng bàn Việt Nam từng có cả HCV nội dung đơn lẫn đồng đội. Đấy là thời kỳ mà chúng ta còn có Vũ Mạnh Cường (nam), Ngô Thuy Thủy (nữ) rất mạnh.

Sau này, tiếp bước họ, những Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh cũng thống trị mặt trận đơn ở khu vực Đông Nam Á. Riêng tại SEA Games 25 vào năm 2009 ở Lào, đội tuyển bóng bàn Việt Nam cực kỳ đồng đều.

Khi đó, 3 tay vợt của đội nam là Đoan Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh và Đinh Quang Linh gần như ngang nhau về mặt trình độ. Chính điều này giúp cho các HLV rộng đường trong việc tính toán chiến thuật cho đội tuyển nam, vì sắp tay vợt nào ở vị trí tiên phong, vị trí chủ lực hay vị trí số 3 đều được, còn đối thủ thì không thể đoán ra là họ sẽ phải đánh với tay vợt nào mỗi khi đụng đội tuyển nam Việt Nam.

Riêng qua 2 giải đấu mới đây nhất là giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc và giải Cây Vợt Vàng (có tính chất như Tiền SEA Games), mọi chuyện đang thay đổi theo hướng khó nói là tích cực.

Tuấn Quỳnh sa sút khiến hy vọng vàng SEA Games

Tuấn Quỳnh sa sút khiến hy vọng vàng SEA Games
càng xa đội tuyển Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ)

Lực lượng của bóng bàn Việt Nam khó có thể nói là tinh nhuệ như trước. Ở đội tuyển nam, Kiến Quốc đã rút lui do tuổi tác, trong khi Trần Tuấn Quỳnh đang sa sút so với chính mình thời đỉnh cao.

Cũng ở đội tuyển nam, chỉ còn mỗi mình Đinh Quang Linh là đánh chắc tay. Đấy cũng chính là lý do mà Quang Linh hầu như không có đối thủ tại giải tay vợt xuất sắc vừa kết thúc.

Khả năng giành tấm HCV đồng đội nam vì thế cũng giảm đáng kể. Phía sau Quang Linh và Tuấn Quỳnh vẫn là khoảng cách đáng lo ngại của các tay vợt trẻ. Thế nên, đội tuyển bóng bàn nam Việt Nam hầu như không có tay vợt có thể đánh tốt vị trí số 3, xem như chưa đánh đã thiệt thòi so với các đối thủ 1 trận ở nội dung đồng đội nam.

Ở nội dung đơn, do Tuấn Quỳnh sa sút, nên khó hy vọng vào việc Tuấn Quỳnh tái lập được thành tích vô địch đơn nam SEA Games. Đinh Quang Linh là tay vợt giỏi, nhưng cái thiếu của Quang Linh so với Đoàn Kiến Quốc hay Trần Tuấn Quỳnh chính là thành tích quốc tế.

Ở mặt trận nữ, hy vọng còn ít hơn. Gần chục năm qua, Mai Hoàng Mỹ Trang vẫn là tay vợt nữ hàng đầu Việt Nam. Mỹ Trang cũng vừa mới vô địch giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc mà không gặp trở ngại đáng kể.

Chỉ có điều, trên đấu trường quốc tế, Mỹ Trang hiếm khi làm nên chuyện lớn, chủ yếu vì trình độ của Mỹ Trang vẫn kém so với các tay vợt mạnh hàng đầu Thái Lan, hay Singapore.

Nguyễn Thị Việt Linh từng nhận được nhiều kỳ vọng, nhưng có vẻ như Việt Linh chưa thể vượt qua cái ngưỡng của chính mình, để trở thành một tay vợt có đủ chất quái, đủ sức làm nên chuyện lớn ở làng banh nhựa.

Sự kết hợp của Việt Linh và Mỹ Trang ở nội dung đồng đội cũng không mang lại nhiều hy vọng. Vì cũng giống như đội nam, đội nữ cũng chưa thấy có tay vợt số 3 có chuyên môn tốt, nhằm tạo nên sự đồng đều.

Một vấn đề khác không thể không tính đến ở chỗ, trong khi các tay vợt hàng đầu Việt Nam hầu như giẫm chân tại chỗ, hoặc sa sút, thì các tay vợt trong khu vực đều có những bước tiến đáng kể.

Ở nội dung đồng đội nữ, trước sau Thái Lan vẫn là đội mạnh, đủ sức tranh chấp với Singapore. Người Thái có Nanthana Komwong (hạng 99 thế giới – tay vợt nữ có thứ hạng tốt thứ nhì Đông Nam Á) và Anisara Muangsuk (259) đầy tài năng và kinh nghiệm.

Trong khi đó, ở nội dung đơn nữ, Singapore với những tay vợt Trung Quốc nhập tịch như Lin Ye (92 – tay vợt nữ có thứ hạng cao nhất Đông Nam Á), Zhou Yihan (100), lisiyun Isabelle (217) đủ sức đánh bại các tay vợt hàng đầu Việt Nam.

Điều đáng lo cho bóng bàn Việt Nam ở chỗ, không chỉ đứng trước nguy cơ “trắng” vàng ở SEA Games 27, thì với công tác đào tạo trẻ hiện nay, ở các kỳ SEA Games tiếp theo, chúng ta cũng chưa chắc có lại tấm HCV mà chúng ta từng có.

Kim Điền