Bi kịch của Hoàng Hà Giang và trách nhiệm từ ngành TDTT

(Dân trí) - Đời VĐV cực ngắn, vinh quang thì thoáng chốc còn nỗi vất vả sau ánh hào quang lại dài đằng đẳng. Trường hợp của nữ võ sĩ Hoàng Hà Giang là một ví dụ điển hình mà nơi đó, người ta thấy nỗi thống khổ của nghiệp VĐV, trong khi vai trò của ngành lại hết sức mờ nhạt.

Phía sau ánh hào quang…

Từng giành HCB Asiad 2006, 2 lần có HCV đại hội võ thuật trẻ châu Á các năm 2006, 2008, giành suất dự Olympic Bắc Kinh 2008. Chỉ trong vòng có 2 năm, Hoàng Hà Giang gần như chạm đỉnh cao của đời VĐV.

Nói không quá, cô bé ngày nào chính là tài sản quý của nền thể thao nước nhà, nếu như không có căn bệnh lupus ban đỏ quái ác cướp đi toàn bộ những năm tháng rực rỡ nhất, cùng sự nghiệp được dự báo sẽ hết sức huy hoàng của Hà Giang.

Chỉ có điều là ngay khi ánh hào quang ấy vừa tắt với tài năng vừa nêu, cô cũng gần như phải chìm vào quên lãng, không chỉ đối với người hâm mộ, mà còn đối với ngay chính những người quản lý nền thể thao nước nhà.

Tính từ cái ngày mà Hoàng Hà Giang bị phát hiện mắc bệnh lupus ban đỏ năm 2008, hầu như cũng không thấy vai trò của ngành Thể dục thể thao (TDTT) đối với cô. Công việc kể từ ngày mắc bệnh, đồng thời phải vật lộn với cuộc sống sau thảm đấu đối với Hoàng Hà Giang là dạy võ phong trào, làm nghề phục vụ và… thư ký văn phòng.

 

Kể từ ngày Hoàng Hà Giang giã từ sự nghiệp và đối diện với hàng loạt khó khăn trong cuộc sống, người ta chứng kiến vai trò hết sức mờ nhạt của ngành TDTT (ảnh: Trọng Vũ)
Kể từ ngày Hoàng Hà Giang giã từ sự nghiệp và đối diện với hàng loạt khó khăn trong cuộc sống, người ta chứng kiến vai trò hết sức mờ nhạt của ngành TDTT (ảnh: Trọng Vũ)

 

Thậm chí, đã có lúc Hoàng Hà Giang theo đuổi việc học truyền thông, tìm ngã rẽ cho cuộc đời, bởi cô cảm nhận rằng không thể chờ sự tiếp sức của ngành TDTT trước nỗi khó khăn của chính mình.

Để rồi, cho đến giờ phút cô gái tài hoa nhưng bạc mệnh ấy vĩnh viễn ra đi ở cái tuổi 24, dấu ấn của các nhà quản lý TDTT đối với việc tìm lối ra trong cuộc sống cho một tài năng năm nào vẫn hết sức mờ nhạt, ngoài cái chế độ VĐV cấp thành mà TPHCM dành cho cô. Trong khi, lẽ ra, Hoàng Hà Giang phải được hơn thế, bởi cô đã là VĐV cấp quốc gia, thậm chí cấp châu Á sau tấm HCB Asiad 2006.

… là cuộc sống bấp bênh

Đời VĐV đỉnh cao cực ngắn, với một người lao động, thông thường thì khoảng sau năm 30 tuổi họ mới bắt đầu chín chắn, bắc đầu tiến những nấc thang đầu tiên trong sự nghiệp. Ngược lại, với các VĐV đỉnh cao, tầm tuổi ấy lại là lúc họ bước sang bên kia sườn dốc. Đấy là giai đoạn mà phần đông các VĐV đã xa rời ánh hào quang trên sàn đấu, cũng như thường phải giảm đáng kể thu nhập.

Thông thường, cũng vì theo đuổi sự nghiệp thể thao đỉnh cao, nên hầu hết các VĐV khi giã từ sàn đấu không kịp trang bị cho mình vốn sống đủ tốt, để có thể kiếm sống đàng hoàng: Trình độ văn hóa hạn chế, nghề nghiệp không, với một số VĐV may mắn được giữ lại làm công tác huấn luyện đã có thể gọi là thành công, số khác – chiếm phần đông, hầu như bơ vơ giữa dòng đời.

Câu chuyện mà chúng tôi từng kể về Vũ Bích Hường là một ví dụ. Nữ hoàng điền kinh ngày ấy giờ sống vất vả vì không nghề nghiệp, cũng chẳng biết bấu víu vào đâu.

Hay như có lần phóng viên Dân Trí hỏi cầu thủ 2 lần đoạt Quả bóng vàng nữ Việt Nam Đặng Thị Kiều Trinh, rằng dự định của cô là gì đằng sau quả bóng tròn, khi năm nay Kiều Trinh chuẩn bị bước sang tuổi 31? - Nữ cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á năm 2013 trả lời rất thật: “Em biết mình đã chậm, đã sa sút, nhưng nếu nghỉ ngay bây giờ, em biết làm gì hả anh?”.

Những số phận ấy, nếu may mắn được ngành TDTT, được đơn vị chủ quản giữ lại làm công tác huấn luyện, hoặc giữ vai trò quản lý, may ra họ còn có đường sống. Bằng ngược lại, thì đúng là chúng ta cũng không biết… câu trả lời cho câu hỏi vừa rồi của Kiều Trinh.

Mà Đặng Thị Kiều Trinh, Vũ Bích Hường, hay Hoàng Hà Giang đều là những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam trong nhiều thời điểm khác nhau. Thậm chí, họ đã vươn đến đẳng cấp khu vực và châu lục ở các nội dung mà họ đã và đang thi đấu.

Thế nhưng, điều trớ trêu là bất chấp sự nổi tiếng, bất chấp tài năng, những con người ấy vẫn đang và sẽ trăn trở về cuộc sống phía sau sự nghiệp VĐV đỉnh cao của chính họ. Mà tầm ngôi sao còn như vậy, huống hồ là hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn VĐV khác rồi sẽ như thế nào?

Thành ra, bài toán tìm đầu ra cho VĐV đỉnh cao sau khi kết thúc sự nghiệp là bài toán mà những nhà quản lý phải sớm giải. Họ đã và đang tận hiến với cái nghề vốn không chỉ đầy gian truân mà còn quá nhiều rủi ro. Ấy thế mà cuộc sống của họ vẫn cứ bấp bênh khi nghĩ đến ngày giã từ sự nghiệp thì bất công quá!

Trọng Vũ

 

Bi kịch của Hoàng Hà Giang và trách nhiệm từ ngành TDTT - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm